Cần rà soát, đánh giá sức chống chịu của các công trình

Vừa qua, khoảng 13 giờ 20 phút ngày 28-3, một trận động đất mạnh đã xảy ra tại Myanmar với độ sâu chấn tiêu khoảng 21km, gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Trận động đất cũng đã gây ảnh hưởng tới một số quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam.

Theo thống kê của giới chức Myanmar, tính đến ngày 30-3, số người thiệt mạng do động đất được xác nhận đã lên tới 1.644 người và hơn 3.400 người bị thương. Tuy vậy, con số thương vong được dự báo sẽ còn tăng lên bởi hệ thống liên lạc tại nhiều địa phương bị tê liệt do cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong trận động đất.

Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Myanmar. Ảnh: TTXVN

Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Myanmar. Ảnh: TTXVN

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học trái đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), lý do Myanmar hứng chịu trận động đất này vì nằm ở vành đai ranh giới giữa các mảng kiến tạo, là những nơi có khả năng xảy ra các trận động đất rất lớn. Lịch sử địa chấn của Myanmar cũng ghi nhận khu vực này thường xuyên xảy ra nhiều trận động đất có cường độ mạnh trong quá khứ.

Trước những ý kiến băn khoăn về hiệu quả trong công tác cảnh báo thiên tai, theo TS Nguyễn Xuân Anh, độ lớn của các trận động đất thì có thể dự báo được, nhưng xác định chính xác thời điểm xảy ra động đất thì rất khó dự báo. Ngay cả quốc gia có nền khoa học phát triển và thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai như Nhật Bản cũng không dự báo trước được thời điểm sẽ xảy ra động đất.

Tuy nhiên, việc dự báo được độ lớn và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất cũng rất quan trọng, vì từ đó có thể xây dựng các công trình kiên cố để chống chịu với những trận động đất lớn. Tại những nơi có khả năng thường xuyên xảy ra động đất thì các công trình sẽ được xây dựng, gia cố vững chắc hơn những nơi khác, nhưng việc này lại đòi hỏi công nghệ hiện đại, chi phí xây dựng tốn kém và trở thành thách thức đối với các quốc gia còn khó khăn.

Đối với Việt Nam, hiện tượng rung lắc đã được ghi nhận tại một số tòa nhà cao tầng ở các quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, gây hoảng sợ cho nhiều người dân. Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, do cách xa trận động đất nên nước ta chỉ bị ảnh hưởng nhỏ và khả năng chịu thiệt hại là rất ít.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng chủ quan, lơ là trước các diễn biến khó lường của thiên tai, TS Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, chính quyền địa phương, nhất là ở các thành phố lớn cần thường xuyên rà soát kháng chấn, đánh giá rủi ro, sức chống chịu của các công trình, đặc biệt là các công trình đã được xây dựng lâu năm, từ đó có những biện pháp gia cố, bảo vệ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về các kỹ năng phòng, chống động đất.

Theo đó, khi có động đất, nếu ở trong tòa nhà kiên cố, người dân hãy tìm chỗ trú ẩn dưới gầm bàn hoặc bám chặt vào khung cửa để tránh bị thương bởi các vật rơi vỡ. Nếu ở ngoài trời, mọi người hãy tránh xa các tòa nhà cao tầng. Cùng với đó, đối với các công trình, tòa nhà cao tầng nên được bổ sung những thiết bị chuyên dụng để đo rung lắc, từ đó có những đánh giá chính xác và cụ thể các ảnh hưởng do động đất gây ra.

HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-ra-soat-danh-gia-suc-chong-chiu-cua-cac-cong-trinh-821952