Cần rà soát, nghiên cứu đánh giá quy định hiện hành về danh mục thuốc bảo hiểm y tế

Chiều 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tổ chức phiên thảo luận Tổ đầu tiên để đóng góp, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và Dự án Luật Dữ liệu.

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 11 (gồm đại biểu các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Sơn La, Tây Ninh và TP.Đà Nẵng)

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 11 (gồm đại biểu các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Sơn La, Tây Ninh và TP.Đà Nẵng)

Tham gia góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, cho rằng việc sửa đổi Luật BHYT là hết sức cần thiết, tính cấp bách để đồng bộ, thống nhất với những quy định Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật. Đồng thời, bổ sung các quy định, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn nhằm để bảo đảm người dân trong cộng đồng được tham gia BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng; bảo đảm được quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và việc quản lý sử dụng Quỹ BHYT.

Góp ý vào các điều khoản cụ thể, đại biểu Hoàng Uyên đề nghị Ban soạn thảo quan tâm và tiếp tục làm rõ một số nội dung như sau:

Thứ nhất, sửa đổi bổ sung tại điểm đ khoản 4 Điều 12 về đối tượng tham gia BHYT

Tại điểm đ khoản 4 Điều 12 dự thảo Luật quy định: “Nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản” đưa vào nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Đại biểu Hoàng Uyên cho rằng, việc mở rộng đối tượng trên phù hợp, bởi vì họ là cầu nối, cánh tay nối dài giữa y tế và người dân cộng đồng đã hỗ trợ giúp ngành Y tế rất nhiều việc, nhất là thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa tại cộng đồng. Đây cũng là một trong những giải pháp để tăng cường năng lực và chất lượng hoạt động của y tế cơ sở. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định việc nhân viên y tế thôn bản được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Hơn nữa, theo khoản 3 Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 “Cộng đồng dân cư là nhóm công dân Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản,…” và Thông tư 04 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày 31/8/2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố được sửa đổi bằng Thông tư 14 ngày 03/12/2018 quy định: Thôn, làng, ấp, bản…. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn phạm vi áp dụng của nhóm đối tượng này cũng như việc bổ sung đối tượng này vào nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đóc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, tham gia góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đóc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, tham gia góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Điều 22 về mức hưởng BHYT

Tại điểm c khoản 1 Điều 22 dự thảo Luật quy định: “100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá; trạm y tế, phòng y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; trạm y tế quân - dân y, phòng khám quân - dân y; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu trong quân đội, công an theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc y tế cơ sở”.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho rằng, quy định này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã giao Chính phủ quy định chi tiết và cụ thể tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Mặt khác, nếu đưa ra quy định chi tiết như dự thảo Luật thì chưa đủ. Do đó, đề nghị làm rõ hơn về cụm từ “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc y tế cơ sở” là những cơ sở nào? Quy định như vậy thì có áp dụng toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hay không?

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Điều 27 về chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT

Tại khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định: “ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu nơi người bệnh đăng ký hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, theo dõi đối với các bệnh mạn tính và sử dụng, cấp phát thuốc, thiết bị y tế sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, sử dụng dịch vụ kỹ thuật theo năng lực chuyên môn của cơ sở nơi quản lý, theo dõi bệnh mạn tính”, đại biểu cho rằng với quy định như vậy mâu thuẫn với nguyên tắc ‟Mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT” quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật BHYT và gián tiếp khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu chỉ được sử dụng thuốc và thiết bị y tế thấp hơn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cao hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát các quy định để tránh trường hợp trùng lặp nội dung; đồng thời, không quy định các nội dung liên quan đến tổ chức và cung ứng dịch vụ y tế, cách thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại điều này, do đây là những nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Y tế.

Toàn cảnh phiên họp Hội trường sáng ngày 24/10

Toàn cảnh phiên họp Hội trường sáng ngày 24/10

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung Điều 28 về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT

Tại khoản 1 Điều 28 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT quy định: “Người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT hoặc giấy tờ hợp pháp khác đối với trẻ em dưới 6 tuổi và người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người chưa được cấp thẻ BHYT”, đại biểu cho rằng theo dự thảo Luật có nghĩa là khi đi khám bệnh, chữa bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT hoặc thẻ BHYT điện tử nhưng hiện nay hầu hết rất ít người dân đến cơ sở khám, chữa bệnh mà xuất trình thẻ BHYT điện tử thông qua phần mềm VssID, việc liên thông dữ liệu giữa VssID với VNeID còn vướng mắc, có nhiều trường hợp thông tin về BHYT và căn cước công dân chưa trùng khớp. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu cân nhắc có quy định theo lộ trình đến khi có thẻ BHYT điện tử đồng bộ hoặc tích hợp VNeID mới triển khai, thực hiện quy định trên.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho rằng trong thời gian qua, việc thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh. Để các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thuận lợi hơn đồng thời nhằm tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định để giải quyết tận gốc những vướng mắc, khó khăn trên, ngoài ra nghiên cứu bổ sung thời hạn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho cơ sở khám, chữa bệnh sau khi có thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Đại biểu cho rằng việc thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh như dự thảo Luật là phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả trong việc liên thông kết quả xét nghiệm cận lâm sàng,… giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, hạn chế việc giữ bệnh nhân vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật không cho xuất viện mà để đến thứ Hai mới làm thủ tục xuất viện và tăng cường hiệu quả, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, quản lý sức khỏe nhân dân tại cấp ban đầu. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, có quy định các giải pháp để tránh lãng phí và bảo vệ được quyền lợi của người tham gia BHYT.

Ngoài ra, thời gian qua danh mục thuốc BHYT do Bộ Y tế ban hành chưa phù hợp với thực tiễn, do đó để bảo đảm sự công bằng giữa người đi khám bệnh, chữa bệnh dịch vụ và người đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đề nghị Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu đánh giá quy định hiện hành về danh mục thuốc BHYT, trường hợp có vướng mắc thì tháo gỡ đáp ứng được quyền lợi của người có BHYT.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp Long An, góp ý một số nội dung dự thảo Luật Dữ liệu

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp Long An, góp ý một số nội dung dự thảo Luật Dữ liệu

Tham gia góp ý cho dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sắp xếp việc giải thích từ ngữ tại Điều 3, vì có một số cụm từ được giải thích chưa thật sự khái quát, chưa phù hợp, còn có sự trùng lặp, chưa thống nhất, cụ thể tại các khoản 5, khoản 6, khoản 25, khoản 26, khoản 27,... bổ sung giải thích cụm từ "cơ sở dữ liệu quốc gia", "cơ sở dữ liệu chuyên ngành". Đồng thời, rà soát trách nhiệm của các cơ quan, nhất là trách nhiệm của các quan Đảng quy định tại Chương VI, nhằm tránh sự chồng chéo, đảm bảo luật triển khai vào thực tiễn được đồng bộ, thống nhất, phù hợp và đạt hiệu quả cao.

Buổi sáng cùng ngày, tại Hội trường Nhà Quốc hội, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT./.

N.D

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/can-ra-soat-nghien-cuu-danh-gia-quy-dinh-hien-hanh-ve-danh-muc-thuoc-bao-hiem-y-te-a184647.html