Cần rút kinh nghiệm vấn đề chỉ định thầu để tránh hệ lụy, mất cán bộ
i biểu Quốc hội cho rằng, cần rút kinh nghiệm vừa rồi vấn đề chỉ định thầu tạo ra những kẽ hở, tạo ra cơ chế xin cho; nếu làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy, mất cán bộ sau này.
Hôm nay (10/6), Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Quang cảnh phiên thảo luận.
Góp phần thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả hơn, nhanh hơn
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Chau Chắc - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án rất quan trọng, cấp thiết, có tác dụng liên kết vùng, mở rộng không gian, lan tỏa lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo trong vùng và biên giới Tây Nam, mở rộng giao lưu quốc tế. "Nếu đường này hoàn thành sẽ kết nối với Quốc lộ 2 của Campuchia đến thành phố Phnôm Pênh của Campuchia, chỉ cần 80 km; vào cửa ngõ các nước tiểu vùng sông Mê Kông". đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Chau Chắc, sắp tới, nếu cảng Trần Đề, Sóc Trăng được xây dựng, đưa vào khai thác, trở thành cửa ngõ sẽ là động lực kích thích phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Song song đó, vùng này là trọng điểm về nông nghiệp, nông thôn, có đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, có đường biên giới cả đường bộ, đường biển. Nếu dự án này được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả hơn, nhanh hơn.
Để thực hiện tốt dự án, đại biểu Chau Chắc đề nghị thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu như sau: Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền cho các cấp, các ngành và người dân, nhất là người có đất liên quan đến dự án thông suốt, đồng thuận cao với chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai thực hiện, với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", vì lợi ích chung.
Đại biểu Quốc hội Chau Chắc - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Hai là tích cực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, quản lý khai thác, vận hành dự án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, đúng mục tiêu đề ra; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí, tham nhũng và tăng cường kiểm tra các nhà thầu, kịp thời chấn chỉnh sai sót, xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm, v.v.. Đồng thời có giải pháp giải quyết có hiệu quả những tác động tiêu cực đến dự án và thu hồi vốn tốt.
Ba là, thực hiện tốt việc bồi thường giải phóng mặt bằng một lần và khẩn trương triển khai khu tái định cư, ổn định cuộc sống nhân dân bị thu hồi đất, tránh xây dựng trái pháp luật trên đất dự án, gây khó khăn, chậm trễ trong thực hiện, đồng thời cảnh giác trước sự xúi giục, chống phá của các phần tử xấu, gây khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện dự án.
Bốn là, trong thực hiện dự án phải khai thác tối đa kinh nghiệm các dự án quan trọng quốc gia trước đây, như đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, v.v. để phát huy mặt được, khắc phục triệt để mặt hạn chế, quan tâm xây dựng các đường nhánh, tạo sự đồng bộ để dự án đạt kết quả tốt nhất, tránh chạy đua thành tích, công trình kém chất lượng.
Năm là, phát huy vai trò của cơ quan chủ quản, cơ quan địa phương có liên quan, phối hợp chặt chẽ với nhau trong tổ chức thực hiện, tránh đùn đẩy trách nhiệm, hiệu quả thấp.
Sáu là, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng giám sát trong hệ thống cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong giám sát, tổ chức thực hiện dự án.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.
Cần rút kinh nghiệm vấn đề chỉ định thầu
Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự thống nhất cao với chủ trương và sự cần thiết để đầu tư các dự án cao tốc này.
Phân tích vào nguồn của địa phương, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng ông còn thấy còn rất phân vân và chia sẻ. "Bây giờ nguồn của địa phương. Ví dụ như là của Sóc Trăng và Hậu Giang, những tỉnh rất nghèo, thu 4.000 tỷ một năm. Mỗi một năm dự kiến cân đối để bỏ ra có được 300 tỷ để đối ứng với lại dự án này thì liệu có đảm bảo hay không? Việc này chúng ta phải tính để chia sẻ với các tỉnh khó khăn", ông Hạ nói.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, phân tích với điều kiện nêu trên thì chắc chủ yếu dựa vào nguồn thu sau này từ đất, khi đường lên ta sẽ thu từ đất để mà bù vào. Thế nhưng có đường thì mới có đất. Giải quyết có đất rồi mới làm đường. Vấn đề là ta phải có phương án sẵn để trong tình huống đối ứng của địa phương khó khăn. Đại biểu cho rằng đối ứng của địa phương này là quan trọng mà rất khó trong giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng rồi những việc khác nữa. Việc này cũng cần có giải pháp.
Về vấn đề hình thức đầu tư. Đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ băn khoăn tại sao các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, v.v vào dự án giao thông này đều thấy cần phải xin cơ chế cả. "Không biết tại sao lại như vậy? Chúng ta vẫn nói là hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và tăng cường nguồn lực của xã hội là một chủ trương đúng của Đảng, tại sao chúng ta vẫn phải dùng đầu tư công để thực hiện việc này", ông Hạ nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng nhất trí với Bộ trưởng Bộ Giao thông hôm qua trả lời, đó là thay vì đi xin cơ chế chỉ định thầu đúng, xin những cơ chế đầu tư công thì sửa luật để làm sao thu hút được nguồn lực xã hội, 70 của đầu tư công và 30 của bên ngoài vào thì chúng ta vẫn có lợi.
"Tôi chưa hiểu cơ sở pháp lý nào để nhà nước bỏ ngân sách nhà nước ra để đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng rồi thu phí, hoàn lại tiền của đầu tư công. Tiền thuế của nhân dân phục vụ cho nhân dân, cuối cùng chúng ta lại thu để đưa vào thì không hiểu cơ chế nào. Vấn đề này tôi nghĩ cần phải làm rõ", ông Hạ băn khoăn.
Về chỉ định thầu, ông Tạ Văn Hạ cho rằng khi xin cơ chế thì Quốc hội đồng ý nhưng đây không phải là vấn đề phấn khởi. Đại biểu cho rằng, cần rút kinh nghiệm vừa rồi vấn đề chỉ định thầu tạo ra những kẽ hở, tạo ra cơ chế xin cho. "Tính minh bạch, công khai, tính tuân thủ pháp luật, hệ thống pháp luật của chúng ta lúc nào cũng khẳng định hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao cứ phải xin cơ chế" đại biểu lưu ý.
Cũng theo đại biểu Tạ Văn Hạ, nếu làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy, mất cán bộ sau này; đơn vị được, đơn vị không được, người được quyết, người không được quyết, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này.
"Nếu xảy ra vấn đề lúc bấy giờ chúng ta mới đưa ra, như hậu quả vừa rồi do dịch bệnh mà cho cơ chế chỉ định thầu, chúng ta thấy một hệ lụy rất lớn. Vấn đề này tôi cũng xin cảnh báo, đề nghị trong quá trình triển khai ta làm thật tốt, thật kỹ để tránh chuyện sau này chúng ta lại tiếp tục phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế", ông Hạ nói.