Cần sản phẩm mới, bền vững
Sẽ xây dựng 'Ngày hội tinh hoa võ Việt' thành sản phẩm thường niên thu hút sự quan tâm của các võ đoàn, môn phái, khán giả, du khách. Đó là ý tưởng của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ngay sau khi sự kiện này được tổ chức, vừa kết thúc ở Huế.
Diễn ra trong 2 ngày, “Ngày hội tinh hoa võ Việt” gồm chuỗi hoạt động ấn tượng quảng bá, phô diễn tinh hoa võ học truyền thống hàng ngàn năm của Việt Nam. Qua đó, người dân và du khách biết đến Nghĩa Dũng Karate-Do, Kinh Vạn An, Vovinam, Võ vương quyền, Uy long môn, Hổ quyền đạo... Những bài biểu diễn quyền thuật, cước pháp… lần đầu được diễn ra ở những vị trí đắc địa như Quảng trường Ngọ Môn hay diễu hành võ thuật trên sông Hương, cũng cho thấy một tiềm năng du lịch văn hóa khác của Huế từ truyền thống võ thuật, võ học gắn với di tích Võ Miếu, Xiển Võ Từ... từ thời Nguyễn.
Và một câu hỏi cũng được đặt ra, là với vốn võ học, võ thuật, di sản rất dày, rất rộng, sau “Ngày hội tinh hoa võ Việt” lần đầu, nguồn vốn ấy của Huế sẽ tiếp tục được khai mở như thế nào?
Cùng với “Ngày hội tinh hoa võ Việt”, trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia vừa được khai mạc, năm 2025 này, Huế sẽ chủ trì tổ chức trên 40 chương trình văn hóa - du lịch. Làm việc với Huế về sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, để tận dụng cơ hội mà Năm Du lịch quốc gia 2025 do Huế đăng cai, phải thành công trong việc tạo dựng và lan tỏa thương hiệu du lịch Huế, đột phá về lượng khách đến và đặc biệt phải có sản phẩm mới, đường bay mới, liên kết mới.
Tương lai của “Ngày hội tinh hoa võ Việt” cũng như lưu ý của Thứ trưởng Hồ An Phong khiến chúng tôi nhớ lại. Năm 2008, trong khuôn khổ Fesival Huế, Lễ hội tái hiện lễ đăng quang Hoàng đế Quang Trung tại núi Bân được đầu tư công phu, tốn kém với đạo cụ, trang phục uy nghi, cùng sự tham gia của 500 diễn viên, nghệ sĩ, cùng đội ngũ đạo diễn được mời về từ TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, chỉ diễn một lần, lễ hội sau đó chìm vào quên lãng, dù hàng năm, Lễ kỷ niệm ngày hoàng đế Quang Trung lên ngôi vẫn được tổ chức, di tích núi Bân huyền thoại vẫn sừng sững và du lịch Huế thì vẫn đang thiếu những sản phẩm bền vững để đưa vào tour, tuyến, tạo ra nguồn thu. Thực tế cũng cho thấy, không ít các chương trình nghệ thuật được dàn dựng, chuẩn bị công phu qua các kỳ lễ hội, sau khi các sự kiện khép lại, các sản phẩm mới ấy cũng khó lòng duy trì.
Một câu hỏi cũng được đặt ra, là khi tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa du lịch, phải xác định cho được là nhằm thu hút khách du lịch hay đánh thức tiềm năng? Là để phục vụ du lịch hay phục vụ công chúng, người dân địa phương?
Một khi còn sự nhập nhằng, không xác định rõ được tiêu chí, mục đích thì e rằng, không ít các hoạt động, chương trình, sản phẩm văn hóa du lịch đầu tư rình rang, tốn kém sẽ khó tạo được hiệu quả bền vững để tạo dựng, nuôi dưỡng nguồn thu từ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản đã được xác định là động lực, nền tảng phát triển của thành phố Huế.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/can-san-pham-moi-ben-vung-152281.html