Cần sát hạch định kỳ để nâng cao chất lượng cán bộ

Thực hiện theo các quy định, thời gian qua, việc đánh giá chất lượng công chức, viên chức (CCVC) khối nhà nước ở tỉnh Quảng Trị cơ bản được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình. Tuy nhiên, nhìn chung với cách đánh giá hiện nay vẫn mang tính khép kín nội bộ theo phương pháp bình bầu, cào bằng nên chất lượng cán bộ chưa được kiểm tra thực chất. Vì vậy, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính và xác định phải đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ CCVC bằng sát hạch định kỳ nhằm tạo động lực, khuyến khích người tài phấn đấu, đào thải cán bộ yếu kém.

Cán bộ CCVC huyện Cam Lộ chấp hành nghiêm túc các quy định khi tiếp công dân giải quyết các thủ tục hành chính - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Cán bộ CCVC huyện Cam Lộ chấp hành nghiêm túc các quy định khi tiếp công dân giải quyết các thủ tục hành chính - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Đánh giá CCVC còn mang tính định tính

Thời gian qua, Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC, trong đó chú trọng đề ra các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực; bố trí, luân chuyển cán bộ thường xuyên, đúng trọng tâm, đối tượng. Nhờ đó, đội ngũ CCVC tỉnh hiện nay đã có bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng cũng như đảm bảo về số lượng, cơ bản được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc đánh giá CCVC dù đã kết hợp một số phương pháp thông qua phiếu đánh giá, xây dựng bộ tiêu chí hay đánh giá 360 độ, nhưng nhìn vào cách làm có thể thấy hoạt động đánh giá cán bộ khối nhà nước vẫn còn mang tính khép kín trong nội bộvới phương pháp chủ yếu là bình bầu; quy trình thực hiện còn rườm rà, mang tính hình thức, mất nhiều thời gian.

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác đánh giá CCVC chưa đúng thực chất, còn nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm và dân chủ hình thức. Vấn đề này xuất phát từ việc áp dụng phương pháp hiện tại cũng như những quy định hiện nay chưa đạt hết những mục đích mà công tác đánh giá, phân loại CCVC đặt ra. Điều này dẫn đến năng lực thực tế của CCVC mang tính cào bằng, chưa tạo động lực khuyến khích cán bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo Trưởng phòng CCVC, Sở Nội vụ Quảng Trị Vũ Thế Long, mỗi phương pháp đánh giá CCVC hiện nay đang áp dụng đều phát huy những mặt ưu thế, góp phần nâng cao chất lượng đánh giá, phân loại CCVC. Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn tồn tại một số nhược điểm. Đơn cử, phương pháp đánh giá theo phiếu phân loại quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, ngày 13/8/2020 của Chính phủ vẫn có những tiêu chí mang tính định tính; đối với phương pháp đánh giá 360 độ bằng phần mềm hỗ trợ thì chưa có tính hệ thống, còn hình thức và hiệu quả chưa cao.

Cũng theo ông Long, việc áp dụng các tiêu chí đánh giá CCVC hiện nay đã có phần thực chất hơn, khắc phục một phần tồn tại trước đây. Đối với công chức chuyên môn, các báo cáo kết quả công tác được thống kêngày càng chi tiết, có thông tin chính xác phản ánh kết quả thực thi công vụ cụ thể. Nhưng xét tổng thể, công tác đánh giá, phân loại CCVC khối nhà nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế.

Chẳng hạn, các phương pháp chưa có các chỉ số để đo lường cụ thể các nội dung đánh giá theo luật định về đạo đức thực thi công vụ, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ Nhân dân...; chủ thể đánh giá chính là bản thân CCVC, nhưng thông qua tự đánh giá thì trên thực tế vẫn còn hiện tượng phổ biến là cá nhân “tự khen” thay vì chỉ ra những yếu kém của mình.

Tỉnh Quảng Trị có 17 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất trong toàn quốc, 2 cơ quan đặc thù là Sở Ngoại vụ và Ban Dân tộc. Ngoài ra, có 2 tổ chức hành chính khác là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, 1 đơn vị hành chính đặc thù là Trung tâm Phục vụ hành chính công. Cấp huyện có 112 phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập toàn tỉnh là 482 đơn vị với biên chế công chức, viên chức giao năm 2024 là 17.961 chỉ tiêu. Trong đó, biên chế công chức: 1.641, viên chức: 16.320 người.

Qua khảo sát, 72,46% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cho rằng, hệ thống vị trí việc làm hiện nay đã có nhưng chưa hoàn thiện nên khó xác định được khối lượng công việc cụ thể của mỗi CCVC nên chưa thực sự có cơ sở giao việc và đánh giá hiệu quả công việc.

Tỉ lệ CCVC kế toán toàn tỉnh đạt xếp loại xuất sắc còn thấp

Để có cơ sở đề xuất các phương pháp đánh giá CCVC hiệu quả hơn, ngày 9/11, Sở Nội vụ phối hợp Sở Tài chính tổ chức thí điểm thực hiện đánh giá chất lượng chuyên môn nghiệp vụ thông qua sát hạch đối với 178 CCVC làm công tác kế toán tại các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

Theo đó, nội dung kiểm tra là kiến thức về chuyên môn, chức trách, khả năng thực thi công việc được giao thông qua 203 câu hỏi trắc nghiệm xây dựng trên cơ sở các luật, nghị định, thông tư, nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh và các văn bản liên quan lĩnh vực kế toán tài chính.

Để tổ chức thi, Sở Nội vụ đã thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch; việc sát hạch được tiến hành theo hình thức làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính với 60 câu hỏi trong vòng 60 phút và cho kết quả ngay sau khi kết thúc. Kết quả cho thấy, có 9 CCVC xếp loại xuất sắc (chiếm 5,1%), 14 trường hợp đạt xếp loại tốt (chiếm 7,9%), 117 CCVC đạt yêu cầu (chiếm 65,7%) và 38 cán bộ phụ trách kế toán chưa đạt yêu cầu (chiếm 21,3%).

Sở Nội vụ tổ chức hội thảo khoa học nghiên cứu phương pháp đánh giá chất lượng chuyên môn nghiệp vụ CCVC khối nhà nước tỉnh Quảng Trị thông qua sát hạch định kỳ - Ảnh: L.T

Sở Nội vụ tổ chức hội thảo khoa học nghiên cứu phương pháp đánh giá chất lượng chuyên môn nghiệp vụ CCVC khối nhà nước tỉnh Quảng Trị thông qua sát hạch định kỳ - Ảnh: L.T

Ông Vũ Thế Long thông tin, với kết quả kiểm tra, sát hạch kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực kế toán có thể thấy CCVC nắm khá chắc kiến thức, quy định của pháp luật về lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng tư duy và vận dụng tốt; trong tổng số 178 CCVC tham gia sát hạch thì 78,7% trường hợp đạt yêu cầu trở lên.

Tuy nhiên, khi so sánh với kết quả đánh giá cuối năm, có sự chênh lệch về tỉ lệ CCVC được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, theo kết quả đánh giá, phân loại cuối năm thì tỉ lệ CCVC được xếp loại mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường trên 20%, nhưng sát hạch thì chỉ có 5% đạt xuất sắc. Tỉ lệ CCVC sát hạch có kết quả chưa đạt yêu cầu chiếm 21,3%, trong khi đánh giá phân loại hằng năm, tỉ lệ không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là dưới 2% hoặc không có.

“Tuy kết quả trên chỉ là thí điểm khảo sát qua các nghiên cứu ban đầu, chưa thể khẳng định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ CCVC làm nghiệp vụ kế toán bởi lẽ ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác theo quy định hiện hành.

Để có căn cứ hơn nữa nhằm đề xuất các phương pháp đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, Sở Nội vụ đã tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm tại tỉnh Cà Mau về công tác thực hiện kiểm tra định kỳ đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Từ kết quả của chuyến đi và đợt sát hạch thí điểm đối với CCVC lĩnh vực kế toán cho thấy, việc đổi mới phương pháp đánh giá, xếp loại là hết sức cần thiết, trong đó giải pháp tổ chức kiểm tra, sát hạch định kỳ chuyên môn, nghiệp vụ CCVC là một hướng đi mới, có tính khả thi cao cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất áp dụng”, ông Long nêu quan điểm.

Hoàn thành đề án đánh giá CCVC bằng sát hạch định kỳ

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Quang Chiến cho biết, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ CCVC chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Hơn nữa, hiện nay cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị theo chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được triển khai quyết liệt, trở thành kim chỉ nam quan trọng cho việc xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại. Do đó, việc nghiên cứu đổi mới phương áp đánh giá, xếp loại chất lượng đội ngũ CCVC theo như tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 01-NQ/TU là hết sức cần thiết.

Chính vì vậy, thời gian qua, Sở Nội vụ Quảng Trị đã chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu phương pháp đánh giá chất lượng chuyên môn nghiệp vụ CCVC khối nhà nước tỉnh Quảng Trị thông qua sát hạch định kỳ”. Việc sát hạch không chỉ là một công cụ đánh giá mà còn là nền tảng quan trọng trong quản lý đội ngũ, nhằm xác định chính xác năng lực, hiệu quả làm việc của từng cá nhân, để đưa ra các quyết định đúng đắn về thi đua, khen thưởng, đào tạo, bố trí công việc.

“Sau gần 1 năm triển khai, đến nay, cơ bản đề tài của đơn vị đã hoàn thành và mới đây, ngày 11/12, chúng tôi đã tổ chức một hội thảo khoa học nhằm tranh thủ các ý kiến từ nhiều chuyên gia để hoàn thiện đề tài sớm trình các cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt, áp dụng vào thực tế”, ông Chiến thông tin.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-sat-hach-dinh-ky-de-nang-cao-chat-luong-can-bo-190521.htm