Cần siết chặt hệ từ xa vì đầu vào thấp hơn 10 điểm mà giá trị bằng như chính quy
Quá trình đào tạo, kiểm soát chất lượng hệ đào tạo từ xa càng phải chặt chẽ hơn để đảm bảo người học có năng lực và kiến thức đúng với giá trị tấm bằng.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14, gọi tắt là Luật số 34), bằng đại học hệ đào tạo từ xa được công nhận có giá trị tương đương so với bằng đại học chính quy.
Tuy nhiên, chất lượng hệ đào tạo từ xa có thể ngang bằng với hệ chính quy hay không, vẫn là nỗi băn khoăn của dư luận.
Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Điểm chuẩn hệ đào tạo từ xa thấp hơn chính quy 10 điểm, Trường Đại học Thương mại nói gì?", một số chuyên gia giáo dục, đại biểu quốc hội băn khoăn về sự chênh lệch quá lớn giữa chuẩn đầu vào của hai hệ đào tạo, trong khi bằng tốt nghiệp lại có giá trị tương đương.
Điểm chuẩn quá thấp sẽ gây nghi ngờ về chất lượng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có chia sẻ: “Điểm đầu vào thấp có thể khiến nhiều người nghi ngờ về năng lực sinh viên hệ đào tạo từ xa.
Sinh viên hệ chính quy phải ôn thi trong gian khổ, thách thức để đạt đủ điểm đầu vào, trong khi hệ đào tạo từ xa không yêu cầu đầu vào nghiêm ngặt như hệ chính quy. Vì thế, sinh viên có cảm giác không công bằng là đương nhiên. Công bằng ở đây được hiểu là người học đại học phải có cùng điểm chuẩn xét tuyển mà không phân biệt học theo hình thức nào.
Về áp lực học tập, người học hệ chính quy chịu áp lực lớn hơn, do tuân thủ lịch học theo kế hoạch của nhà trường với khung thời gian chặt chẽ. Trong khi nếu học từ xa, người học có thời gian linh hoạt hơn, áp lực học tập có thể giảm bớt, vì thế tạo ra sự bất bình đẳng do văn bằng có giá trị tương đương”.
Cũng theo thầy Vinh, phương pháp dạy và học của hệ đào tạo từ xa phụ thuộc rất lớn vào tính tự giác, kỷ luật của người học. Môi trường học trực tuyến thiếu sự tương tác trực tiếp với giảng viên và bạn bè, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập nếu sinh viên không có ý thức tự học, hoặc gặp khó khăn trong việc nắm bắt bài vở.
Ngoài ra, việc giám sát người học trong quá trình học tập và kiểm tra cũng còn nhiều thách thức. Sinh viên được kiểm soát bằng các phần mềm học tập để đảm bảo đủ tiết, đủ môn, nhưng vẫn có trường hợp không tự thực hiện bài tập, bài kiểm tra mà nhờ người giúp đỡ.
Bên cạnh đó, người học hệ chính quy có nhiều cơ hội hơn để tham gia trực tiếp vào các hoạt động ngoại khóa, thực hành tại trường, thảo luận, giao lưu cùng thầy cô và bạn học. Sinh viên hệ từ xa có thể thiếu những cơ hội này, dẫn đến lo ngại rằng trải nghiệm học tập không hoàn toàn tương đương.
“Vì những lý do đó, tuy văn bằng có giá trị pháp lý tương đương, xã hội và nhà tuyển dụng có thể vẫn ưu tiên sinh viên tốt nghiệp từ hệ chính quy, do có sự tin tưởng hơn” - thầy Vinh bày tỏ.
Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, mỗi hình thức có những đặc thù riêng về thời gian học, phương pháp học tập, tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Hệ chính quy thường thu hút những người trẻ tuổi, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, còn hệ đào tạo từ xa thu hút nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cả những người đi làm muốn nâng cao trình độ.
"Tuy nhiên, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng đầu ra không bị giảm sút.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo và sự công bằng cho tất cả sinh viên, cần có một sự kết hợp hài hòa giữa việc nâng cao chất lượng đầu vào và đầu ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng được tiếp cận với giáo dục đại học" - nữ đại biểu chia sẻ.
Đã đến lúc cần đánh giá kỹ chất lượng đại học đào tạo từ xa
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai đánh giá, kiểm định chất lượng đại học đào tạo từ xa.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, sau một thời gian các trường đại học triển khai đào tạo từ xa, có ba vấn đề còn tồn tại cần nhìn nhận: "Thứ nhất, điểm chuẩn đầu vào của hệ đào tạo từ xa quá thấp. Cùng một ngành, một trường, hệ đào tạo từ xa thấp hơn gần chục điểm so với hệ chính quy.
Thứ hai, thời gian đào tạo từ xa của một số trường quá ngắn. Như vậy, liệu có đảm bảo được chất lượng hay không, đặc biệt với hình thức đào tạo từ xa?
Thứ ba, dạy học từ xa chủ yếu qua hình thức trực tuyến, chất lượng đào tạo liệu đã thực chất?".
“Chúng ta nên đề cao việc thực dạy, thực học, chất lượng thực. Nên cần làm rõ, những người theo học hệ đào tạo từ xa thì "thực" như thế nào?
Có thể nói, các chương trình đào tạo từ xa xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, học tập suốt đời của người dân, giúp người học cải thiện chất lượng cuộc sống và thích nghi với đời sống xã hội; đặc biệt, phù hợp với đối tượng người học ở vùng sâu vùng xa, có điều kiện khó khăn không thể thường xuyên lên trường, muốn học thêm tri thức...
Tuy nhiên, không nên cho các trường đại học mở chương trình đào tạo từ xa ồ ạt, dẫn đến trao cơ hội cho những đối tượng không thực sự học mà chỉ muốn sở hữu một tấm bằng” - Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nêu quan điểm.
Để đảm bảo sự công bằng và chất lượng đào tạo, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh đề xuất một số giải pháp. Cụ thể như sau:
"Đầu tiên, cần có một cơ chế kiểm định chất lượng chặt chẽ đối với cả hai hệ đào tạo, đảm bảo các chương trình đào tạo đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng chung.
Đồng thời, nên đa dạng hình thức xét tuyển. Việc xét tuyển nên dựa trên nhiều tiêu chí hơn là chỉ dựa vào điểm số, như kinh nghiệm làm việc, năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm... có thể giúp tuyển chọn được những thí sinh phù hợp với chương trình học.
Bên cạnh đó, các trường đại học cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Đặc biệt, cần xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đầu ra rõ ràng và khách quan, để đánh giá năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Có thể, không phải tất cả người học từ xa đều có năng lực kém hơn người học chính quy. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, quá trình đào tạo, kiểm soát chất lượng càng phải chặt chẽ và nghiêm túc hơn, để đảm bảo dù học theo hệ nào, sinh viên khi tốt nghiệp cũng có năng lực và kiến thức đúng với giá trị tấm bằng".
"Quan trọng là chất lượng đào tạo và khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Để đảm bảo chất lượng và sự công bằng, cần có những cơ chế kiểm soát và đánh giá chặt chẽ" - nữ đại biểu nhấn mạnh.