Cần sớm di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép
Sản xuất chăn nuôi trong những năm gần đây đã trở thành thế mạnh của tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là tự phát, nhỏ lẻ và nằm xen kẽ trong khu dân cư, quy mô nông hộ, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Do vậy, việc quy định các khu vực không được phép chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ di dời cho các cơ sở chăn nuôi ra khỏi những khu vực này trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Nhờ những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh về giống vật nuôi, phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường..., sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 17,7 nghìn con trâu; hơn 103 nghìn con bò; hơn 460 nghìn con lợn và hơn 12 triệu con gia cầm. Đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn; một số mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi - giết mổ công nghiệp - chế biến - tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn là hình thức tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu nằm xen kẽ trong các khu dân cư các xã, phường, thị trấn.
Đơn cử như thành phố Vĩnh Yên, hiện vẫn có hơn 2.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, tập trung chủ yếu tại phường Hội Hợp, phường Đồng Tâm, xã Định Trung...; song phần lớn các hộ này có quy mô chăn nuôi nhỏ, chuồng trại nằm sát nhà ở, chủ yếu tận dụng diện tích đất vườn để chăn thả, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng mỹ quan đô thị, sức khỏe người dân.
Do vậy, việc sớm xác định, quy định khu vực không được phép chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi các khu vực này trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 (Nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư).
Khu vực không được phép chăn nuôi là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, nằm xen kẽ khu có mật độ dân cư đông, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, có kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ; các cơ sở chăn nuôi này thường gắn liền với đất vườn nhà, tận dụng thức ăn dư thừa để chăn nuôi nhằm bổ sung nguồn thực phẩm cho gia đình.
Theo rà soát, thống kê, đề xuất của UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, khu vực không được phép chăn nuôi dự kiến gồm 154 tổ dân phố (TDP) thuộc 28 phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố.
Cụ thể, thành phố Vĩnh Yên có 54 TDP, trong đó có 23 TDP thuộc 2 phường dự kiến cấm toàn bộ là Ngô Quyền và Đống Đa, còn lại 31 TDP thuộc 5 phường: Tích Sơn, Khai Quang, Liên Bảo, Đồng Tâm và Hội Hợp.
Thành phố Phúc Yên có 56 TDP, trong đó có 37 TDP thuộc 4 phường cấm toàn bộ là Hùng Vương, Trưng Trắc, Trưng Nhị và Xuân Hòa, 19 TDP thuộc 4 phường: Đồng Xuân, Phúc Thắng, Nam Viêm và Đồng Xuân.
Huyện Yên Lạc có 1 TDP thuộc thị trấn Yên Lạc; huyện Tam Đảo có 3 TDP thuộc thị trấn Tam Đảo và thị trấn Hợp Châu; huyện Bình Xuyên có 18 TDP thuộc thị trấn Đạo Đức, Gia Khánh, Hương Canh, Thanh Lãng và Bá Hiến.
Huyện Vĩnh Tường có 10 TDP thuộc thị Trấn Thổ Tang, Tứ Trưng và Vĩnh Tường; huyện Sông Lô có 2 TDP thuộc thị trấn Tam Sơn; huyện Tam Dương 10 có TDP thuộc thị trấn Hợp Hòa cấm toàn bộ.
Trong số các hộ chăn nuôi tại các khu vực này, đã có nhiều hộ đầu tư cơ sở vật chất và nguồn vốn lớn để chăn nuôi và hiện chăn nuôi là nguồn thu nhập chính, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giảm thiệt hại khi tháo dỡ, di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần cải tạo, chỉnh trang đô thị phù hợp với quá trình phát triển của địa phương.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã có Tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết về quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Việc ban hành quy định và chính sách hỗ trợ này không chỉ thực hiện tốt Luật Chăn nuôi năm 2018; từng bước phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao; chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa, phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mà còn khắc phục, cải thiện và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu vực dân cư của TDP tại các phường, thị trấn gắn với việc chỉnh trang và phát triển đô thị văn minh, hiện đại.