Cần sớm gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và 7 thương nhân phân phối xăng dầu được Bộ Công thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện và 2 tổng đại lý, 8 đại lý xăng dầu được Sở Công thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện. Về hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, toàn tỉnh hiện có 403 cửa hàng đang hoạt động, 4 cửa hàng đang tạm dừng để thực hiện nâng cấp, sửa chữa/làm thủ tục chuyển nhượng cửa hàng.
* Chiết khấu thấp, thua lỗ kéo dài
Qua công tác nắm thông tin hằng ngày, số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu thông báo hết xăng/dầu chiếm khoảng 10-15% tổng số cửa hàng, tập trung chủ yếu tại địa bàn TP.Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG yêu cầu Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, xử lý nghiêm các điểm bán xăng lẻ tự phát vì những điểm bán lẻ này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, chất lượng không đảm bảo…
Theo Sở Công thương, trong chuỗi cung ứng xăng dầu, thương nhân đầu mối có chức năng nhập hàng đầu nguồn (từ nhà máy lọc dầu trong nước hoặc nhập từ nước ngoài). Tiếp đến, thương nhân phân phối, những người mua lại từ các đầu mối và bán buôn cho các đại lý và sau cùng là cửa hàng bán lẻ sẽ cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, chuỗi cung ứng xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn. Các thương nhân đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng, trong khi giá xăng dầu trên thế giới biến động khó lường, nguy cơ thua lỗ cao nên chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung ứng cho các cửa hàng thuộc sở hữu/đồng sở hữu hoặc thuê của DN và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Bên cạnh đó, chiết khấu giảm (xăng từ 0-200 đồng/lít, dầu từ 200-400 đồng/lít), có thời điểm thậm chí âm nên các các cửa hàng bán lẻ gặp khó khăn, không đủ khả năng để nhập hàng.
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã có cuộc họp với các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai và các DN, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh về tình hình cung ứng xăng dầu.
Giám đốc Công ty CP Thương mại Long Thành Nguyễn Thủ Lĩnh cho biết, hiện công ty làm tổng đại lý xăng dầu của đầu mối Petimex. Công ty có 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trực thuộc và 25 đại lý xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Trong suốt nhiều tháng qua, tình hình kinh doanh xăng dầu của công ty gặp nhiều khó khăn do chiết khấu thấp, thậm chí bằng 0, nguồn hàng không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Nhờ sự phân bố định lượng của đầu mối mà hệ thống của công ty được duy trì, dù có lúc vẫn xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ do nhu cầu của người dân quá lớn.
Theo ông Lĩnh, vì là tổng đại lý nên nguồn cung cấp của công ty phụ thuộc hoàn toàn vào đầu mối, do đó công ty phân bổ cho hệ thống như cách của đầu mối. Mặt khác, vì kinh doanh thua lỗ kéo dài nên có thể có đại lý không còn tiền để mua hàng dẫn đến tình trạng xin tạm ngưng hoạt động.
Tương tự, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai Văn Tấn Phụng bày tỏ, xăng dầu là mặt hàng có nhiều tác động đối với tình hình kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tình hình thị trường xăng dầu có nhiều biến động, kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn do nguồn hàng bị gián đoạn, chiết khấu thấp nên cứ nhập hàng về là lỗ. Các thương nhân phân phối hiện hoàn toàn phụ thuộc vào đầu mối cung ứng xăng dầu. Do đó, nguồn hàng từ đầu mối bị gián đoạn dẫn đến thương nhân phân phối cũng không có hàng để cung ứng cho hệ thống cửa hàng bán lẻ.
* Mong muốn có cơ chế điều hành phù hợp
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến vấn đề chiết khấu thấp, các bộ, ngành xem xét thời hạn điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu; đảm bảo nguồn cung xăng dầu; các chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN đầu mối xăng dầu…
Ông Nguyễn Thủ Lĩnh kiến nghị, công ty mong muốn các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu phương án điều hành, gỡ khó cho DN xăng dầu để giải quyết việc chiết khấu quá thấp dẫn đến thua lỗ kéo dài. Trong trường hợp khó khăn nguồn hàng, xem xét cho phép cơ sở bán định lượng để mỗi người dân đều mua được xăng dầu, tránh tình trạng người mua được, nhiều người không có để mua.
Ông Văn Tấn Phụng đề nghị các bộ, ngành liên quan cần có phương án điều chỉnh chiết khấu phù hợp, có thể điều chỉnh theo tỷ lệ phần trăm dựa trên giá bán được niêm yết cụ thể. Ngoài ra, xem xét phương án mỗi đại lý có thể ký kết cung ứng với nhiều thương nhân phân phối để có thêm nhiều lựa chọn về nguồn hàng, hạn chế tình trạng thiếu hàng cục bộ.
Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa (Pelio) Quách Trọng Nguyên chia sẻ, bên cạnh kiến nghị về việc cần tính đúng, tính đủ đối với vấn đề chiết khấu xăng dầu, công ty cũng mong muốn sớm tiếp cận các giải pháp tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của DN đầu mối kinh doanh xăng dầu…
Tại cuộc họp với các sở, ngành liên quan và các DN, thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh vào ngày 18-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu Sở Công thương ghi nhận, tổng hợp các kiến nghị của DN để gửi Bộ Công thương xem xét. Bên cạnh đó, Sở Công thương cần rà soát, nắm bắt tình hình thị trường, cung ứng xăng dầu trên địa bàn, chủ động công tác dự báo tổng nguồn cung - cầu xăng dầu trong tỉnh. Từ đó, đề xuất phương án để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhất là ở những khu vực đông dân, tập trung nhiều công nhân…
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Sở Công thương xem xét động viên, khích lệ cuối năm đối với các đơn vị, DN đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo hoạt động, duy trì cung ứng xăng dầu trong thời gian qua. Sở GT-VT, Công an tỉnh cần có phương án ưu tiên cho xe bồn chở xăng tới các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để không làm gián đoạn nguồn cung xăng dầu, nhất là vào những dịp cao điểm…
Đại diện Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai CHÂU MINH NGUYỆN:
Với tình hình thị trường xăng dầu có nhiều phức tạp, nguồn hàng bị gián đoạn, trước mắt các bộ, ngành chức năng có thể xem xét phương án tạm thời cho phép các cửa hàng, đại lý xăng dầu mua hàng từ 2-3 đầu mối, phân phối trong thời gian ngắn để hạn chế tình trạng nguồn hàng bị thiếu hụt. Trên thực tế, nhiều cửa hàng, đại lý dù chấp nhận chịu lỗ để nhập hàng về bán nhưng nguồn hàng về “nhỏ giọt”, gặp nhiều khó khăn, có trường hợp “sáng mới nhập hàng thì trưa đã hết”. Bên cạnh đó, cần tính toán lại phương án điều hành, chi phí, chiết khấu về xăng dầu phù hợp cho DN xăng dầu, để hạn chế tình trạng thua lỗ của các DN. Từ đó, tính toán phương án dài hạn để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, xây dựng cơ chế điều hành về xăng dầu phù hợp. Đồng thời, đối với các giải pháp tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cần có phương án sát sườn để các DN đầu mối xăng dầu tiếp cận được nguồn vay vốn này.
Giám đốc Công ty Xăng dầu Đồng Nai (Petrolimex Đồng Nai) PHẠM VĂN NAM:
Để đảm bảo an ninh năng lượng cho phục hồi, phát triển kinh tế tại địa phương, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn tại các cửa hàng xăng dầu, công ty kiến nghị UBND tỉnh, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan chỉ đạo và có giải pháp kịp thời để các thương nhân kinh doanh xăng dầu khác trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc cam kết bán hàng, đảm bảo công bằng, công khai để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Đối với vấn đề chu kỳ điều hành giá xăng dầu, công ty cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước xem xét điều chỉnh về chu kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, có thể xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá còn 5 ngày/lần (vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 hằng tháng). Thời gian điều hành giá xăng dầu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết theo quy định của Nhà nước. Lý do là chu kỳ điều chỉnh giá 5 ngày/lần sẽ có thể bám sát với giá biến động giá thế giới hơn…
Hải Hà (ghi)