Cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách nhanh chóng đưa thị trường tài chính xanh vào vận hành

Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính xanh mang tính bắt buộc đối với khu vực tài chính để thu hút nguồn lực đầu tư vào kinh tế xanh, nhanh chóng đưa thị trường tài chính xanh vào vận hành, góp phần hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.

Vẫn đang ở mức thử nghiệm chưa có khung chính sách phát triển

Tự thực tế vận hành thị trường tài chính xanh tại Việt Nam thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng lĩnh vực này vẫn trong quá trình nghiên cứu, điển hình là các chính sách đối với trái phiếu xanh mới vẫn đang ở mức thử nghiệm, chưa có khung chính sách phát triển thị trường cũng như các quy định về các sản phẩm

Thực tế thời gian qua với nỗ lực từ nhiều phía thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang dần được định hình khi việc phát triển các trung gian tài chính xanh, ngân hàng xanh đã có những bước tiến đáng kể. Điển hình là tháng 8 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án số: 1604/QĐ-NHNN). Tuy nhiên, cho vay và vay được vẫn là nút thắt, cản trở các mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Pháp lý đang là thách thức lớn trong phát triển thị trường tài chính xanh

Trên thực tế hiện Ngân hàng Ngân hàng TNHH Một Thành Viên United Overseas Bank (UOB) Việt Nam đang triển khai thỏa thuận tài trợ thương mại xanh đã ký với Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex). Theo đó, UOB sẽ cấp cho Betrimex một khoản tín dụng xanh trong ngắn hạn giúp Betrimex nhập khẩu hoặc mua nguyên vật liệu thô, hàng hóa trong nước để sản xuất các sản phẩm có chứng nhận Organic, bao gồm chứng chỉ Fairtrade. Ông Lim Dyi Chang, giám đốc cấp cao khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng UOB Việt Nam, cam kết rằng “với chứng nhận này, đảm bảo sản xuất của Betrimex đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về trách nhiệm xã hội, môi trường và kinh tế, cũng như điều kiện làm việc an toàn, môi trường và phát triển cộng đồng”.

Trên thị trường, không chỉ UOB Việt Nam mà ngày càng nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng tung ra các gói tín dụng xanh nhằm đón đầu quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc ngân hàng cho vay trên thị trường tín dụng xanh không dễ dàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặc dù tín dụng xanh tăng trưởng bình quân khoảng 22%/năm từ năm 2017 đến nay nhưng tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng xanh mới đạt 620.984 tỷ đồng, mới chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, còn cách khá xa mục tiêu 10% vào cuối năm 2025.

Tại Việt Nam, khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài chính xanh được hình thành khi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt với 3 nhiệm vụ trọng tâm: giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững. Kế đến là Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước chưa có “bộ công cụ riêng biệt” để phát triển tài chính xanh. Trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu các tổ chức đánh giá độc lập, “dữ liệu thiếu tin cậy” của nhiều doanh nghiệp đã gây không ít khó khăn cho các ngân hàng.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước chưa có “bộ công cụ riêng biệt” để phát triển tài chính xanh. Trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu các tổ chức đánh giá độc lập, “dữ liệu thiếu tin cậy” của nhiều doanh nghiệp đã gây không ít khó khăn cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, pháp lý đang là thách thức lớn. Việt Nam chưa có dòng ngân sách riêng cho ứng phó với biến đổi khí hậu gây thách thức cho việc triển khai tín dụng xanh. Một số ngân hàng cũng tính đến việc sử dụng các công cụ trung gian để giảm thiểu rủi ro tín dụng xanh, như bảo tiêu chí hay bảo hiểm phi nhân thọ, để thiết kế các chương trình cho vay trung và dài hạn theo đề xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc các dự án có nhu cầu tín dụng xanh đều có thời gian đầu tư lâu dài, hiệu quả tài chính chưa cao, các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro. Những yếu tố này dẫn đến khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát hoạt động tín dụng xanh.

Phát triển tài chính xanh không đơn giản, theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Các khoản vay tín dụng xanh của DN được coi là có rủi ro rất cao, đặc biệt là các rủi ro pháp lý. Quy định của Ngân hàng Nhà nước không bảo vệ các tổ chức tín dụng trước các khoản vay có rủi ro về khí hậu. Hiện, Ngân hàng Nhà nước chưa có “bộ công cụ riêng biệt” để phát triển tài chính xanh. Trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu các tổ chức đánh giá độc lập, “dữ liệu thiếu tin cậy” của nhiều doanh nghiệp đã gây không ít khó khăn cho các ngân hàng.

Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ cơ quan quản lý

Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh, cũng chính là xu hướng toàn cầu trong chuyển đổi mô hình kinh tế, nơi các yếu tố môi trường được tích hợp vào các chính sách, quyết định đầu tư tài chính.

Thị trường tài chính xanh của Việt Nam dần định hình, với 3 cấu phần: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Tuy nhiên, tài chính xanh tại Việt Nam hiện tập trung ở các tổ chức tín dụng lớn, chưa có nhiều tổ chức tín dụng nhỏ quan tâm đến danh mục cho vay này, bởi nguồn vốn dài hạn và lớn của các tổ chức tín dụng nhỏ không đồng đều, ổn định để phục vụ các dự án, về năng lượng tái tạo hay vệ sinh môi trường. Ngoài ra, với các dự án lớn, phức tạp, đòi hỏi quy trình bảo lãnh phức tạp nhưng các ngân hàng nhỏ chưa thể đáp ứng.

Động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường. Một nghiên cứu của Đại học Thương mại công bố năm ngoái, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng hiện nay, tập trung vào 3 yếu tố. Một là, hiện nay Việt Nam còn thiếu những quy định cụ thể về khái niệm xanh và khái niệm trái phiếu xanh. Hai là, số liệu liên quan trái phiếu xanh tại Việt Nam chưa dễ dàng tiếp cận. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin và sự tham gia của các nhà đầu tư vào công cụ tài chính này. Ba là, Việt Nam chưa có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu xanh.

Tín dụng xanh hiện nay có tính thanh khoản thấp, vẫn chủ yếu tập trung vào các tổ chức tín dụng lớn, theo nhóm nghiên cứu Đại học Thương mại. Các khoản tín dụng xanh có thủ tục phức tạp, quy định không rõ ràng gây khó khăn cho việc vay vốn để triển khai dự án xanh. Triển khai tín dụng xanh đòi hỏi lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, quy trình thẩm định phức tạp trong khi hiệu quả tài chính chưa cao trong khi đó mục tiêu chính của các ngân hàng thương mại là lợi nhuận. Giá trị phát hành của trái phiếu xanh so với quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam là không đáng kể.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế, nhưng để phát triển thị trường tài chính xanh, các nhà nghiên cứu cho rằng cần hành động từ Chính phủ và thành viên có liên quan. Theo đó, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính xanh mang tính bắt buộc đối với khu vực tài chính để thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào kinh tế xanh như ưu đãi về thuế và phí. Trong khi đó, các thành viên chính phủ, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính, bao gồm tài chính xanh. Như vậy, việc nhanh chóng đưa thị trường tài chính xanh vào vận hành, sẽ hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.

Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2040, tương đương 6,8% GDP/năm, để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế -Ngân hàng Nhà nước

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế -Ngân hàng Nhà nước

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước: trong 7 năm qua (2017 - 2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tín dụng xanh vẫn gặp một số khó khăn, điển hình là chưa có danh mục phân loại xanh - căn cứ để Ngân hàng Nhà nước đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp.

Hải Vân

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/can-som-hoan-thien-co-che--chinh-sach-nhanh-chong-dua-thi-truong-tai-chinh-xanh-vao-van-hanh-130133.htm