Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách để Hà Nội chuyển đổi số hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 Thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Tăng cường tiện ích phục vụ người dân

Ngày 22/11, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 TP. Hà Nội ban hành thông báo kết luận hội nghị giao ban tháng 11/2024.

Theo đó, Ban chỉ đạo ghi nhận các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực trong công tác tham mưu UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 và tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình đề ra trong Kế hoạch công tác năm 2024.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 TP. Hà Nội giao ban tháng 11/2024.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 TP. Hà Nội giao ban tháng 11/2024.

Ban chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác năm và các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, Ban chỉ đạo cải cách hành chính Trung ương và Tổ công tác Đề án 06/Chính phủ về 03 mặt công tác; đã hoàn thành một số nhiệm vụ như: Công bố vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 của Chính phủ bao gồm: Ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHaNoi và Hệ thống E-Cabinet (Văn phòng UBND Thành phố), Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID (Sở Y tế), Cấp lý lịch tư pháp trên VNeID (Sở Tư pháp);

Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và UBND quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm hoàn thành thí điểm ứng dụng giải pháp công nghệ thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt;

Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Thành phố triển khai chi trả an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt;

Cục Thuế Thành phố triển khai việc thực hiện quản lý lý thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và cài đặt ứng dụng eTax Mobile;

Sở Nội vụ tham mưu hiệu quả và tổ chức thành công cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến về cải cách hành chính và xây dựng Chuyên trang cải cách hành chính trên Cổng thông tin điện tử Thành phố;

Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu triển khai liên thông giữa văn phòng đăng ký đất đai với cơ quan Thuế trong thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 81,06% tỷ lệ hồ sơ tương ứng số tiền thanh toán hơn 46 tỷ đồng và thực hiện phương án liên thông thủ tục hành chính về đất đai – công chứng – thuế…;

Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt công tác tham mưu ban hành Nghị quyết số 20/2024/NQ-HĐND quy định thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm đối với các hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thành phố Hà Nội;

Công an Thành phố hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ về nhóm phát triển công dân số và Công an cơ sở là lực lượng nòng cốt đi đầu trong công tác thực hiện Đề án 06 và tham gia Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn Thành phố;

UBND các quận, huyện: Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên triển khai sáng tạo nhiều nhiệm vụ, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính và thực hiện Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân trên địa bàn; Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố trên cơ sở Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ.

Tập trung xây dựng và hoàn thiện các đề án lớn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Thành phố vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Thứ nhất, một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của chuyển đổi số, thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành. Tình trạng né tránh trách nhiệm ở một số nơi đã làm giảm hiệu quả công việc.

Thứ hai, hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại chưa được phát triển với tầm nhìn chiến lược, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố. Việc phân công và phối hợp giữa các đơn vị còn bất cập, thiếu sự rõ ràng và hiệu quả, đặc biệt trong giải quyết các "điểm nghẽn" đang cản trở tiến độ công việc.

Thứ ba, dữ liệu giữa các đơn vị thiếu sự kết nối và chia sẻ, chưa đảm bảo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống." Một số đơn vị có dấu hiệu hài lòng với kết quả bước đầu, chưa quyết tâm duy trì vị thế dẫn đầu, dễ dẫn đến tình trạng "đi trước về sau."

Do đó, trong thời gian tới, Thành phố sẽ bám sát các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là bài viết và phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số và cải cách hành chính. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện "cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy," hướng tới sự minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động quản lý.

Coi minh bạch là yếu tố then chốt, Thành phố tập trung vào việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, và chính sách. Đặc biệt, các yếu tố "vốn xã hội" sẽ được chú trọng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho cải cách và chuyển đổi số.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ được đẩy mạnh, khai thác hiệu quả các công cụ hiện đại để nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ công. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Thành phố yêu cầu các đơn vị rà soát, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ đã chậm trễ, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm. Việc cập nhật, bổ sung và điều chỉnh các kế hoạch như Kế hoạch số 57/KH-UBND và Kế hoạch số 239/KH-UBND sẽ được thực hiện kịp thời, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính linh hoạt.

Định hướng xây dựng kế hoạch năm 2025 sẽ bám sát chỉ đạo của UBND Thành phố, với yêu cầu hoàn thiện và ban hành trước ngày 1/1/2025. Các đơn vị cần chủ động đề xuất nhiệm vụ bổ sung, khai thác hiệu quả lợi ích từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ứng dụng tài khoản định danh điện tử VNeID.

Ngoài ra, Thành phố tập trung xây dựng và hoàn thiện các đề án lớn như: Đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát; Đề án Thành phố thông minh; Đề án giao thông thông minh; Chiến lược dữ liệu; Hệ thống giám sát an ninh thông tin (SOC).

Song song đó, công tác truyền thông sẽ được triển khai mạnh mẽ, đa dạng hóa hình thức và nội dung để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân. Đặc biệt, vai trò của các "Tổ chuyển đổi số cộng đồng" sẽ được phát huy nhằm thúc đẩy nhận thức và sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội vào công cuộc chuyển đổi số.

Phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Thành phố, chương trình hành động về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp sẽ được xây dựng, giúp nông dân ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bằng các giải pháp đồng bộ và quyết tâm mạnh mẽ, Thành phố đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, gắn liền với sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thao-go-diem-nghen-ve-the-che-chinh-sach-de-ha-noi-chuyen-doi-so-hieu-qua-d230714.html