Cần sớm khắc phục những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân

Chị Nguyễn Thị Nhài (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, với mức sống đắt đỏ ở Hà Nội thì thu nhập 15,4 triệu đồng và có 1 con đi học trường công như gia đình chị là không đủ sống. Nếu trước đây, cầm 200.000 đồng đi chợ là có thể chuẩn bị được một mâm cơm thịnh soạn cho cả gia đình thì nay, số tiền ấy phải tăng gấp đôi. 'Chi phí sinh hoạt tăng mà mức giảm trừ gia cảnh vẫn 'dậm chân tại chỗ' là chưa phù hợp', chị Nhài chia sẻ.

 Ảnh minh họa: Ngọc Thạch

Ảnh minh họa: Ngọc Thạch

22 điều cần được sửa đổi, bổ sung

Nhiều ý kiến cho rằng, mức thuế suất 35% đối với thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên chỉ nhắm vào nhóm đối tượng làm công ăn lương, chưa bao quát được những người có thu nhập cao trong các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, bán hàng hóa - dịch vụ qua mạng… Đây là những lĩnh vực có những khoản thu lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thuế.

Cũng liên quan đến Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), sau một số lần điều chỉnh, hiện mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế là 15,4 triệu đồng/tháng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng).

Mức giảm trừ này được duy trì từ tháng 7/2020. Trong đó, 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người, còn 4,4 đồng triệu xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.

Trong năm 2023, Bộ Tư pháp cho biết, kết quả rà soát của các bộ, ngành cho thấy, Luật Thuế TNCN có 22 điều cần sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung vào thu nhập chịu thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở đã tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng. Giá một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng thì thuế thu nhập cá nhân càng bộc lộ nhiều bất cập…

Mặt khác, ngưỡng phải nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng chung cho mọi cá nhân sống ở những vùng miền khác nhau nên gây ra cảm giác không công bằng cho người lao động sống ở khu vực đô thị có chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Sau khi trừ thuế, trừ đi các chi phí sinh hoạt tối thiểu, số tiền còn lại của người lao động ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ít hơn nhiều so với người lao động có cùng mức thu nhập nhưng sống ở nông thôn, miền núi hoặc các đô thị khác có chi phí sinh hoạt rẻ hơn.

Chị Nguyễn Thu Trà (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) cho biết, với mức thu nhập hơn 17 triệu đồng/tháng, sau khi thanh toán các khoản chi cố định hằng tháng như: học phí của 2 con, tiền điện, nước, phí Internet… thì số tiền chị còn lại là gần 2 triệu đồng. Tổng thu nhập của gia đình, ngoài lương của chị còn có lương của chồng chị hơn 18 triệu đồng nhưng đến cuối tháng là gần hết.

"Trong khi mức giảm trừ gia cảnh mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng. Lương không đủ sinh hoạt cơ bản mà vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì thực sự là một gánh nặng với người lao động", chị Trà cho biết.

Thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống đã phải chịu thuế

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, chính sách kéo dài giảm thuế giá trị gia tăng là để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm giá thành hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng.

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế TNCN cũng có tác dụng không kém khi người dân có cơ hội được giữ lại thêm một phần "túi tiền" của mình để ứng phó với lạm phát và các biến động khác của đời sống.

"Mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Mức chi tiêu thay đổi nhưng cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát gây ra nhiều bất cập", vị chuyên gia này đánh giá.

Bà Dương Thị Ngọc Ánh, kế toán trưởng Công ty TNHH TMD Việt Nam, đánh giá, biểu thuế TNCN được áp dụng ở nước ta hiện nay có thuế suất cao, cộng với khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày. Chính điều này đã tạo ra gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế khi thu nhập vừa mới tăng nhẹ đã rơi vào bậc có thuế suất cao hơn.

"Việc sửa đổi Luật Thuế TNCN có thể tính đến việc giảm bậc chịu thuế, hạ thuế suất của các bậc thuế để thể hiện tính công bằng. Ngoài ra, thu nhập cá nhân thực tế của những người bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội hiện chưa được Nhà nước quản lý chặt chẽ. Cơ quan chức năng cần có những điều chỉnh để tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh hiện quá thấp so với chi phí hằng tháng của họ. Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều người tiền lương chưa đủ để trang trải cuộc sống đã phải nộp thuế TNCN. Theo tôi, Nhà nước nên cân nhắc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh theo từng vùng miền sẽ hợp lý hơn", bà Ánh đề xuất.

Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Hơn nữa, 3 năm vừa qua, trải qua đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế khó khăn, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng. Việc duy trì mức thuế TNCN hiện tại đã trở thành gánh nặng với nhiều người nộp thuế.

Bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.

Điều bất cập nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) ở Việt Nam được áp dụng từ năm 2007, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Từ đó tới nay, Việt Nam áp dụng biểu thuế suất 7 bậc, mỗi bậc có thuế suất tương ứng từ 5% đến 35%. Cụ thể, mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng thuế suất 5%; trên 5 triệu - 10 triệu đồng/tháng thuế suất 10%; trên 10 triệu - 18 triệu đồng/tháng thuế suất 15%; trên 18 triệu - 32 triệu đồng/tháng thuế suất 20%; trên 32 triệu - 52 triệu đồng/tháng thuế suất 25%; trên 52 triệu - 80 triệu đồng/tháng thuế suất 30%; trên 80 triệu đồng/tháng thuế suất 35%.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-som-khac-phuc-nhung-bat-cap-cua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-20240315172447309.htm