Cần sớm khai thác đường ngang vào mỏ đá Hòn Giốc Mơ
Tuy ngành đường sắt đã ban hành quyết định đưa đường ngang chuyên dùng tại Km1288 + 320 - đường vào mỏ đá Hòn Giốc Mơ (thôn Ninh Đức, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) vào khai thác từ ngày 1-10, nhưng đến nay đường ngang này vẫn chưa được mở để sử dụng. Nguyên nhân là do cách đó chỉ 232m vẫn tồn tại một đường ngang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông chưa được rào đóng. Câu chuyện đóng, mở đường ngang tại Ninh Lộc đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được chính quyền địa phương giải quyết rốt ráo.
Được phép khai thác đường ngang tại Km1288 + 320
Ngày 19-9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ban hành quyết định đưa đường ngang chuyên dùng tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh tại Km1288 + 320 vào khai thác sử dụng kể từ 6 giờ ngày 1-10. Đây là đường ngang chuyên dùng cấp II, được đầu tư hoàn chỉnh với hình thức phòng vệ có người gác, có 2 dàn chắn với chiều dài 12m, đóng mở thủ công, 1 nhà gác chắn có diện tích 16m2 và hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng giao Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh tiếp nhận, quản lý, bảo trì phần đường bộ, đường sắt trong phạm vi của đường ngang tại Km1288 + 320 theo quy định. Đồng thời tổ chức trực gác tại đường ngang trên cơ sở hợp đồng giữa công ty với chủ sở hữu đường ngang (Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC); bố trí định biên gác chắn tại đường ngang theo quy định của pháp luật về lao động, phù hợp với công tác quản lý và thao tác đóng, mở chắn đường ngang kịp thời, chính xác, bảo đảm an toàn giao thông.
Vào đúng ngày 1-10, UBND thị xã Ninh Hòa chủ trì phối hợp với ngành đường sắt và các bên liên quan tổ chức mở đường ngang tại Km1288 + 320 và rào thu hẹp đường ngang tại Km1288 + 088 (trước mắt rào thu hẹp còn lối đi khoảng 1,5m; sau 3 tháng đóng hoàn toàn). Tuy nhiên, một nhóm người tại thôn Ninh Đức đã có mặt từ sớm để phản đối việc rào thu hẹp đường ngang tại Km1288 + 088. Theo tìm hiểu, nhóm người phản đối cho rằng đường ngang này đã tồn tại nhiều năm nay trở thành lối đi quen thuộc của người dân nếu rào lại sẽ rất bất tiện.
Ông VÕ NGỌC MINH - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Với tình hình phức tạp kéo dài trong việc đóng, mở đường ngang tại thôn Ninh Đức (xã Ninh Lộc), UBND thị xã đã quyết định tổ chức đối thoại với người dân thêm một lần nữa; dự kiến trong tuần này. Sau đối thoại, địa phương sẽ lắng nghe, ghi nhận toàn bộ ý kiến của các bên liên quan để rà soát, đưa ra giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này.
Ông Đỗ Xuân Hiệu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC cho biết, để chuẩn bị cho việc mở đường ngang tại Km1288 + 320, doanh nghiệp đã đầu tư toàn bộ hạ tầng từ nhà gác chắn đến đường kết nối, ký hợp đồng với ngành đường sắt thuê người tổ chức đứng gác, mọi việc đã sẵn sàng nhưng khi triển khai theo quy định thì tiếp tục vướng mắc. Thị xã Ninh Hòa cũng xây dựng kế hoạch để rào thu hẹp đường ngang 1288 + 088, nhưng khi thực hiện không lường trước hết các phương án dẫn đến không đủ lực lượng triển khai. Đường ngang mới đã không được mở, thậm chí đường xe vận chuyển vật liệu vẫn thường lưu thông cũng bị người dân rào đóng không cho đi, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Nhiều đối tác liên tục gửi kiến nghị đến doanh nghiệp bởi thiếu vật liệu (đá, bê tông nhựa) trầm trọng, trong đó có cả những hợp đồng với đơn vị thi công đường bộ cao tốc trên địa bàn thị xã Ninh Hòa.
Cần giải quyết dứt điểm
Tìm hiểu được biết, đường ngang giao đường sắt tại Km1288 + 320 được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ban hành quyết định thành lập ngày 25-6-2014 và hủy bỏ đường ngang cấp III công cộng phòng vệ cảnh báo tự động tại Km1288 + 088. Tuy nhiên, nhiều năm nay việc đóng, mở 2 đường ngang này không được giải quyết triệt để, dẫn đến những bất cập kéo dài.
Để đảm bảo trật tự an toàn, an ninh khi đưa đường ngang đường sắt tại Km1288 + 320 vào hoạt động và lộ trình đóng đường ngang đường sắt tại Km1288 + 088, UBND thị xã Ninh Hòa đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị phối hợp với UBND xã Ninh Lộc và các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tuyên truyền cho người dân nắm rõ việc mở đường ngang mới tại Km1288 + 320 và đóng đường ngang tại Km1288 + 088 trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Bên cạnh đó, UBND thị xã cũng đã giao cho Công an thị xã Ninh Hòa chủ động xây dựng kế hoạch để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp quá khích, kích động, không để phát sinh thành điểm nóng trong khu vực.
Theo ông Phạm Văn Trọng - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, việc đóng, mở đường ngang tại xã Ninh Lộc đã được nhiều cấp, ngành tổ chức đối thoại với người dân địa phương; trong các lần đối thoại, đa số người dân đều đồng tình, chỉ một số ít là không đồng thuận do có lợi ích cá nhân liên quan. Tại vị trí đường ngang Km1288 + 088 hồi tháng 4-2024 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và xe tải, khiến tài xế xe tải tử vong trên đường đưa đến bệnh viện. Vị trí này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao, nếu không xử lý dứt điểm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.
Ông Hoàng Minh Chiến - Trưởng Phòng Kỹ thuật - An toàn, Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh khẳng định, đường ngang tại Km1288 + 320 được đầu tư hoàn chỉnh với hệ thống bảo đảm an toàn giao thông. Tại vị trí nút giao Quốc lộ 1 với đường ngang giao đường sắt tại Km1288 + 320 đã được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận cho phép mở dải phân cách giữa. Đối với đường ngang tại Km1288 + 088 có tầm nhìn khuất, độ dốc cao, chỉ có cảnh giới tự động (không có cần chắn tự động); các yếu tố kỹ thuật của đường bộ trong phạm vi đường ngang không đảm bảo theo quy định về đường ngang và cấp phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Vì vậy, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thống nhất rào đóng đường ngang tại Km1288 + 088 để bảo đảm an toàn giao thông.