Cần sớm làm rõ nguyên nhân lún nứt nhà dân bên cạnh mỏ than
Suốt nhiều năm qua, người dân tại phường An Lạc và Văn Đức (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) luôn sống trong lo lắng, sợ hãi bởi nhà cửa, đường xá bỗng dưng nứt toác, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Cho rằng bị ảnh hưởng bởi việc khai thác than của Công ty Cổ phần khoáng sản Kim Bôi – Chi nhánh Hải Dương, các hộ dân nhiều lần kiến nghị tới chính quyền các cấp, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết.
Ông Nguyễn Xuân Đương (SN 1959, trú thôn Trại Nẻ, xã An Lạc, TP Chí Linh) cho biết, ông cùng gia đình sống tại địa phương hàng chục năm qua. Vài năm gần đây, từ khi Công ty Cổ phần khoáng sản Kim Bôi – Chi nhánh Hải Dương (viết tắt là Công ty CP khoáng sản Kim Bôi) về địa phương nổ mìn khai thác than, cuộc sống của vợ chồng ông và bà con lối xóm bị đảo lộn. Theo ông Đương, buổi trưa hoặc tối muộn hằng ngày, người dân địa phương đều chứng kiến những tiếng mìn nổ âm dưới lòng đất. Có thời điểm, cả nhà đang ăn trưa, mâm cơm rung lên bần bật khi mìn nổ. Một thời gian sau, ông phát hiện ngôi nhà cấp 4 của gia đình xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên tường, móng nhà kéo dài hàng chục mét ra sân vườn.
Sát nhà ông Đương, ngôi nhà của gia đình ông Dương Văn Trường (cùng thôn) xuất hiện vết nứt toác chằng chịt khắp các phòng. Móng nhà xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc, nền gạch phồng rộp, tường gạch toác rộng 4-6cm. Ông Trường chia sẻ, tình trạng này xuất hiện từ khi mỏ than An Lạc đưa vào hoạt động khai thác.
“Nhiều đêm cả gia đình mất ngủ vì mìn nổ, tạo rung chấn mạnh. Con gái và cháu ngoại của ông ôm nhau sợ hãi chạy ra khỏi phòng. Căn nhà chằng chịt vết nứt toác, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào nhưng cả gia đình không còn chỗ ở khác. Nhiều lần chúng tôi kiến nghị tới chính quyền và doanh nghiệp về việc hỗ trợ, đền bù di dời nhưng đến nay chưa cơ quan nào tới kiểm tra, lên phương án”, ông Dương Văn Trường nói.
Còn ông Mạc Văn Bổn (90 tuổi, trú thôn Trại Nẻ, phường An Lạc) cho biết, ông và gia đình sống tại địa phương hàng chục năm. Gần đây, sau một vài lần xảy ra rung chấn mạnh, cổng vào nhà ông bất ngờ đổ sập, còn tường nhà cũng rạn nứt chằng chịt. Ông Mạc cho biết, ông và vợ nhiều đêm mất ngủ vì rung chấn dưới lòng đất. Lo lắng nhà có thể sập bất cứ lúc nào, ông và vợ được con cháu đón đi di tản, lánh nạn.
“Vợ chồng tôi và gia đình các con cháu đều sống tại thôn Trại Nẻ, phường An Lạc, nhà nào tường cũng nứt toác và sống trong lo sợ. Sau nhiều lần kiến nghị, cán bộ xã từng đến kiểm tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết”, ông Mạc Văn Bổn nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Vui (39 tuổi, trú phường Văn Đức, TP Chí Linh) cho biết, gia đình chị mới tích cóp và vay mượn xây dựng ngôi nhà kiên cố 3 tầng. Gia đình chị ở được 2-3 năm thì xuất hiện vết nứt móng, thềm và tường nhà. Theo chị Vui, sau mỗi đợt mìn nổ, vết nứt ngày một rộng, đến nay có vị trí rộng 2-3cm khiến ngôi nhà nghiêng lệch về phía sau.
Theo ghi nhận của phóng viên, có 7 hộ dân thôn Trại Nẻ (phường An Lạc) và phường Vân Đức (TP Chí Linh) xuất hiện tình trạng sụt nền móng, nứt toác tường. Ngoài ra, một số khu vực đường giao thông liên thôn trong khu dân cư có dấu hiệu sụt lún, xuất hiện các vết nứt dài hàng chục mét.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường An Lạc (TP Chí Linh) cho biết, địa phương có nhận được ý kiến phản ánh của các hộ dân về tình trạng sụt lún, nứt toác công trình nhà ở. Địa phương từng thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh theo phản ánh của người dân.
Ghi nhận thông tin phản ánh của người dân cho rằng nguyên nhân của tình trạng là do hoạt động khai thác than của Công ty CP khoáng sản Kim Bôi. Doanh nghiệp này được cấp phép khai thác mỏ than tại địa phận phường An Lạc và Văn Đức (TP Chí Linh) từ năm 2015, thời hạn 30 năm. Dự án khai thác mỏ theo quy hoạch hơn 60ha dưới lòng đất và 17ha trên bề mặt để xây dựng các công trình phụ trợ. UBND phường An Lạc đã mời các hộ dân và đại diện Công ty CP khoáng sản Kim Bôi tới làm việc. Về phía người dân đề nghị doanh nghiệp bồi thường công trình, nhà ở bị nứt lún, hư hỏng do nổ mìn khai thác than. Trong khi đó đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc khai thác than không làm ảnh hưởng tới công trình của nhà dân và đề nghị mời đơn vị tư vấn độc lập quan trắc, đánh giá.
Ông Hưng cho biết, sự việc vượt quá thẩm quyền nên địa phương đã báo cáo, đề nghị cơ quan cấp trên giải quyết. Đến nay, UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở Công thương chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc, xác minh để giải quyết khiếu nại của người dân. “Việc kiểm tra, đánh giá khai thác hầm lò và tác động đến nhà dân không thể đánh giá bằng cảm quan, mắt thường mà cần có đơn vị tư vấn chuyên môn, phải quan trắc, theo dõi để đánh giá. Chúng tôi cũng đang chờ kết quả xác minh của Sở Công thương để giải quyết quyền lợi của bà con”, ông Nguyễn Quang Hưng nói.
Chưa biết đến khi nào mới có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lún nứt nhà cửa, đường xá. Vậy nên người dân bên cạnh mỏ than, những ai có điều kiện thì đóng cửa nhà đến nơi khác an toàn sinh sống, còn lại vẫn phải chấp nhận sống chung với hiểm nguy(!).