Cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015. Trên cơ sở tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện Luật Bầu cử nhiều kỳ, nhất là Luật Bầu cử năm 2015, tổng kết 2 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 theo Luật Bầu cử năm 2015, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử năm 2015.
Những thành công của các cuộc bầu cử
Thứ nhất: Số lượng đại biểu trúng cử cao, chất lượng đại biểu nâng lên, tỷ lệ về cơ cấu nữ, chuyên trách có tiến bộ. Cuộc bầu cử năm 2021, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, 3.721 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bầu được 22.550 đại biểu, Hội đồng nhân dân cấp xã bầu được 239.788 đại biểu
Thứ hai: Cuộc bầu cử diễn ra trong khó khăn, thử thách, khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.
Thứ ba: Cuộc bầu cử được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và sự vào cuộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân và cử tri cả nước.
Thứ tư: Cuộc bầu cử ngày 23/5/2021 có số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước đến nay, với 69.523.277 cử tri và tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69.243.939 cử tri (đạt 99,60%).
Thứ năm: Cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chủ động, chuyên nghiệp, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm rất cao, nắm bắt nhanh nhạy, xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng pháp luật trong mọi tình huống phát sinh.
Thứ sáu: Thành công của cuộc bầu cử cho thấy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thể hiện sinh động tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, được dư luận trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo quy định của pháp luật, Mặt trận Tổ quốc có 6 nhiệm vụ cơ bản trong công tác bầu cử. Với quyền và trách nhiệm được pháp luật quy định Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao và đạt kết quả tốt trong các nhiệm vụ, tổ chức các cuộc hiệp thương thành công, góp phần vào thành công của các cuộc bầu cử. Trong đó, việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú có điểm mới, khó về đánh giá tín nhiệm của người ứng cử nhưng đã tổ chức thành công bước đầu. Việc chuẩn bị và tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nơi làm việc) và nơi cư trú được Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương thực hiện theo quy định của Luật Bầu cử và hướng dẫn tại Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử được tổ chức thực hiện đúng trình tự, bảo đảm thành phần, số lượng cử tri tham dự, công khai, nghiêm túc, dân chủ, đúng quy định...; công tác an ninh trật tự, phòng, chống dịch được đảm bảo. Tại các hội nghị, cử tri được mời đến tham dự khá đông đủ, nhiều nơi trên 80%, có nơi đạt tỷ lệ 100%. Đa số hội nghị đều chọn hình thức giơ tay để thể hiện sự tín nhiệm và tại các hội nghị hầu hết cử tri đều đồng ý với danh sách những người ứng cử. Tại một số hội nghị, cử tri cũng có ý kiến đối với một số ứng cử viên (một số người tự ứng cử) chưa thực sự xứng đáng, chưa gắn bó với Nhân dân...
Tổng hợp số liệu từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì tổng số hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác của đại biểu Quốc hội là 1.066 hội nghị với 41.951 cử tri tham dự, trong đó có 8 người có kết quả tín nhiệm dưới 50% tổng số cử tri tham dự. Tổng số hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của đại biểu Quốc hội là 1.353 cuộc với 80.074 cử tri tham dự, trong đó có 29 người có kết quả tín nhiệm dưới 50% tổng số cử tri tham dự.
Những vấn đề đặt ra
Số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu có mặt bất cập, đại biểu khối nhà nước cao, trí thức, người uy tín, tiêu biểu trong khối Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng giảm
Cần rõ quy trình, vai trò của Trung ương Mặt trận và các địa phương trong thỏa thuận về cơ cấu, thành phần trước khi hiệp thương lần thứ nhất. Khắc phục bất cập trong điều chuyển cán bộ sau các cuộc hiệp thương lần thứ hai. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 không quy định Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân sau hiệp thương lần thứ hai, gây khó khăn cho công tác hiệp thương ở địa phương; Tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/1/2021 về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách cấp huyện.
Theo đó, "ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 5 năm trở lên và đã được quy hoạch vào chức vụ phó trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên". Tuy nhiên, trên thực tế có những đồng chí giữ ngạch viên chức nhiều năm, thậm chí hơn 10 năm mới chuyển sang ngạch công chức. Nếu theo hướng dẫn thì không đủ điều kiện ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách cấp huyện, gây khó khăn trong công tác cán bộ ở địa phương.
Về số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc khối Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận (gồm cả Trung ương và địa phương) khóa XV có 70 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (trong đó có 11 người thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 2 người là cá nhân tiêu biểu và 57 người thuộc các tổ chức thành viên của Mặt trận). Khóa XIV có 145 người ứng cử đại biểu Quốc hội, đạt tỷ lệ 16,5%; trong đó ở Trung ương có 31 người và địa phương có 114 người. (Khóa XIII là 139 người, đạt tỷ lệ 16,71%, gồm 30 người ở Trung ương và 109 người ở địa phương).
Tổng số người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 74 người (bao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên ở Trung ương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp ở địa phương), đạt tỷ lệ 14,62% so với tổng số người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của cả nước, so với khóa XIV giảm 4 người.
Giới thiệu người ứng cử một số nơi vẫn chưa bảo đảm số dư. Cơ cấu, thành phần ở hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thứ hai khá tốt, nhưng đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba và kết quả bầu cơ cấu ngoài Đảng, tự ứng cử, tôn giáo giảm
Tổng số người được các Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả Trung ương và địa phương) bầu cử năm 2021 là: 1.076 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu. Một số nơi có tỷ lệ cao nhưng một số nơi tỷ lệ còn thấp (tỷ lệ này của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV là 2,04 lần; Quốc hội khóa XIII là 2,20 lần; Quốc hội khóa XII là 2,23 lần).
Tổng số người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 870 người (gồm 205 người ở Trung ương và 665 người ở địa phương), đạt tỉ lệ số dư là 1,74 lần (khóa XIV là 879 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,76 lần; khóa XIII là 832 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,66 lần). Khối Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp có 153 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; trong đó ở trung ương có 29 người và địa phương có 124 người, tỉ lệ 17,48%.
Cơ cấu kết hợp: Có 394 người ứng cử là phụ nữ, tỉ lệ 45,28% (khóa XIV có 344 người, tỉ lệ 39,16%; khóa XIII có 262 người ứng cử là phụ nữ, tỉ lệ 31,49%); Có 187 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ 21,49%; có 77 người ứng cử là người ngoài Đảng, tỉ lệ 8,85%; có 205 người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái ứng cử, tỉ lệ 23,56%; có 218 người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), tỉ lệ 25,05%. Về người tự ứng cử đại biểu Quốc hội có 76 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỷ lệ là 8,64%.
Khóa XIV có 11 người tự ứng cử, tỉ lệ 1,25%; khóa XIII có 15 người tự ứng cử, tỉ lệ 1,8%. Khóa XV danh sách tự ứng cử 76, tỷ lệ là 8,64%, danh sách bầu 9, trúng cứ 4 đại biểu, tỷ lệ 0,8%. Đại biểu các tôn giáo khóa XIV là 7 đại biểu, khóa XV là 5 đại biểu, tỷ lệ 1%.
Quy trình công tác nhân sự, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, việc hiệp thương, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng được tiến hành chặt chẽ, nhưng không phát hiện được đại biểu tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức
Vẫn còn có người ngay sau khi trúng cử không được công nhận tư cách đại biểu, ngay đầu khóa nhiều người đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu.
Tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú, vận động bầu cử một số nơi làm chưa tốt
Công tác tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ở một số nơi gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định do số lượng ứng cử viên bố trí trong một hội nghị quá lớn. Một số nơi, hội nghị được tổ chức chưa thật sự chu đáo, số lượng cử tri tham dự hội nghị chỉ vừa đủ số lượng theo quy định, do vậy chất lượng của hội nghị chưa cao.
Do pháp luật chưa quy định cụ thể số lượng hội nghị tiếp xúc cử tri dẫn đến việc các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị rất khác nhau. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: có nơi tổ chức trên 100 hội nghị, có nơi chỉ tổ chức dưới 10 hội nghị; tỷ lệ bình quân số ý kiến phát biểu tại hội nghị cũng khác nhau, có nơi 20 ý kiến/1 hội nghị, có nơi 1 ý kiến/1 hội nghị, thậm chí có nơi không có ý kiến; thành phần cử tri chưa rộng rãi, chủ yếu vẫn là đại diện một số cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể tại địa phương… Một số địa phương chưa thực hiện tốt, có nơi chưa tổ chức đầy đủ các hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử đại biểu Quốc hội thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo khoản 2 Điều 65 và Điều 67 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Vận động bầu cử của đại biểu Quốc hội năm 2021 có 664 hội nghị, với sự tham gia của 108.607 cử tri, có 3.438 lượt cử tri phát biểu ý kiến; số hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 1.851 hội nghị, với 176.100 cử tri tham dự, có tổng số 8.360 lượt ý kiến phát biểu; số hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện là 7.803 hội nghị, với 500.795 cử tri tham dự, có 28.673 lượt ý kiến phát biểu; số hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là 40.176 hội nghị, với 2.283.353 cử tri tham dự, có 118.650 lượt ý kiến phát biểu.
Về việc vận động bầu cử: Cần có quy định cụ thể về cách thức, số lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri, tránh sự chênh lệch quá lớn về số hội nghị cử tri giữa các địa phương; đồng thời cần có quy định cụ thể, thống nhất về việc thực hiện song song cả hai hình thức vận động bầu cử là hội nghị tiếp xúc cử tri và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cụ thể để phát hiện và xử lý những trường hợp người ứng cử vi phạm quy định về vận động bầu cử.
Việc phân bổ các đại biểu về các địa phương, đơn vị bầu cử chưa phân định rõ trách nhiệm, quy trình từ đề xuất đến quyết định
Việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương về địa phương ứng cử có nơi còn chưa hợp lý, như: phân bổ nhiều người ứng cử trong cùng một khối ở Trung ương về ứng cử cùng một địa phương (khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương có 6/28 vị cùng được phân bổ về ứng cử tại Thành phố Hồ Chí Minh1); quy định về tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân còn chưa thật cụ thể, do vậy xảy ra tình trạng tại một số địa phương bố trí có sự chênh lệch quá rõ về năng lực, trình độ chuyên môn, chức vụ, kinh nghiệm công tác giữa những người ứng cử trong cùng một đơn vị bầu cử.
Còn có điểm phải bầu cử thêm, bầu cử lại
Tại kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2021 - 2026, không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nào phải tổ chức bầu cử thêm. Có 2 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở 2 tỉnh Kiên Giang và Quảng Ngãi phải tổ chức bầu thêm 2 đại biểu; sau khi tổ chức bầu cử thêm đã bầu được 2 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện. Có 216 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở 188 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 30 tỉnh, thành phố phải tổ chức bầu cử thêm. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cần bầu cử thêm là 336 đại biểu; sau khi tổ chức bầu cử thêm đã bầu được 212 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nào phải bầu cử lại. Có 5 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã phải bầu cử lại 14 đại biểu; sau khi tổ chức bầu cử lại đã bầu đủ 14 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Một số đề xuất và kiến nghị
Thứ nhất, cụ thể hóa tiêu chuẩn đại biểu và cung cấp thông tin, công khai các thông tin về đại biểu. Cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là đối với đại biểu hoạt động chuyên trách. Hiện quy định trong Luật còn rất chung chung, cần bổ sung cả tiêu chuẩn về đạo đức (Bộ Chính trị mới ban hành Quy định 144), để qua các vòng hiệp thương công khai, dân chủ, minh bạch đã lựa chọn được những người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước, giới thiệu vào các đơn vị bầu cử ai trúng cũng đủ tiêu chuẩn, khắc phục được tình trạng có sự chênh lệch quá rõ về năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác giữa những người ứng cử.
Quy định cung cấp đầy đủ thông tin của đại biểu ứng cử cho cử tri và Nhân dân biết, quy định về công khai bản kê khai tài sản của đại biểu ứng cử, hình thức công khai bản kê khai tài sản tại đơn vị bầu cử, điểm bỏ phiếu.
Thứ hai, quy định cụ thể hơn về đơn vị bầu cử và số dư. Đề nghị nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn về đơn vị bầu cử, tỷ lệ số dư bắt buộc tại các lần hiệp thương, bảo đảm thực chất, tránh hình thức. Cụ thể, để bảo đảm số dư ở mỗi đơn vị bầu cử ít nhất là 2 theo quy định tại Điều 57 và 58 của Luật Bầu cử, nên có quy định về số dư bắt buộc trong các lần hiệp thương, kể cả đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương.
Điểm 4 Điều 10: Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 3 đại biểu. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá 5 đại biểu. Quy định này có bất cập: đại biểu Quốc hội ở đơn vị dư 5 bầu 3 có lợi thế hơn ở đơn vị 4 bầu 2. Có ý kiến chia nhỏ đơn vị bầu cử để dư 2 bầu 1 (50/50) phương án này dễ xảy ra khả năng có thể cả hai đều không quá bán, Luật phải quy định bầu vòng 2 hoặc bầu thêm sẽ rất phức tạp và tốn kém. Đơn vị bầu đại biểu Hội đồng nhân dân không nên để 7 bầu 5, số lần cần phải nhỏ hơn để bảo đảm chất lượng đại biểu và tính đại diện, không quá nặng về cơ cấu.
Thứ ba, quy định cụ thể và thực hiện dân chủ trong hiệp thương lựa chọn người ứng cử. Dân chủ ở nước ta là thực hiện chế độ đại biểu. Giai đoạn hiệp thương là nhiệm vụ rất quan trọng trong chế độ đại biểu, có mối quan hệ chặt chẽ với hội nghị giới thiệu ứng cử, lấy tín nhiệm của các ứng viên nơi công tác và cư trú. Những năm qua, nội dung này được quy định trong Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cuộc bầu cử vừa qua có quy định người ứng cử không đạt tín nhiệm nơi công tác hoặc nơi cư trú trên 50% thì giới thiệu người khác. Quy trình hiệp thương phải đưa vào Luật quy định cụ thể.
Kinh nghiệm phải quy định cụ thể: (1) Ban Thường trực Trung ương Mặt trận phải phối hợp chặt chẽ với Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức cấp ủy, nội vụ; (2) Giới thiệu nhân sự ứng cử thuộc thẩm quyền của các cấp phải bảo đảm thời gian theo quy trình hiệp thương 3 bước; (3) Xác định số dư ứng cử ở bước 2 như thế nào cho đúng và phù hợp; (3) Ứng xử với trường hợp tự ứng cử để xã hội và người ứng cử không mặc cảm; (4) Tổ chức hội nghị cử tri lấy tín nhiệm với ứng cử dân chủ, công khai, thành phần rộng rãi; (5) Tổ chức hội nghị hiệp thương lần 2 và 3, phương thức để người ứng cử rút hoặc lựa chọn qua tín nhiệm cho đúng luật để danh sách gửi sang Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử thực sự là những người tiêu biểu, đáp ứng chất lượng, cơ cấu, thành phần, số dư.
Thứ tư, phân bổ đại biểu về các địa bàn ứng cử. Cần quy định cụ thể bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương về số lượng, danh sách trước khi phân bổ các đại biểu về các đơn vị bầu cử của Hội đồng bầu cử và Ủy ban bầu cử các cấp.
Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, quy định việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về các địa phương ứng cử. Trong đó, nên quan tâm đến các yếu tố gắn liền với nhân thân người ứng cử như: quê quán, nơi sinh, nơi công tác, nơi thường xuyên sinh sống để cử tri có điều kiện hiểu rõ hơn về người ứng cử. Đồng thời, đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội trong cùng một khối ở Trung ương thì nên phân bổ đều cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Có như vậy, sau khi trúng cử người đại biểu dân cử trong khối mới có điều kiện nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở các địa phương khác nhau.
Thứ năm, bảo đảm công bằng và quyền vận động tranh cử của người ứng cử. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, ngoài quy định việc tổ chức các hội nghị cử tri, các hội nghị vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội với hai hình thức: hội nghị tiếp xúc cử tri và thông qua phương tiện thông tin đại chúng thì nên nghiên cứu, bổ sung đa dạng hơn các hình thức vận động bầu cử, phù hợp với tình hình thực tế và ứng dụng được các thành tựu về công nghệ, thông tin.
Sửa đổi Điều 45, Điều 54, Điều 65 Luật Bầu cử 2015 theo hướng mở rộng, đa dạng hơn các hình thức vận động bầu cử, phù hợp với tình hình thực tế và ứng dụng được các thành tựu về công nghệ, thông tin. Sửa đổi các quy định của Luật để chi tiết, đầy đủ hơn về nguyên tắc vận động bầu cử, về thời gian vận động bầu cử, về ứng viên Chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện của ứng viên khi vận động tranh cử, về trách nhiệm phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đoàn đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương, về quyền và trách nhiệm của người ứng cử, về những điều cấm và chế tài xử lý vi phạm trong quá trình vận động bầu cử… để cuộc vận động bầu cử thực chất, công bằng, khách quan, cử tri được tiếp xúc và hiểu, đồng tình rõ hơn về ứng cử viên.
Xem lại quy định số lượng các cuộc tiếp xúc tối thiểu cho từng cấp bao nhiêu là phù hợp với từng vùng, miền, địa phương. Cấp dưới cơ sở (thôn, làng, ấp bản, tổ dân phố) giới thiệu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã với việc tổ chức lấy tín nhiệm nơi cư trú của đại biểu không nhất thiết phải tổ chức 2 cuộc như các quy trình hướng dẫn hiện nay.
Sửa đổi Luật Bầu cử 2015 theo hướng tăng thêm thời gian cho mỗi giai đoạn trong công tác bầu cử, tăng thêm thời gian cho việc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử, để cử tri có điều kiện tiếp xúc, nghe người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình khi được trúng cử. Việc tăng thêm thời gian này cũng để các cơ quan của Ủy ban bầu cử các cấp có thêm thời gian chuẩn bị và in ấn các tài liệu cần thiết về từng người ứng cử. Có quy định về việc tuyên truyền, mạn đàm tiểu sử, chương trình hành động của người ứng cử.
Thứ sáu, rà soát quy định, quy trình và thời gian chuyển hồ sơ, tài liệu giữa các cơ quan. Đề nghị Quốc hội rà soát, có quy định thời gian cụ thể việc chuyển hồ sơ tài liệu của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có đủ thời gian nghiên cứu, rà soát trước khi trình các hội nghị hiệp thương. Quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân giới thiệu đại biểu ứng cử trong việc bảo đảm tiêu chuẩn, phẩm chất đại biểu, tránh vừa mới bầu xong đã phải xem xét kỷ luật, khuyết đại biểu. Tại hội nghị hiệp thương cơ quan có thẩm quyền phải trả lời rõ những vấn đề đại biểu dự hội nghị hiệp thương quan tâm đến từng ứng cử viên.
Thứ bảy, rà soát lại các thủ tục lập danh sách cử tri, chuyển bầu cử nơi khác, tạo thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền bầu cử. Cuộc bầu cử vừa qua có một tỷ lệ không nhỏ cử tri đi làm ăn xa nhưng vẫn để danh sách cử tri ở nơi có hộ khẩu, không phân biệt thường trú, tạm trú, dẫn đến hiện tượng bầu hộ vì ngày bầu cử không về được. Thủ tục chuyển đi bầu cử nơi khác của công dân cũng gặp nhiều khó khăn giữa nơi đi và nơi đến phải trực tiếp xin mà không qua điện tử.
Thứ tám, cụ thể hơn về giám sát trong ngày bầu cử và thời gian kiểm phiếu. Đề nghị Quốc hội có quy định chặt chẽ hơn về giám sát trong ngày bầu cử, giám sát việc kiểm phiếu, lập danh sách người tạm trú. Thời gian kiểm phiếu, giám sát việc kiểm phiếu, lập danh sách người trúng cử để khắc phục những thiếu sót đã xảy ra trong các cuộc bầu cử vừa qua ở một số địa phương.
Sửa đổi Điều 73 Luật Bầu cử 2015 theo hướng: Việc kiểm phiếu được thực hiện ngay trong ngày bỏ phiếu khi tại đơn vị bỏ phiếu đã bảo đảm 100% số cử tri trong danh sách bỏ phiếu, đảm bảo tính chính xác của việc kiểm phiếu và sức khỏe của thành viên tổ kiểm phiếu.
Thứ chín, thể chế quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong việc bầu và bãi nhiệm đại biểu do mình bầu ra.
Quy định bầu bổ sung tại các đơn vị khuyết đại biểu do miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Mười là, các điều kiện bảo đảm cho bầu cử thành công.
Rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong chuẩn bị trước, trong và sau bầu cử, bảo đảm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, thống nhất, kinh phí bầu cử kịp thời.
Chú thích:
1. Trung ương giới thiệu 13 người về ứng cử tại Thành phố Hồ Chí Minh