Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân bám biển
Biển lặng, giá thủy hải sản tăng cao, nhưng hàng loạt con tàu của ngư dân ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới hoặc các làng chài truyền thống như Quảng Phúc, Quảng Đông, Nhân Trạch, Đức Trạch… của Quảng Bình vẫn nằm gối bãi. Nhiều chủ tàu thẫn thờ đi ra đi vào bởi không tìm ra thuyền viên để giương buồm ra khơi đánh bắt...
Trong các tỉnh ven biển miền Trung, Quảng Bình là địa phương có lượng tàu cá và ngư dân bám nghề biển rất lớn với hơn 8.000 tàu cá, trong đó có gần 1.500 tàu cá khai thác xa bờ. Dọc theo triền cát nơi đây, nhiều gia đình cha còn lênh đênh trên biển, con đã chuẩn bị xuống tàu. Nghề biển trở thành máu thịt gắn bó bao đời nay với nhiều làng biển.
Song hiện nay, rất nhiều ngư dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một số làng chài sầm uất đang dần trở nên hoang vắng. Sau nhiều ngày về với bà con ngư dân, chúng tôi nhận thấy, các bộ ngành và địa phương cần sớm có những giải pháp để giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Những khó khăn làm tàu gối bãi
Biển lặng, giá thủy hải sản tăng cao, nhưng hàng loạt con tàu của ngư dân ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới hoặc các làng chài truyền thống như Quảng Phúc, Quảng Đông, Nhân Trạch, Đức Trạch… của Quảng Bình vẫn nằm gối bãi. Nhiều chủ tàu thẫn thờ đi ra đi vào, hết nhìn tàu, nhìn biển rồi thở dài bởi không tìm ra thuyền viên để giương buồm ra khơi đánh bắt.
Bên bờ Bắc sông Gianh, hàng trăm con tàu nằm phơi mình trên sóng êm và hàng trăm chủ tàu mặt hốc hác vì lo những món nợ gắn với con tàu. “Đi biển còn có đồng ra đồng vào, còn có tích lũy để trả nợ, còn tàu nằm bờ thì tiền lãi, tiền nợ lại càng chồng dày thêm”, ngư dân Hoàng Văn Hải, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn buồn bã nói vậy với chúng tôi.
Với số tiền tích lũy được sau hàng chục năm đi biển, vay mượn thêm, anh Hải đóng tàu xa bờ có công suất 450CV. Ngày cùng thuyền viên lên tàu đi chuyến biển xa bờ, gia đình anh Hải mừng như ngày hội. Bởi có con tàu lớn không chỉ là tài sản mà còn là niềm ước mơ trở thành hiện thực của bao thế hệ gia đình anh Hải.
Nhưng chỉ được một vài chuyến đầu, còn từ giữa 2018 đến nay, con tàu của anh nhiều lần phải nằm gối bãi vì không tìm được thuyền viên để ra khơi. Trung bình mỗi lần ra khơi, tàu có công suất lớn như tàu anh Hải phải có từ 12-15 ngư dân, song giờ anh tìm được 5-7 ngư dân cũng khó. Ông Nguyễn Ngọc Tân, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Xuân Lộc, phường Quảng Phúc trần tình: tổ có 115 tàu trên 90CV trở lên nhưng có đến hơn nửa tàu trong số đó luôn thiếu thuyền viên nên phải nằm bờ.
Rời Quảng Phúc, chúng tôi về làng biển Đức Trạch, nơi có truyền thống hơn 500 năm đi biển đánh bắt ở vùng đảo Hoàng Sa. Nơi đây, nhiều người xem biển là quê hương, là máu thịt của mình. Bởi họ làm quen với sóng biển từ khi mới sinh ra, lớn lên trưởng thành cùng biển. Từ một làng chài tấp nập từ sáng sớm tinh mơ đến khi hoàng hôn buông dần phủ kín mặt biển, song nay Đức Trạch đang đối mặt với việc hàng trăm con tàu phải gác mái, phơi sương vì thiếu người đi biển.
Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, ông Hồ Đăng Chiến trầm tư khi tâm sự về nghề biển truyền thống của địa phương. Đức Trạch có đội tàu đánh bắt xa bờ 240 chiếc, trong đó phần lớn có công suất từ 200-800CV, còn tàu nhỏ lên đến cả ngàn chiếc. Riêng đội tàu đánh bắt xa bờ cần khoảng gần 2.000 thuyền viên nhưng đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 lao động.
Nhiều chủ tàu chạy đôn chạy đáo để tìm thuyền viên đi biển nhưng rồi đành chịu để tàu nằm bãi… Còn Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, ông Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, xã có 370 tàu đánh bắt xa bờ, tuy nhiên, chỉ một số ít chủ động được bạn tàu, còn phần lớn lao đao tìm lao động. Nhiều chủ tàu phải tuyển lao động ở vùng sản xuất nông nghiệp, ứng trước tiền lương song không phải khi nào cũng đủ người để ra khơi.
Bên cạnh thiếu lao động trầm trọng, để một chuyến tàu ra khơi, nếu như tàu trên 120 CV trở lên chủ tàu phải đổ mười ngàn lít dầu với chi phí lên hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể cánh phụ nữ phải chạy đôn chạy đáo thu mua lương thực, thực phẩm đủ để cho một chuyến tàu rời bờ. Mấy năm trước giá nhiên liệu thấp nên ngư dân còn có đồng ra, đồng vào. Nhiều nhà sắm được nhà cao tầng, các tiện nghi đắt tiền...
Nhưng rồi giá nhiên liệu, nhân công cao nên có chủ tàu đã gạt nước mắt bán tàu. Thiếu vốn, nhiều chủ tàu mỗi lần đi biển thường phải mua nợ dầu trước trả tiền sau, bán cá trước lấy tiền sau. Nắm được khó khăn của ngư dân không thể có đủ tiền trả một lần để mua dầu nhà nước nên một số tư nhân bán dầu với giá cao cho ngư dân rồi cho họ trả dần…
Cần sớm có những giải pháp “tiếp sức” ngư dân
Qua tìm hiểu tại các làng chài ven biển chúng tôi được biết, nguyên nhân thiếu thuyền viên đi biển là bởi hiện nay thu nhập nghề biển không còn cao, lượng thủy hải sản biển giảm đáng kể, trong khi giá nhiên liệu tăng nên sau mỗi chuyến đánh bắt, tiền công và các ngư dân được nhận còn chỉ khoảng 3-7 triệu đồng cho mỗi chuyến xa khơi hàng chục ngày.
Nhiều thanh niên trẻ làng biển cũng không còn hào hứng với nghề biển truyền thống mà họ bứt ra khỏi làng để làm nghề khác có thu nhập cao hơn. Tại làng biển Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, nơi cách đây không lâu luôn có hàng ngàn lao động nghề biển, thì nay các thôn làng vắng bóng thanh niên bởi họ rời quê, bỏ biển đi xuất khẩu lao động xứ người.
Ông Lê Đình Uyên, một người hơn 50 năm làm nghề biển buồn bã khi nói về mai một nghề biển quê mình “giờ cò lao động về tận làng trên, làng dưới tuyển thanh niên đi Đài Loan, Hàn Quốc làm nghề đi biển đánh cá. Biết được thanh niên các làng biển có tay nghề, thạo nghề biển nên họ rủ rê đi hết… Đi biển ở xứ người thu nhập cao hơn nên làng dần vắng bóng ngư dân trai tráng”.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại nhiều làng biển, chúng tôi nhận thấy: lao động nghề biển hầu như đang bị bỏ ngỏ, chúng ta động viên ngư dân đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc nhưng hầu như chưa nói tới lao động trên các tàu cá đó như thế nào, chế độ ra sao…?.
Để các chủ tàu dong tàu ra khơi bám biển, cần phải có lao động, để có lao động thì các chủ tàu phải chi trả tiền tăng lên cho các lao động sau mỗi chuyến ra khơi. Vì vậy để giải được bài toán này, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước đối với các chủ tàu về giá cả xăng dầu. Thu mua sản phẩm thủy hải sản.
Trước đây, một số nơi, chính quyền có giúp đỡ ngư dân về xăng dầu, nhưng cũng chỉ đi được một vài chuyến, vì vậy, để bám biển, ngư dân vẫn phải luôn tìm cách xoay xở. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương ở miền Trung nói chung, Quảng Bình nói riêng, mặc dù có số tàu cá rất lớn, song các địa phương chưa đầu tư được các công ty thu mua hải sản lớn, có uy tín nên sau mỗi chuyến đánh bắt ngư dân lại phải bán nhỏ, lẻ hoặc bán cho một số tiểu thương để bán qua đường tiểu ngạch sang nước khác. Chính vì vậy, ngư dân thường xuyên bị ép giá.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/can-som-thao-go-kho-khan-cho-ngu-dan-bam-bien-566852/