Cần sớm thay nhiều cây xanh đô thị chết khô ở Hà Nội
Trên một số tuyến phố Thủ đô, nhiều cây xanh đã chết khô, qua nhiều năm, tháng nhưng không được chặt hạ. Người dân mong đợi cơ quan chức năng trồng cây mới để tạo bóng mát, cảnh quan đô thị.
Cây chết khô chờ thay thế
Báo Xây dựng nhận được thông tin phản ánh của người dân, trên một số tuyến phố tại Hà Nội, tình trạng cây chết nhiều năm nhưng chỉ được cắt, tỉa cành mà không được di chuyển, thay thế.

Một cây xanh trước cửa số nhà 17 Đoàn Trần Nghiệp (phường Hai Bà Trưng).
Ghi nhận của phóng viên tại vỉa hè số 19 Đoàn Trần Nghiệp, một cây xanh đường kính thân khoảng 30cm đã chết khô nhưng chỉ được cắt tỉa cành, nhánh cây. Xung quanh thân cây quấn nhiều dây điện, gây mất mỹ quan đô thị.
Tương tự, tại số nhà 24 phố Huế, một gốc cây cổ thụ lớn đã chết khô, trơ trụi, vỏ cây bong tróc.

Cây xanh trước cửa số nhà 24 phố Huế (phường Hai Bà Trưng) cũng đã chết khô từ lâu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương (ở số nhà 24 phố Huế) cho biết: "Tôi về đây sinh sống khoảng 2 năm nay, đã thấy cây này chết khô. Hôm trước mưa lớn, vỏ cây rơi xuống trông rất mất mỹ quan. Tôi mong chính quyền sớm có biện pháp di chuyển và trồng thay thế để tạo bóng mát cho đường phố".
Tại cửa số nhà 220 Bà Triệu, một cây cổ thụ gốc to bằng hai vòng tay người lớn ôm có dấu hiệu chết khô từ lâu. Vỏ cây khô, bong tróc nhiều mảng, các nhánh cây cũng bị cắt tỉa hết chỉ còn trơ lại gốc và thân.
Người dân lo ngại mùa mưa bão đang tới, những cây xanh trên đường phố đã chết lâu ngày không được chặt hạ sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Người dân lo ngại mùa mưa bão đang tới, những cây xanh trên đường phố đã chết mà không được chặt hạ sẽ rất nguy hiểm.
Cần sớm có giải pháp thay thế
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, bà Phạm Thị Kim Thu, Trưởng phòng Kế hoạch - đầu tư, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Công ty đang quản lý, duy trì hệ thống cây xanh tại các tuyến phố trung tâm của Thủ đô. Theo rà soát, hơn 10 trường hợp cây xanh do công ty quản lý chết bất thường, nghi có dấu hiệu vi phạm nên không thể thay thế ngay.
Công ty sẽ mời chính quyền địa phương, công an, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố lập biên bản hiện trường.
"Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã cắt triệt tiêu để đảm bảo an toàn cho người dân. Khi các cơ quan chức năng xác minh được nguyên nhân cụ thể và có phương án xử lý, cây chết sẽ được thay thế bằng loại cây phù hợp", bà Phạm Thị Kim Thu cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố (Sở Xây dựng Hà Nội) chia sẻ, một trong những nguyên nhân là cây đổ do bão số 3 (Yagi), sau khi trồng lại bị chết.
Những cây bị đổ gồm nhiều chủng loại, có tuổi thọ và kích thước khác nhau, tình trạng đổ gãy khác nhau. Nhiều cây bị đứt rễ, dập nát nên sau khi dựng lại một thời gian, cây chết. Nhiều cây đã trưởng thành hoặc cây già nên khả năng hồi phục kém. Thời tiết sau khi bão nắng nhiều, hanh khô ảnh hưởng sinh trưởng của cây.
Bên cạnh đó, lý do khác là cây già cỗi, hết chu kỳ sinh trưởng, cây bị sâu, bệnh hại hay do quá trình thi công cải tạo vỉa hè, đào hạ ngầm các công trình làm đứt rễ cây, tổ chức cá nhân có hành vi xâm hại cây (đổ hóa chất vào gốc cây, xe tải, máy móc công trình va chạm vào cây gây tróc vỏ, dập thân cây…).

Một trong những điểm tạo nên sự thân thiện của Thủ đô đó là sự xanh mát của bóng cây.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hưng, hiện tại, khoảng 1.774 cây xanh chết tại địa bàn, do Sở Xây dựng quản lý. Toàn bộ số cây chết trên đã được Trung tâm quản lý hạ tầng chỉ đạo các nhà thầu chặt hạ, giải tỏa, trồng cây thay thế theo quy định. Thời gian tới, với những cây chết phát sinh trên các tuyến đường, phố trong nội đô, việc chặt hạ và trồng thay thế tiếp tục được thực hiện theo quy định.
Cụ thể, khi phát hiện cây chết, các nhà thầu sẽ phối hợp Trung tâm quản lý hạ tầng, chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản hiện trường, thống nhất phương án xử lý.
Trường hợp cây chết không có dấu hiệu vi phạm, các bên sẽ thống nhất ngay để nhà thầu chặt hạ, trồng thay thế, tiến độ thực hiện khoảng 15 ngày kể từ khi ký biên bản thống nhất.
Đối với các cây xanh bị xâm hại, trung tâm sẽ phối hợp chính quyền địa phương, nhà thầu quản lý, duy trì kiểm tra, lập biên bản hiện trường, yêu cầu nhà thầu cắt triệt tiêu để đảm bảo an toàn; đồng thời gửi văn bản đến cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Sau khi có kết quả, Trung tâm Quản lý hạ tầng phối hợp chính quyền địa phương lập biên bản thống nhất xử lý, yêu cầu nhà thầu chặt hạ, trồng thay thế theo quy định.
Những trường hợp cơ quan chức năng trả lời không điều tra xác minh được đối tượng vi phạm, Trung tâm sẽ tổng hợp báo cáo, đề xuất Sở Xây dựng cho chặt hạ, trồng cây thay thế.
Trường hợp đang trong quá trình điều tra, xác minh, phải chờ kết luận của cơ quan điều tra để làm căn cứ triển khai thực hiện.