Cần sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết cần quan tâm thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tăng lương… Trên cơ sở đó tạo điều kiện để cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội):
Quan tâm hơn tới công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội)

ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội)

Qua ý kiến chất vấn của các đại biểu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, điều tôi quan tâm nhất là cần bổ sung đội ngũ giáo viên cho ngành giáo dục, bên cạnh đó là sắp xếp bảng lương đối với các viên chức ngành văn hóa, nghệ thuật...

Thứ nhất, về đội ngũ giáo viên, qua khảo sát trong ngành giáo dục trong bối cảnh toàn ngành đang triển khai chương trình giáo dục năm 2018, việc thiếu giáo viên ở các bộ môn mới cũng như thiếu-thừa giáo viên nói chung là rất lớn.

Qua giai đoạn Covid-19 vừa qua, đã có rất nhiều giáo viên bỏ ngành. Đây là một bất cập, đặc biệt là đối với những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội thì thách thức này càng đặt lên vai ngành giáo dục trách nhiệm nặng nề hơn.

Với đội ngũ giáo viên hiện nay, để đáp ứng những môn học mới tích hợp, thì giảng viên, giáo viên sẽ gặp khó khăn với kỹ năng giảng dạy. Lực lượng mỏng lại thiếu kỹ năng thì vô cùng khó khăn.

Qua ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì tới đây ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp tăng cường đội ngũ giáo viên. Đây cũng là điều cử tri ngành giáo dục coi là tín hiệu đáng mừng nhất.

Thứ hai, về việc sắp xếp bảng lương đối với các viên chức ngành văn hóa, nghệ thuật. Đây là một lĩnh vực rất đặc thù, quá trình đào tạo rất dài, để có bằng đại học có thể mất 8-12 năm. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, các em lại chỉ được xếp bảng lương giống như công chức, viên chức thông thường, trong khi thời gian công tác tại ngành này trong một số lĩnh vực lại rất ngắn. Vì vậy, việc cải cách tiền lương thời gian tới cũng cần phải quan tâm thêm công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang):
Có thực mới vực được đạo

ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang)

ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang)

Tôi quan tâm đến vấn đề về biên chế, đặc biệt là những giải pháp cụ thể trong tinh giảm biên chế theo lộ trình tới năm 2025 đạt được kết quả theo Nghị quyết của Trung ương để làm sao vừa tinh giảm biên chế, vừa bảo đảm hiệu quả trong công việc.

Đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ khi khối lượng công việc tăng do tinh giản biên chế, nhất là ở những địa phương có đông dân cư. Mặc dù chịu áp lực rất lớn về công việc nhưng chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn vẫn thực hiện như trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn vừa qua.

“Có thực mới vực được đạo”, vì vậy, để đội ngũ cán bộ cơ sở không chuyên trách yên tâm công tác, phục vụ người dân chuyên nghiệp hơn, cần sớm sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở tổ dân phố).

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang):
Tăng lương phải đi đôi với kiềm chế lạm phát

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

Việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực công hay kể cả trong lĩnh vực doanh nghiệp khu vực nhà nước đều sẽ tạo áp lực nhất định lên lạm phát. Tuy nhiên, khi tính toán việc tăng lương thì tăng ở mức độ nào, tăng ở thời điểm nào để chúng ta hướng tới mục tiêu, vừa nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, nhưng cũng đảm bảo giữ ổn định vĩ mô, đặc biệt là vấn đề kiểm soát lạm phát là một nội dung mà các cơ quan chức năng đã tính toán, cân nhắc khá kỹ lưỡng.

Trong thời gian vừa qua, cơ quan thẩm tra cũng đã nghiên cứu, rà soát và thấy rằng là những mục tiêu đặt ra như là mức độ tăng, thời điểm xác định tăng lương… trong dự kiến tăng lương cơ sở và nâng hệ số cho một số lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù cũng đã phù hợp. Chúng ta có khả năng sẽ đạt được mục tiêu vừa nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập, cải thiện các mặt sinh hoạt của người lao động, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát trong khung mà Quốc hội cho phép.

Xuân Tùng - Lê Tùng - Thanh Mai

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/can-som-thuc-hien-lo-trinh-cai-cach-tien-luong-i306201/