Cần sớm xử lý tình trạng lấn chiếm kênh thủy lợi tại phường 9, thành phố Sóc Trăng
Theo phản ánh của hộ dân sống ở khu vực khóm 6, phường 9, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), ông Nguyễn Liếm (Tám Hoa), tiến hành san lấp mặt bằng toàn bộ đoạn kênh thủy lợi tại phường 9, thành phố Sóc Trăng, xây tường bao ngạn không còn chỗ để thoát nước, gây ngập úng cho nhiều hộ dân.
Bà Ngô Thị Út Nhỏ là một trong những hộ dân sống ở khu vực khóm 6, phường 9, thành phố Sóc Trăng, phản ánh: Trước đây, đất do UBND phường 4 (thị xã Sóc Trăng cũ) và Hợp tác xã Tiến Công cấp cho những hộ dân tái định cư tại đây, cột mốc được cấp (sau khi trừ lộ giới, hành lang) từ mặt tiền đường Mạc Đĩnh Chi, sâu vào từ 38 - 40m là đất thổ cư cho dân cất nhà. Sau lưng dãy nhà ở của các hộ dân khu vực này có một con kênh thủy lợi dẫn nước tưới tiêu ruộng, vườn và cũng là kênh để thoát nước thải sinh hoạt cho cộng đồng dân cư sinh sống nơi đây. Con kênh thủy lợi này là kênh đào, do UBND phường 4 và Hợp tác xã Tiến Công huy động nhân lực xã viên tại chỗ đào (trừ sau lưng mỗi nhà dân 2m), con kênh có kích thước như sau: bờ kênh 1m mỗi bên, lòng kênh rộng 4m, chiều sâu kênh 1m.
Ông Nguyễn Liếm mua lại đất của ông Tâm (năm 2017), hiện cư trú ở phường 4, thành phố Sóc Trăng và mảnh đất đó nằm ngoài bờ kênh thủy lợi. Năm 2018, ông Nguyễn Liếm tiến hành xây cất nhà xưởng, xây kho bãi giữ xe, rửa xe ôtô và xe 2 bánh, gia đình bà Út Nhỏ và người dân trong khu vực nhiều lần can ngăn và nói với ông Nguyễn Liếm và gia đình ông “làm gì thì làm, đừng lấn chiếm kênh thủy lợi này”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Liếm phớt lờ ý kiến của bà con, lén lút tiến hành san lấp mặt bằng toàn bộ đoạn kênh, xây tường bao ngạn không còn chỗ để thoát nước, gây ngập úng cho nhiều hộ dân, trong đó có gia đình bà Út Nhỏ, nhất là khi vào mùa mưa. Không những thế, ông Nguyễn Liếm còn xây nhà ở trên kênh thủy lợi, làm nhà vệ sinh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình các hộ ở dân xung quanh khu vực. Tuy nhiên, do người dân phản ứng quyết liệt nên nhà vệ sinh được tháo dỡ vào ngày 8/6/2022.
Bức xúc những việc làm trên của ông Nguyễn Liếm, tháng 6/2021, bà Út Nhỏ và 6 hộ khác trong khu dân cư bị ảnh hưởng làm đơn gửi Ban nhân dân khóm 6, phường 9, thành phố Sóc Trăng và Chủ tịch UBND phường 9 xem xét, giải quyết với 2 nội dung: Đề nghị chính quyền buộc ông Nguyễn Liếm phải trả lại hiện trạng đất hai bờ kênh và lòng kênh như hiện trạng ban đầu để phục vụ việc thoát nước sinh hoạt trong khu dân cư, để không còn tình trạng ngập và đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng toàn bộ khu dân cư. Song song đó, ông Nguyễn Liếm phải tháo dỡ công trình đã xây dựng trên đất công cộng mà ông đã ngang nhiên lấn chiếm.
Khi nhận được đơn của người dân, UBND phường 9 đã 6 lần mời các bên đến để hòa giải. Tại các buổi làm việc, ông Nguyễn Liếm thừa nhận lấn chiếm kênh thủy lợi và chính quyền yêu cầu gia đình ông trả lại hiện trạng cũ của con kênh, nhưng ông cố tình không thực hiện.
Ông Lâm Vương Hữu, cư ngụ khóm 6, phường 9, thành phố Sóc Trăng, bức xúc: “Con kênh râu này có từ rất lâu, chủ yếu phục vụ cho dẫn nước để người dân làm ruộng, nuôi cá, trồng cây. Ngoài ra, con kênh này có nhiệm vụ thoát nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống dọc tuyến đường Mạc Đĩnh Chi. Từ khi ông Nguyễn Liếm ngang nhiên lấp kênh thủy lợi xây dựng nhà, nhưng không để cống thoát nước làm ngập úng vườn tược, nhà của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác khi có mưa. Dọc theo tuyến kênh thủy lợi này còn nhiều doanh nghiệp, hộ dân lấn chiếm kênh thủy lợi để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, nhưng không thấy chính quyền cơ sở ngăn chặn kịp thời”.
Qua tìm hiểu được biết, con kênh râu được hình thành khi chưa tách phường, điểm đầu con kênh từ nhà số 340, đường Mạc Đĩnh Chi chạy đến đường Phan Văn Chiêu. Khi được Nhà nước đầu tư mở rộng tuyến đường Mạc Đĩnh Chi, các hộ dân nối ra hệ thống thoát nước ra phía sau. Hiện toàn tuyến có 17 hộ dân và 4 doanh nghiệp đã tự ý lấp kênh, đặt cống và làm lối đi ra phần đất, một số hộ chưa sử dụng đến phần kênh râu, nguồn nước bị ứ đọng, không thoát được.
Trong Công văn số 278/UBND, ngày 31/8/2022 của UBND phường 9 gửi UBND thành phố Sóc Trăng có đề xuất 3 phương án, như: vận động các hộ dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự phá dỡ phần xây dựng, rào chắn lấp cống trên tuyến kênh cho dòng chảy được thông suốt, lập biên bản xử lý các trường hợp không thực hiện được tháo dỡ xây dựng lấn chiếm tuyến kênh; tạm cho phép hộ dân, doanh nghiệp trên tuyến kênh đặt cống thoát nước nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, thoát nước được thông thoát và mở rộng quy mô kinh doanh (cam kết không xây dựng kiên cố, khi Nhà nước thu hồi thì không nhận bồi thường; giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ liền kề, các doanh nghiệp thuận tiện cho việc sản xuất, kinh doanh kho bãi, nhà xưởng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Sóc Trăng, cho biết: “Mới đây, Văn phòng HĐND và UBND thành phố Sóc Trăng thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng là giao thanh tra chủ trì phối hợp với Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế, Đội Trật tự đô thị và UBND phường 9 xác minh, tham mưu, đề xuất hướng xử lý các trường hợp của đương sự trình UBND thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng, các phòng chuyên môn của thành phố và UBND phường 9, trong đó có Phòng Kinh tế đang khẩn trương xác minh làm rõ, để tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng xử lý vụ việc này”.