Cần sự vào cuộc để người dân hiểu và đồng thuận

ĐBP - Làm thế nào giúp người dân các xã từ khu vực III lên khu vực I hiểu, nắm rõ chủ trương, chính sách để tạo sự đồng thuận, an dân? Có lẽ đây không chỉ là việc riêng của cơ sở - xã có những thay đổi từ Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là Quyết định 861).

Sau 4 tháng áp dụng các chính sách xã khu vực I (từ ngày 1/7), xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) đã bớt “nóng” nhưng người dân vẫn tâm tư ít nhiều. Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng kể lại: “Sau khi có Quyết định 861, xã đã phổ biến đến các bản. Ban đầu khi biết chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ học tập, bán trú cho học sinh... thay đổi, bà con phản ứng rất gay gắt. Thậm chí có người bảo là Nhà nước không còn quan tâm đến đồng bào dân tộc nữa, nghĩ rằng do sáp nhập vào thành phố nên mới không được hưởng chính sách. Cá biệt còn có trưởng dòng họ phản đối kịch liệt, bảo con cháu “trả lại tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho Nhà nước”. Chúng tôi đã đến từng bản, từng nhà phổ biến, giảng giải, trò chuyện để người dân hiểu. Bản thân tôi với cương vị Chủ tịch UBND xã cam kết đồng hành cùng người dân gỡ khó, tiếp tục đề xuất, kiến nghị để các bản đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn được trợ lực vươn lên từ các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh, của thành phố”. Sau thời gian dài tuyên truyền, thuyết phục, người dân Mường Phăng dần hiểu, tập trung lao động sản xuất, tự lực vươn lên. Trưởng dòng họ kể ở trên cũng đồng thuận bảo con cháu trong bản đến nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Bản Lọng Luông 1, xã Mường Phăng có 100% người Mông sinh sống. Anh Cứ A Vừ, Trưởng bản cho biết: “Ban đầu bà con phản ánh nhiều về việc đột ngột mất các chế độ, chính sách. Đặc biệt là chế độ cho học sinh, đến năm học mới, các gia đình mới biết. Người dân Lọng Luông 1 sống dựa vào ruộng nương nhưng còn thiếu kinh nghiệm sản xuất. Vì vậy việc xoay sở tiền học, cho con em theo học lên các cấp gặp không ít khó khăn. Còn về phía người dân, đến hiện tại, bản mới có 3 - 4 hộ mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Một nhà trung bình 5 - 7 người, tiền bảo hiểm y tế cũng không ít nên khó mà bao phủ được cả bản. Bà con đã hiểu, đồng thuận với chủ trương, chính sách của Nhà nước và phấn đấu vươn lên nhưng vẫn mong rằng Nhà nước tiếp tục có biện pháp, hình thức quan tâm trợ lực nào khác cho đồng bào nơi đây”.

Còn tại xã Nà Tấu, cũng lên xã khu vực I giai đoạn này, việc tuyên truyền, giải thích về chế độ, chính sách cho người dân đã và đang được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Ông Lường Văn Toản, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau khi lên xã khu vực I, mất nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ, trên địa bàn Nà Tấu cũng có thông tin một số người rục rịch gửi nhờ con sang hộ khác, địa bàn khác. Nhưng chúng tôi nắm bắt sớm, gặp gỡ tuyên truyền, vận động người dân yên tâm ở lại, Nhà nước, các cấp còn có nhiều chế độ, chính sách, chương trình, dự án quan tâm hỗ trợ đồng bào miền núi đảm bảo cuộc sống, tiếp tục vươn lên. Vì vậy các hộ đồng thuận, xã không ghi nhận trường hợp nào chuyển khẩu, chuyển địa bàn vì lý do như trên.

Theo Quyết định 861, tỉnh Điện Biên có 27 xã khu vực I, 5 xã khu vực II và 94 xã khu vực III. Trước đó giai đoạn 2016 - 2020, Điện Biên có 14 xã khu vực I, 15 xã khu vực II và 101 xã khu vực III. Với từng cấp phân định, chính sách an sinh xã hội như: Chế độ hỗ trợ học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách bảo hiểm y tế, vay vốn ưu đãi, chính sách cho cán bộ công chức… sẽ thay đổi. Ngoài ra, các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, các vấn đề phát sinh tại các xã khu vực III lên khu vực I đã cơ bản được giải quyết, ổn định, đi vào nền nếp nhưng vẫn phải thẳng thắn nhận định, khi triển khai chế độ, chính sách mới, các xã không khỏi lúng túng, nhất là liên quan đến các trường học, học sinh trên địa bàn. Các cơ sở phải “một mình” trong công tác tuyên truyền, tự xoay sở, tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Có trường, xã liên hệ biết bao tổ chức, cá nhân tìm nguồn hỗ trợ để học sinh vẫn được ăn ở tại trường, có nơi phải chuyển học sinh bán trú về điểm bản học ghép, cũng có nơi đành chấp nhận để học sinh, con cháu mình phải đi học nhờ xã khác, có vậy các em mới có thể theo đuổi con chữ...

Những vấn đề ấy từ các xã khu vực III lên khu vực I làm nhiều người dân địa bàn khác không khỏi hoang mang. Đặc biệt làm dấy lên luồng ý kiến không muốn đạt chuẩn nông thôn mới trong một bộ phận nhân dân các xã vùng cao. Vì vậy việc tuyên truyền, vận động để bà con hiểu về việc phân định đơn vị hành chính cấp xã theo trình độ phát triển (khu vực I, II, III), ý nghĩa xây dựng nông thôn mới; biết về các chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang được triển khai... cũng như giải quyết các tồn tại, khó khăn phát sinh không chỉ là việc riêng của xã hay cơ sở giáo dục tại địa bàn mà còn cần sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan.

Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/191498/can-su-vao-cuoc-de-nguoi-dan-hieu-va-dong-thuan