Cần tách bạch giữa 'tham quan' và 'trải nghiệm'

Nhiều trường cho HS đi tham quan kết hợp trải nghiệm ở nơi cách xa hàng trăm km nhưng chưa chắc đã tốt bằng ở gần trường, hay tại địa phương.

Học sinh Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) học tập, trải nghiệm tại Nhà lưu niệm Bác Hồ tại quê hương Vân Canh. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) học tập, trải nghiệm tại Nhà lưu niệm Bác Hồ tại quê hương Vân Canh. Ảnh: NTCC

Tiền mất lại thêm lo

Là phụ huynh có con gái học lớp 7 tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Lan cho biết, mỗi năm học, nhà trường thông báo cho học sinh đi học tập trải nghiệm ở một địa điểm trong thành phố với chi phí 400 nghìn đồng/em; nếu đi xa, tiền đóng có thể cao hơn. Dù không muốn đi nhưng nghe cô giáo nói đây là hoạt động trải nghiệm phục vụ học tập nên gia đình buộc phải cho con tham gia, trừ khi bị ốm mới được xin nghỉ.

Chị Lan cho rằng, chưa nói đến kinh phí, riêng khâu tổ chức chuyến đi làm sao an toàn, hiệu quả là vấn đề khiến ban phụ huynh đau đầu. Cách đây mấy năm, một học sinh THCS quận Tây Hồ đi tham quan cùng trường không may tử vong khiến ai cũng bàng hoàng, xót xa. Do vậy, chị Lan mong, việc tổ chức cho mấy trăm học sinh tới một địa điểm trải nghiệm ngoài thành phố phải dựa trên sự đăng ký tự nguyện của gia đình và học sinh.

Bỏ ra 700 nghìn đồng cho con đi tham quan trải nghiệm với bạn tại Khu du lịch Quảng Ninh Gate (tỉnh Quảng Ninh) từ năm học trước, chị Phạm Thị Hương trú tại Hà Nội tỏ ra bức xúc vì mất tiền lại thêm lo. Theo đó, trẻ không có trải nghiệm gì mới ngoài mấy trò chơi quen thuộc mà ở Thủ đô không thiếu như công viên nước, khu vui chơi, bảo tàng tranh 3D... Thời gian ngồi xe ô tô mỗi chiều từ 3 - 5 tiếng do bị tắc đường cũng gây mệt mỏi.

TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Internet

TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Internet

“Tôi thà cho con ở nhà rồi ra bãi giữa sông Hồng hoặc lên núi Hàm Lợn ở Sóc Sơn để cắm trại, nướng đồ ăn và trải nghiệm cảm giác hòa mình với thiên nhiên ngay tại Hà Nội.

Hoạt động này vừa mang ý nghĩa gắn kết tình cảm gia đình lại thúc đẩy tính tự lập của con. Đằng này, đi tham quan trải nghiệm vừa tốn tiền, thời gian mà không thu nhận thêm kỹ năng nào. Các công ty du lịch tổ chức hoạt động từ A - Z nên học sinh gần như thụ động, không phải làm gì”, chị Hương nói.

Giữa tháng 10 vừa qua, một số phụ huynh có con học tại Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi nhận thông báo nộp số tiền hơn 1 triệu đồng để con học tập ngoại khóa ở Mộc Châu (tỉnh Sơn La) trong 2 ngày 1 đêm. Trả lời vấn đề này, thầy Ngô Văn Nghĩa – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, kế hoạch cho học sinh khối 11 đi Mộc Châu chỉ là hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Các em tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhà trường không ép buộc.

Đi xa mới là trải nghiệm?

ThS Trần Trung Hiếu – giáo viên môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An) cho rằng, không nên tổ chức trải nghiệm xa với lứa tuổi học sinh phổ thông vì dễ biến tướng sang du lịch. Và nếu cần nhiều thời gian, sẽ ảnh hưởng tới việc dạy học môn khác trong năm học. Thứ hai, chi phí nhiều, gánh nặng đẩy về phía phụ huynh. Đó là chưa kể, vấn đề an toàn giao thông trên đường khó đảm bảo vì số lượng người và xe lớn.

“Trong không gian thành phố Vinh và vùng phụ cận đủ giúp học sinh cảm nhận rõ giá trị của di tích lịch sử, văn hóa. Các địa điểm nổi tiếng trên địa bàn như Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Quân khu 4, Làng Sen quê Bác, Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở Nam Đàn, Truông Bồn ở Đô Lương, Đền Cuông ở Diễn Châu... là những chứng tích lịch sử mang ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước đáng để học sinh tới trải nghiệm, học tập”, thầy Hiếu nói.

Dưới góc độ chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, nhiều năm nay tình trạng các trường phổ thông tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm khá phổ biến. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động này thế nào, chất lượng chuyến đi ra sao thì không phải ai cũng biết.

Vị chuyên gia chỉ rõ, không ít trường lấy Hoạt động trải nghiệm trong Chương trình GDPT 2018 làm “cớ” tổ chức cho học sinh tham quan và thu phí với sự tham gia của các công ty về du lịch, lữ hành. Nếu là học tập trải nghiệm, nhất thiết phải có chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Nếu không có các điều kiện trên chuyến đi đó đơn thuần là tham quan, em nào thích đi thì đăng ký và ngược lại.

Chúng ta cần tách bạch giữa “tham quan” và “trải nghiệm” chứ không thể đánh tráo khái niệm. Nếu là trải nghiệm thì trải nghiệm môn học, nội dung gì ? Được thể hiện qua phương pháp/kỹ thuật dạy học, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá ra sao? Học sinh không tham gia có cách gì bù đắp kiến thức thiếu hụt?

“Mỗi nhà trường cần có kế hoạch rõ ràng nếu muốn tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm cho học sinh. Tùy vào nội dung mà chọn địa điểm phù hợp. Nếu muốn trải nghiệm về thiên nhiên hay văn hóa dân tộc Việt Nam, học sinh Hà Nội không cần đi đâu xa mà có thể lên Ba Vì, Quốc Oai hay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại quận Cầu Giấy. Do đó, đi gần hay xa không quan trọng, cái chính là các em được trải nghiệm gì, ý nghĩa ra sao và phải đảm bảo an toàn”, TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm.

Theo ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Thủ đô Hà Nội có nhiều di tích lịch sử văn hóa, không chỉ người dân cả nước mà cả du khách nước ngoài cũng muốn đến tham quan, tìm hiểu. Học sinh Hà Nội không cần phải đi đâu xa. Các nhà trường chỉ cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý di tích trên địa bàn thành phố là có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm, học tập bổ ích, lý thú, hiệu quả cho học sinh.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-tach-bach-giua-tham-quan-va-trai-nghiem-post660530.html