Cần tầm nhìn cho thành phố cảng Sài Gòn

Với lợi thế có được của sông Sài Gòn, Sài Gòn-TPHCM trở thành và được xem là thành phố cảng sầm uất bậc nhất của cả nước trong quá khứ lẫn hiện tại. Tuy nhiên, danh vị đó có nguy cơ bị lung lay nếu trong tương lai có những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn được xây dựng với tĩnh không quá thấp, cản trở tàu thuyền qua lại.

Nguy cơ chặt đứt không gian phát triển

Đầu tháng 8/2023, Sở Giao thông-Vận tải TPHCM công bố báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4. Theo đó, cầu Thủ Thiêm 4 có 5 phương án thiết kế, trong đó 3 phương án hướng tới chiều cao tĩnh không chỉ 10 m. Dù mới chỉ là báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhưng nó đã gieo nỗi bất an cho những người yêu dòng sông Sài Gòn và cả những nhà đầu tư, làm ăn có liên quan đến dòng sông. Bởi nếu làm cầu Thủ Thiêm 4 được lựa chọn với phương án tĩnh không chỉ 10 m, cây cầu sẽ chặt đứt không gian phát triển sông Sài Gòn, cản đường phát triển của TPHCM.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải TPHCM cho biết, hiện nay có điều rất thuận lợi là đang lập quy hoạch TPHCM. Ngoài ra, Nghị quyết 98 đã giao quyền cho TPHCM được phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Cầu Thủ Thiêm 4 hiện trong giai đoạn nghiên cứu đánh giá. Trong quá trình này, nếu dự án phát sinh những yếu tố lợi thế thì sẽ nghiên cứu điều chỉnh. “Câu chuyện tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 thì về kỹ thuật là không khó và chi phí cũng không phải là yếu tố cản trở để phát triển du lịch. Chúng tôi cũng nghiên cứu cả phương án hầm. Giao thông phải phục vụ và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của TPHCM”, ông Lâm nói.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nước ta chỉ có 5 thành phố được coi là “thành phố cảng”, gồm TPHCM, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Đà Nẵng và Hải Phòng. Thành phố cảng là những đô thị mà yếu tố “cảng” không những từng là cội nguồn lịch sử hình thành mà còn là động lực cho sự phát triển của đô thị ấy. Theo thời gian, du lịch và văn hóa phát triển sẽ đòi hỏi phải khai thác tối đa những di sản vật thể và phi vật thể về giá trị một thành phố cảng mang tính kinh điển của Sài Gòn nay đã mang tên TPHCM. Trong đó, trung tâm mang tính tiêu biểu của thành phố cảng Sài Gòn là không gian từ quận 4 qua quận 1 gắn với bến Nhà Rồng, Cột cờ Thủ Ngữ cho đến bến Bạch Đằng.

Cầu Thủ Thiêm 2 vừa được đổi tên thành cầu Ba Son có độ tĩnh không thấp khiến tàu thuyền khó qua lại. Ảnh: Phạm Nguyễn

Cầu Thủ Thiêm 2 vừa được đổi tên thành cầu Ba Son có độ tĩnh không thấp khiến tàu thuyền khó qua lại. Ảnh: Phạm Nguyễn

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, dù không gian của cảng Sài Gòn-TPHCM ngày nay đã vươn ra rất xa và chiếm lĩnh những không gian rất rộng lớn, nhưng hình ảnh thiếu vắng cảnh thuyền bè tấp nập, trên bến dưới thuyền thì thương hiệu "thành phố cảng Sài Gòn" với bề dày hơn một thế kỷ rưỡi tồn tại cho đến nay sẽ phai nhạt và có khi không còn nữa.

Hệ trọng hơn hết là dòng sông Sài Gòn đi sâu vào trong lòng thành phố cũng có nguy cơ bị đứt đoạn nếu không quan tâm đến độ tĩnh không của các cây cầu sẽ xây như Thủ Thiêm 3, 4 và cầu bộ hành. Nếu chỉ coi là công trình giao thông đường bộ nội đô thì cũng có nghĩa là khai tử không gian lõi cũng như danh vị thành phố cảng.

“Do vậy muốn bảo vệ danh xưng “thành phố cảng Sài Gòn” cho TPHCM thì trước tiên phải bảo vệ chính không gian lõi của cảng Sài Gòn trong lịch sử và con sông Sài Gòn dẫn tàu bè vào sát trung tâm thành phố, cũng có nghĩa là không có chướng ngại nào trên dòng sông ấy...”, ông Quốc nói.

Tàu thuyền di chuyển trên sông Sài Gòn Ảnh: N.D

Tàu thuyền di chuyển trên sông Sài Gòn Ảnh: N.D

Làm ăn trên dòng sông Sài Gòn gần 20 năm nay, cứ nghe đến việc Nhà nước chuẩn bị xây cầu là ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương lại "sởn da gà". “Cầu Thủ Thiêm 1, 2 xây xong thì thuyền buồm của tôi hết đường đi lên cầu Sài Gòn. Gần đây khi nghe chuẩn bị xây cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không thấp, tôi thật sự mất ăn mất ngủ...”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cho biết thêm, Thuyền buồm Đông Dương có những cột buồm cao, nên khi TPHCM xây cầu Thủ Thiêm 1 và 2, ông đành phải hạ thấp cột buồm xuống. Việc hạ cột buồm khiến kết cấu tàu không hài hòa, nhìn không đẹp. Làm du lịch mình phải có những con tàu đẹp. Trong tương lai, khi đất nước phát triển lên, tàu không những đẹp mà còn phải to. Nhưng cầu cứ xây thấp, độ tĩnh không 10 m thì không ai dám mua tàu to...

“Nếu thành phố xây cầu tĩnh không thấp, một là chúng tôi cưa mấy cột buồm đi, chờ nước thủy triều xuống rồi chui qua, vài ba năm nữa tàu hết hạn sử dụng thì bán ve chai. Để phát triển thành phố mà lại làm những công trình mang tác dụng ngược cho sự phát triển thì tôi thấy sẽ có tội với hậu thế”, ông Lâm nói.

Để cầu nối những bờ vai

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn cho rằng, những thành phố có cảng và sông mà tàu dài hơn 200m có thể đi sâu vào tận trung tâm như TPHCM là hiếm vô cùng và nhiều nơi thèm khát. Do đó, ông Xuân Anh kiến nghị TPHCM cần phải tính toán kỹ phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, bởi lựa chọn phương án thiết kế xây dựng sai sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải, du lịch trên sông. “Chỉ cần một cây cầu sai, nó sẽ xóa sổ tất cả quá khứ, lịch sử, văn minh Nam bộ”, ông Xuân Anh cảnh báo.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cũng cho rằng, cảng Sài Gòn sẽ tạo ra cơ hội để TPHCM có thể đón khách bằng tàu du lịch với số lượng cao gấp 10 lần số lượng khách của máy bay. Du lịch biển tiếp cận được vào trung tâm thành phố là một lợi thế không phải thành phố nào cũng có được.

“Chúng ta không thể giải thích được lý do vì sao cầu Phú Mỹ có tĩnh không 45 m mà tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 lại dự kiến chỉ có 10 m. Nâng tĩnh không cầu sẽ tăng chi phí hiện tại, nhưng sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu nhìn vào tương lai. Chúng tôi thực sự mong muốn thành phố tính toán lại để không đánh mất lợi thế quan trọng này”, ông Kỳ bày tỏ.

Cho rằng cần nhìn vấn đề lớn hơn câu chuyện tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4, KTS. BịNgô Viết Nam Sơn chia sẻ kinh nghiệm bản thân có được khi tham gia quy hoạch đô thị Thượng Hải (Trung Quốc).

“Trước đó, có hàng chục bản thiết quy hoạch Thượng Hải nhưng không thuyết phục được chủ nhà. Năm 1997, khi tham gia thiết kế quy hoạch thành phố này, chúng tôi đặt vấn đề về việc kết nối hai bờ Đông-Tây, trong đó thiết kế những cây cầu, đường hầm kết nối. Từ thời điểm đó trở đi, sau hai thập niên, chúng ta thấy hình ảnh của phố Đông Thượng Hải thay đổi như ngày nay”, ông Sơn nói.

Chuyện tĩnh không cầu bao nhiêu, theo ông Sơn là phải nằm trong tư duy quy hoạch và quy hoạch này phải tiếp cận từ góc độ kinh tế đô thị để làm sao đạt được các yếu tố du lịch, đô thị, cảnh quan, phát triển các khu đô thị... Cầu Thủ Thiêm 4 dựa trên một đề xuất thời điểm lập quy hoạch Thủ Thiêm từ 20 năm trước là có cầu Thủ Thiêm 1, 2, 3, 4 và cầu đi bộ, hầm Thủ Thiêm. Hiện nay chúng ta đứng trước một cơ hội rất lớn, là với Luật Quy hoạch mới, TPHCM đang bắt đầu làm lại quy hoạch. “Tôi rất hi vọng TPHCM sẽ đặt lại vấn đề quy hoạch cây cầu Thủ Thiêm 4, không chỉ là vấn đề tĩnh không, mà cả vị trí, hướng tuyến và cách bố trí ở hai đầu cầu như thế nào. Lúc này, cách đặt vấn đề không chỉ là một cây cầu nối hai bên bờ sông nữa mà phải coi đây là cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho thành phố, không chỉ mỗi khu trung tâm”, ông Sơn nhận định.

DUY QUANG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-tam-nhin-cho-thanh-pho-cang-sai-gon-post1564900.tpo