Cần tầm nhìn dài hạn trong lập Chương trình xây dựng pháp luật

Sáng 30.5, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Đề nghị bổ sung 8 dự án luật vào Chương trình năm 2024

Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 19 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 1 pháp lệnh, 7 nghị quyết, đưa tổng số văn bản lập pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 32 luật, 4 pháp lệnh và 59 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Về dự kiến Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình năm 2024, đó là bổ sung 8 dự án luật vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín; bổ sung 2 dự án Pháp lệnh; trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụngdự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào Chương trình năm 2024 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ảnh: Lâm Hiển

Về Chương trình năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín đối với 12 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười đối với 10 dự án luật; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ và các cơ quan có liên quan xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc kiến nghị bổ sung các dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười.

Tránh tình trạng văn bản quy phạm pháp luật vừa ra đời đã phải sửa đổi

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho rằng, những dự án, pháp lệnh được bổ sung đều là cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với đời sống cử tri và Nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, nhìn vào đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các năm trước đây, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, một hạn chế được đề cập nhiều lần là tính "gối đầu" của Chương trình cho năm tiếp theo rất thấp, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng pháp luật còn lớn.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

“Bên cạnh việc thể hiện sự linh hoạt trong phản ứng chính sách, nhanh chóng điều chỉnh Chương trình nhằm hoàn thiện thể chế, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi từ thay đổi của tình hình thực tiễn, thì cũng cho thấy tính dự báo của Chương trình chưa cao”. Nêu rõ điều này, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn, trong lập, xây dựng Chương trình cần có tầm nhìn dài hạn hơn.

Với yêu cầu đặt ra phải nghiêm túc quán triệt các quan điểm, định hướng trong công tác lập pháp, nhiều đại biểu đề nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn hoặc để thực hiện yêu cầu trong nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng mới được ban hành chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, không xem xét đối với các dự án không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng theo quy định. Qua đó, nhằm tránh tình trạng văn bản quy phạm pháp luật vừa ra đời chưa kịp thực thi đã phải sửa đổi.

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì các dự án luật, pháp lệnh kịp thời thông tin đến các cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi về tình hình chuẩn bị dự án, những vấn đề lớn đang đặt ra; khả năng đáp ứng tiến độ… để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác lập pháp thời gian tới.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến thiết thực, phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả tồn tại, hạn chế nguyên nhân trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp tục khẩn trương quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác xây dựng pháp luật bảo đảm chất lượng, tiến độ.

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/can-tam-nhin-dai-han-trong-lap-chuong-trinh-xay-dung-phap-luat-i373362/