Cần tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích

Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2013/ NQ-HĐND về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2013 - 2020 (Nghị quyết 17). Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, việc thực hiện Nghị quyết 17 vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thực tế này đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa các nguồn lực đầu tư.

 Di tích Thành Cổ Quảng Trị là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, thu hút đông đảo khách du lịch đến với Quảng Trị - Ảnh: H.T

Di tích Thành Cổ Quảng Trị là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, thu hút đông đảo khách du lịch đến với Quảng Trị - Ảnh: H.T

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về các di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là các di tích, cụm di tích đã được xếp hạng quốc gia, di tích cấp tỉnh... Qua đó, vừa giới thiệu với du khách gần xa hiểu hơn lịch sử, văn hóa của tỉnh, vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và Nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ di tích. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 524 di tích, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 473 di tích cấp tỉnh. Do được xây dựng từ nhiều năm, tồn tại trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mặt khác hầu hết di tích đều bị chiến tranh tàn phá, tồn tại dưới dạng phế tích nên số lượng di tích phải tu bổ, sửa chữa hằng năm ngày càng tăng, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế nên công tác này gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nhằm bảo tồn, chống xuống cấp các di tích, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 17. Để thực hiện, UBND tỉnh đã bố trí ngân sách kết hợp với kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa để đầu tư cho công tác tôn tạo, tu bổ các di tích. Tuy vậy, nguồn lực đầu tư này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, công tác thiết kế, thi công tu bổ di tích là công việc mang tích đặc thù, đòi hỏi giữ gìn nguyên vẹn các yếu tố gốc cấu thành di tích nên cần nhiều thời gian. Hiện nay, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh vẫn chưa được lập quy hoạch dẫn đến khó khăn trong lập dự án bảo tồn, tôn tạo và kêu gọi đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Từ năm 2015 đến nay, do nguồn vốn đầu tư công hạn chế, hầu hết dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt đều phải tạm dừng.

Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đã trực tiếp khảo sát một số điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội nhận thấy công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý, trùng tu, tôn tạo và nâng cấp các di tích thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 17. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghị quyết này của HĐND tỉnh có mục tiêu đến năm 2015 có 100% di tích lịch sử, văn hóa được kiểm kê, hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới, khoanh vùng bảo vệ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến nay vẫn chưa thực hiện được; mục tiêu đến năm 2020, 100% di tích cấp tỉnh hoàn thành việc xây dựng bia, biển nhưng hiện tại chỉ có 74/475 di tích được thực hiện. Đối với mục tiêu hoàn thành việc quy hoạch, đầu tư tôn tạo các hạng mục còn lại của các di tích quan trọng như Thành Cổ Quảng Trị, Nhà đày Lao Bảo, Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Căn cứ Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Mc Namara… trong giai đoạn 2013 - 2020 được xác định bố trí tổng số vốn đầu tư để trùng tu, tôn tạo trên 75 tỉ đồng nhưng cũng chỉ mới đầu tư hoàn thành được giai đoạn 1, giai đoạn 2 chưa được bố trí vốn đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, khai thác và chống xuống cấp.

“Mặc dù Nghị quyết 17 đã hết thời hạn thi hành, tuy nhiên, các mục tiêu của nghị quyết này vẫn còn mang ý nghĩa thực tiễn cao và cần thiết được tiếp tục triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, HĐND tỉnh cần quan tâm kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết với những mục tiêu hợp lý, khả thi”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Văn Bình cho biết.

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý nhà nước, xây dựng quy chế quản lý di tích lịch sử, văn hóa; tích cực kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, từng bước nâng cấp điểm di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh nhằm tạo sự gắn kết giữa bảo tồn phát huy di sản lịch sử, văn hóa với phát triển du lịch.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154559