Cần tăng cường quản lý an toàn kết cấu công trình

Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn tại các công trình xây dựng, gây hậu quả nặng về người và tài sản. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc, cần chú trọng đánh giá định kỳ an toàn kết cấu công trình trong quá trình khai thác và sử dụng.

Tối 20/4, sự cố vỡ kính tại cửa hàng The Coffee House Thái Hà (Hà Nội) khiến 01 nữ bác sĩ bị chấn thương nặng. (Ảnh: MXH)

Tối 20/4, sự cố vỡ kính tại cửa hàng The Coffee House Thái Hà (Hà Nội) khiến 01 nữ bác sĩ bị chấn thương nặng. (Ảnh: MXH)

Nỗi lo mất an toàn vẫn hiện hữu

Trận giông lốc kèm mưa lớn vào tối ngày 20/4 tại tòa nhà Việt Tower, số 1 Thái Hà, nơi The Coffee House thuê mở địa điểm kinh doanh đã khiến một người bị thương nặng. Nạn nhân là một nữ bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Hà Nội bị kính rơi trúng người dẫn đến thương tích nặng vỡ nhiều thân đốt sống, tổn thương tủy sống, hai chân có nguy cơ liệt hoàn toàn, gãy nhiều xương sườn gây chấn thương ngực kín, tràn máu, tràn khí màng phổi, chấn thương gan độ 4, chấn thương lách độ 2.

Theo phân tích của kiến trúc sư, điểm yếu nhất của kính cường lực là các cạnh viền xung quanh, đặc biệt là các góc khi chịu va đập. Quá trình thi công có thể kính bị lắp lệch lạc, kính xệ xuống. Phụ kiện chèn đệm kính khi lắp không đạt yêu cầu... Khi có tải trọng gió, kính cường lực trong khung có độ đàn hồi kém tạo áp lực căng trên bề mặt kính, làm chuyển vị kính trong khung, khi đó mép và góc kính trong khung bị va đập, o ép, cộng với chất lượng kính thấp dẫn đến sự cố nứt vỡ hay phát nổ là tất yếu.

Hay sự việc diễn ra vào chiều 3/6, tại thôn Vân Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), khi các em nhỏ đang biểu diễn trên sân khấu, phần tường bao trên mái hiên có chiều dài khoảng 10m, cao khoảng 40cm, bất ngờ đổ sập xuống vị trí biểu diễn của 14 em học sinh, khiến cho 6 em bị thương phải đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ cấp cứu. May mắn là các em chỉ bị thương nhẹ.

Bên cạnh đó, những công trình đang trong quá trình cải tạo, sửa chữa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn chịu lực, kết cấu. Cụ thể như: Sáng 15/4, tại ngõ Tức Mạc (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) đã xảy ra một vụ sập mái kính giếng trời tại một công trình đang tu sửa cao 7 tầng, vụ việc đã khiến 2 người tử vong, 2 người khác bị thương.

Theo thông tin của UBND quận Hoàn Kiếm, ngôi nhà xảy ra sự việc là nhà dạng ống, 7 tầng, có diện tích 148m2, chủ đầu tư tự thuê thợ vào sửa chữa mái kính tại khu vực giếng trời có diện tích 18m2.

Vụ tai nạn có thiệt hại về người (đều là thợ sửa chữa): 02 người tử vong (N.V.T, 23 tuổi, quê quán: Hà Nội; H.V.B, 32 tuổi, quê quán: Kiên Giang); và 02 người bị thương đã điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức.

Hiện trường vụ sập mái nhà kính làm 4 người thương vong tại ngõ Tức Mạc.

Hiện trường vụ sập mái nhà kính làm 4 người thương vong tại ngõ Tức Mạc.

Cần những giải pháp đảm bảo an toàn kết cấu công trình

Những sự cố liên tiếp về công trình trong thời gian qua là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương và chính người dân trong việc đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác và sử dụng, trong đó, việc hoàn thiện các quy định về giám định công trình là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, PGS.TS Phạm Phú Tình – Trưởng Bộ môn Kết cấu bê tông cốt thép và gạch đá (Khoa Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết: Để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng cho các công trình, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-BXD, trong đó quy định thời điểm công trình được đánh giá an toàn lần đầu là 10 năm kể từ khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng, và sau đó thực hiện theo tần suất 5 năm/lần. Sắp tới, theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Quy trình hướng dẫn đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng.

PGS.TS Phạm Phú Tình, đồng tác giả đề tài “Hướng dẫn đánh giá an toàn kết cấu công trình trong quá trình khai thác sử dụng”.

PGS.TS Phạm Phú Tình, đồng tác giả đề tài “Hướng dẫn đánh giá an toàn kết cấu công trình trong quá trình khai thác sử dụng”.

Về việc khắc phục những sự cố về công trình trong thời gian qua, PGS.TS Phạm Phú Tình chia sẻ: Quy trình đánh giá an toàn kết cấu công trình trong quá trình khai thác sử dụng bao gồm ba phần, phần một là quy định chung, phần hai là quy trình đánh giá an toàn chịu lực công trình và phần ba là quy trình kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo an toàn vận hành, khai thác công trình. Các sự việc liên quan đến rơi kính, thiết bị treo (như sự cố tại The Coffee House) thuộc phần ba trong quy trình, trong quá trình kiểm tra định kỳ, nếu phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn sử dụng, sẽ có các biện pháp khắc phục kịp thời, tránh được những trường hợp đáng tiếc. Còn đối với những sự cố đổ, sập công trình hay bộ phận công trình, thì sẽ liên quan đến phần hai của quy trình, là đánh giá an toàn chịu lực, hay còn gọi là đánh giá an toàn kết cấu. Trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ, nếu phát hiện các nghi ngờ về mất an toàn chịu lực, người đánh giá sẽ đề xuất đánh giá an toàn kết cấu đầy đủ. Dựa trên kết quả đánh giá an toàn kết cấu đầy đủ, sẽ có các biện pháp tương ứng. Cùng với đó, để tránh được những sự cố đáng tiếc trong quá trình thi công, phá dỡ thì khi phá dỡ một công trình hay bộ phận công trình, cần phải thiết kế và thẩm tra biện pháp phá dỡ.

Hoàn thiện thể chế về giám định công trình

Trong những năm qua, Bộ Xây dựng và các đơn vị chuyên môn đã thường xuyên nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật, hành lang kỹ thuật để kiểm soát, đảm bảo chất lượng công trình trong quá trình khai thác sử dụng. Tuy nhiên, các quy định về giám định các công trình xây dựng đã được ban hành cách đây 10 năm, tồn tại nhiều khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.

Trước năm 2014, pháp luật về xây dựng không có quy định cụ thể về việc đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng; chủ yếu là các quy định liên quan đến công tác bảo trì công trình. Từ khi Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn Luật được ban hành đã có các quy định về công tác đánh giá an toàn công trình.

Năm 2016, sau một số sự cố sập đổ công trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại các đô thị trên phạm vi cả nước. Để phục vụ việc đánh giá an toàn chịu lực cho các công trình này, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy trình đánh giá an toàn kết cầu nhà ở và công trình công cộng kèm theo Quyết định số 681/QĐ- BXD ngày 12/7/2016.

Thực tế, việc đánh giá an toàn công trình trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do: Chưa có quy định chi tiết về đối tượng, nội dung, tần suất đánh giá và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các nghiên cứu chuyên sâu có liên quan để phục vụ cho công tác này còn hạn chế; Các công trình cũ đã xuống, cấp, bị cơi nới, cải tạo, thay đổi công năng thiếu hồ sơ, thông tin quan trọng liên quan đến các thông số đánh giá.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật với các quy định chi tiết vể việc đánh giá an toàn công trình, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 (Luật số 62/2020/QH14); Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Nghị định số 06/2021/NĐ; Thông tư số 10/2021/TT-BXD ngày 25/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Với sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, việc hoàn thiện thể chế về giám định công trình nói chung và đảm bảo an toàn kết cấu công trình nói riêng sẽ gia tăng “sức nặng” về pháp lý, giúp các công trình được quản lý, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, qua đó giảm thiểu những tai nạn về công trình xây dựng không đáng có.

Tuấn Nghĩa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/can-tang-cuong-quan-ly-an-toan-ket-cau-cong-trinh-377520.html