Cần tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chuyên môn đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các cơ sở giết mổ, tuy vậy, việc quản lý hoạt động của các cơ sở này còn hạn chế, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn vi phạm về các quy định trong quá trình hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố Lạng Sơn có trên 80 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tuy vậy, trung tâm chỉ quản lý thường xuyên được 10 cơ sở. Nguyên nhân là đa số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, vừa giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà, vừa tự bán thịt tại các chợ. Trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác kiểm soát của trung tâm quá thiếu nên chỉ kiểm phẩm, đóng dấu kiểm dịch sản phẩm thịt tại các chợ trước khi sản phẩm được lưu thông chứ chưa quản lý được tất cả các cở sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Tại huyện Cao Lộc cũng vậy, hiện trên địa bàn huyện có gần 50 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng ngành chức năng cũng chỉ kiểm soát thường xuyên được 6 cơ sở. Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc chia sẻ: Hiện Trung tâm chỉ có 4 cán bộ phụ trách lĩnh vực thú y, trong khi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác ở nhiều xã và trên địa bàn thị trấn, đồng thời các cơ sở này lại thường hoạt động từ đêm đến rạng sáng nên khó thực hiện kiểm tra, kiểm soát.
Ngoài 2 địa bàn trên, ở tất các huyện khác cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Công tác quản lý khó khăn dẫn đến các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có nhiều vi phạm trong hoạt động giết mổ. Cụ thể, trong đợt kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện các quy định của các cơ sở kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm trong tháng 4/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện kiểm tra 27 cơ sở giết mổ tại địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định, Văn Quan. Qua kiểm tra cho thấy, 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều không có giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y do cơ quan chuyên ngành cấp. Ngoài ra, có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vi phạm các lỗi khác như: không có giấy khám sức khỏe định kỳ cho người tham gia giết mổ, sơ chế, chế biến động vật; thiếu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định; không có sổ sách ghi chép, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
Thực tế, qua công tác kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều có diện tích nhỏ không đảm bảo theo quy định; chung đường nhập động vật sống và sau giết mổ; nguồn nước, nơi nhốt giữ động vật trước khi giết mổ, khu vực giết mổ, hệ thống xử lý nước thải đều không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y… Điển hình như kiểm tra tại khu vực buôn bán gia cầm tại chợ Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn), khu buôn bán có gần 20 chủ cửa hàng bán gia cầm kiêm dịch vụ giết mổ. Các chủ hàng đều tận dụng khu bán hàng khoảng 10m2 để thực hiện giết mổ gia cầm, mỗi điểm có một nồi nước sôi dùng chung để nhúng cho hàng trăm con gia cầm và một chiếc chậu để làm lông. Việc giết mổ lại sát ngay gần khu bán hàng, nước thải xả ra cả khu vực chợ… tất cả các điểm này đều không có giấy phép hoạt động giết mổ.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Theo quy định, bên cạnh nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ nông nghiệp, việc quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đã được phân cấp cho UBND xã, phường, thị trấn. Nhưng trên thực tế, một số chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong công tác quản lý hoạt động giết mổ trên địa bàn được giao. Nguyên nhân chính là hiện nay các phường, xã, thị trấn chưa phân rõ cán bộ chuyên trách lĩnh vực, chỉ cắt cử 1 cán bộ kiêm trách. Bên cạnh đó, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thiếu cán bộ phụ trách lĩnh vực thú y nên hoạt động kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của gia súc, gia cầm trước khi đưa vào các cơ sở giết mổ gặp nhiều khó khăn. Hiện việc kiểm soát giết mổ phần lớn là thực hiện ở “ngọn” – tức là chỉ kiểm tra đối với sản phẩm gia súc, gia cầm bày bán tại các chợ. Chính những hạn chế này khiến tỷ lệ kiểm tra hoạt động tại các cơ sở giết mổ, gia súc gia cầm thực tế chỉ được khoảng 10% trong tổng số cơ sở đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, sở sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố về việc đẩy mạnh hoạt động quản lý, giám sát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định, yêu cầu đối với hoạt động giết mổ cho các chủ cơ sở; yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành việc giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;…
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về lâu dài, các ngành liên quan và chính quyền các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch khu giết mổ tập trung để thực hiện mời gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung; xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở giết mổ tập trung với hộ chăn nuôi quy mô lớn để tạo liên kết từ chăn nuôi – giết mổ – tiêu thụ sản phẩm.
Thực tế cho thấy, việc quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay khá lỏng lẻo. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành chức năng cần nhanh chóng thực hiện những giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.