Cần tăng mức xử lý vi phạm, phạt tù tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng

Chuyên gia cho rằng sau 3 năm thực thi Nghị định 100, đã tới lúc cơ quan chức năng tính tới tăng mức phạt đối với lái xe có nồng độ cồn, đặc biệt là vi phạm vượt ngưỡng kịch khung.

15h ngày 29 tháng Chạp (20/1), hàng triệu người trên đường rời thành phố để trở về nhà đón Tết sau buổi làm việc cuối cùng. Cùng lúc đó, 8 người trên 6 xe máy đi trên đường Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) đã phải nhập viện sau cú tông trực diện của chiếc Toyota Vios đi hướng ngược lại.

Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện nam tài xế là T.M.Đ. (sinh năm 1987, ở Hà Đông, Hà Nội) đã cầm lái chiếc xe khi trong người có nồng độ cồn ở mức 0,404 mg/l khí thở. Đây là mức vi phạm vượt qua mức xử lý kịch khung quy định tại Nghị định 100 (0,4 mg).

Trong năm qua, không khó để thấy tài xế có nồng độ cồn vượt mức kịch khung trong những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, tông liên hoàn. Thậm chí vụ xe Audi tông tử vong 3 người ở Bắc Giang hôm 2/6/2022, tài xế ôtô có nồng độ cồn gấp 1,5 lần mức kịch khung (0,604 mg/l khí thở); hay vụ xe bán tải tông chết 3 người ở Đà Nẵng ngày 19/12/2022, nam tài xế thậm chí còn có mức vi phạm là 1,288 mg/l khí thở, gấp mức kịch khung tới 3,2 lần.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cơ quan quản lý cần rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn đối với vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, thậm chí có thể xử lý hình sự, ngay cả khi chưa xảy ra tai nạn.

Tài xế xe Vios có nồng độ cồn vượt mức kịch khung (0,404 mg/l khí thở) tông 8 người bị thương hôm 29 Tết. Ảnh: D.H.

Không để người uống 4 cốc bia cùng mức phạt với người uống 40 cốc

Theo thống kê trong 15 ngày xử lý cao điểm nồng độ cồn của Cục CSGT, trong tổng số hơn 24.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện thì có khoảng gần 7.900 trường hợp có mức vi phạm vượt quá 0,4 mg/l khí thở (chiếm khoảng 33%).

Nghị định 100 - văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng hiện hành, quy định 3 mức xử lý đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn lần lượt là: Dưới 0,25 mg/l khí thở; 0,25-0,4 mg/l khí thở và trên 0,4 mg/l khí thở. Tức là người vi phạm từ 0,4 mg/l khí thở trở lên sẽ chung một mức phạt dù nồng độ cồn có cao đến mấy.

Là chuyên gia có nhiều trăn trở về hành vi vi phạm nguy hiểm này, tiến sĩ Lê Thu Huyền (Đại học Giao thông Vận tải) cho biết số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia ở Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ khoảng 36%, cao hơn thế giới (11-25%). Con số này bao gồm cả nguyên nhân trực tiếp và những nguyên nhân gián tiếp có liên quan đến nồng độ cồn.

Đề ra giải pháp, nữ tiến sĩ cho rằng cần đa dạng hình thức xử phạt để tăng tính răn đe. Trong đó, cần những quy định xử phạt cho mức trên 0,4 mg/l khí thở và chia cụ thể thành từng khung như: 0,4-0,8 mg/l khí thở, 0,8-1,2 mg/l khí thở và trên 1,2 mg/l khí thở. Không để tình trạng người uống 4 cốc bia cùng mức phạt với người uống 40 cốc.

Mức xử phạt cũng được kiến nghị đa dạng hóa hình thức như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm, tạm giữ xe… “Nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng nên xem xét phạt tù”, bà Huyền đề xuất và cho rằng việc kéo giảm tài xế có nồng độ cồn hiệu quả sẽ giúp giảm 5-15% số vụ tai nạn và người thiệt mạng.

 Chiếc Audi biến dạng sau cú tông làm 3 người chết ở Bắc Giang. Ảnh: H.Q.

Chiếc Audi biến dạng sau cú tông làm 3 người chết ở Bắc Giang. Ảnh: H.Q.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Chiến, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng không thể phủ nhận hiệu quả của Nghị định 100 trong việc kéo giảm vi phạm và tai nạn liên quan đến nồng độ cồn. Đây là hình thức răn đe tỏ ra hiệu quả khi bước đầu người dân đã hình thành thói quen không lái xe khi đã uống bia, rượu. Đồng thời, giai đoạn 2020-2022, thống kê về tai nạn liên tiếp giảm sâu.

Tuy nhiên, ông Chiến cũng nêu lại vụ lái xe bán tải có nồng độ cồn 1,288 mg/l khí thở (gấp 3,2 lần mức kịch khung) tông chết 3 người ở Đà Nẵng hôm 19/12/2022 và cho rằng việc gom chung người trên 0,4 mg/l khí thở vào một mức phạt như hiện nay là không thuyết phục, thiếu tính răn đe và tiềm ẩn nguy cơ gây nhờn luật. Do vậy, cần có cơ chế xử lý nặng hơn để răn đe, đặc biệt trong bối cảnh Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi đã cho phép mức phạt tối đa cho cá nhân trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên tới 75 triệu đồng.

“Các văn bản dưới luật như nghị định cần điều chỉnh kịp thời nếu thực tế đời sống phát sinh những hành vi nguy hiểm”, luật sư Chiến đề xuất.

Cần phạt tù tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao

Qua phân tích sự điều chỉnh hành vi tài xế, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, cho biết sau một thời gian triển khai quy định pháp luật cùng các biện pháp về tuyên truyền, mức độ răn đe của hình thức xử phạt sẽ giảm xuống. “Theo nguyên tắc chung về tâm lý xã hội, giai đoạn đầu của quy định pháp lý, người dân sẽ quan tâm và cố gắng tuân thủ. Theo thời gian, hành vi của họ sẽ có điều chỉnh và có xu hướng vi phạm trở lại”, ông Tuấn nói.

Để khắc phục điều này, vị chuyên gia cho rằng sẽ có 2 lộ trình tiếp cận. Thứ nhất, mức xử phạt vẫn được giữ nguyên nhưng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát vi phạm và khi đã phát hiện vi phạm, cần xử lý nghiêm khắc và công minh. Cơ quan thực thi cũng cần tránh việc xử lý rầm rộ sau đó lại lơ là, khi tài xế phát hiện tần suất xử phạt không được như trước, họ chắc chắn sẽ có xu hướng tái vi phạm.

Đồng thời với cách tiếp cận thứ nhất, cơ quan quản lý có thể tính đến việc tăng mức phạt hoặc đa dạng các biện pháp xử phạt vi phạm.

“Tôi lấy ví dụ những trường hợp vi phạm nồng độ cao, ngoài phạt tiền có thể lao động công ích hoặc có thể tính tới việc hình sự hóa hành vi nguy hiểm này”, ông Tuấn đề xuất và cho biết theo kinh nghiệm của các nước, mức vi phạm từ 0,6 mg/l khí thở đến 0,8 mg/l khí thở trở lên là đủ để xử lý hình sự. Các tài xế vi phạm ở mức này là mối nguy hiểm rất lớn cho cộng đồng bởi họ hoàn toàn không đủ tỉnh táo để nhận thức và xử lý tình huống khi lái xe.

 Cảnh sát kiểm soát nồng độ cồn xuyên Tết ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Quang.

Cảnh sát kiểm soát nồng độ cồn xuyên Tết ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Quang.

Tại Việt Nam hiện nay, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn cho rằng sau một thời gian đánh giá, nếu vi phạm vẫn tiếp tục leo thang cần chuyển hướng sang xử lý hình sự. “Người đi ôtô có thể dễ dàng chi vài chục triệu đồng để nộp phạt nếu vi phạm nhưng khi bị bỏ tù, họ sẽ sợ ngay”, vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Tuấn, việc điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật và tăng mức xử phạt là điều kiện cần. Theo ông, điều kiện đủ để xử lý dứt điểm loại vi phạm nguy hiểm này là các giải pháp nâng cao ý thức, tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông cho từng cá nhân và cộng đồng.

"Ngoài ý thức chấp hành của tài xế, tôi lấy ví dụ các hàng quán ngoài việc kinh doanh thu lợi nhuận thì cần vận động, nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia", ông Tuấn nói và cho rằng nếu hàng quán để để khách hàng đã uống say vẫn lái xe tức là họ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm với xã hội.

Hồng Quang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-tang-muc-xu-ly-vi-pham-phat-tu-tai-xe-co-nong-do-con-vuot-nguong-post1396904.html