Cần tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Quảng Trị cũng như các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung rất hạn chế về nguồn tài nguyên, trong khi đó lại thường xuyên đối mặt với các thách thức, khó khăn như nguồn lực đầu tư hạn chế, khí hậu khắc nghiệt; các lợi thế về địa kinh tế, nguồn nhân lực vẫn chưa được phát huy hết, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững trong phát triển. Theo tôi, để Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững, cần tạo ra động lực mạnh mẽ, gắn với đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường quốc phòng- an ninh một cách đồng bộ.

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

 Khai thác tốt hệ thống cảng biển sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: T.P

Khai thác tốt hệ thống cảng biển sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: T.P

Cần phải hiểu rằng, động lực phát triển ở đây phải là sự tổng hợp các nguồn lực bao gồm: Các nguồn lực xã hội (nhân lực, tài lực, vật lực); nguồn lực từ việc quản lý và khai thác tài nguyên; nguồn lực từ đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng (như giao thông, cảng biển, các khu, cụm kinh tế)... Khi các nguồn lực này được phát huy đồng bộ thì mới có thể tạo được động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ nhất về nguồn lực xã hội. Trong lĩnh vực này có các vấn đề đang đặt ra là ta chưa “giữ chân” được nguồn lực lao động có chất lượng của địa phương cũng như thu hút nhân tài từ bên ngoài về. Chúng ta đã có chính sách nhưng đối tượng được thụ hưởng chính sách thu hút chỉ là một phần rất nhỏ. Điều quan trọng để “giữ chân” được nhân tài, lao động chất lượng cao là phải tạo được việc làm và môi trường làm việc tương xứng với trình độ tay nghề của họ.

Bên cạnh đó, dân số cũng là vấn đề khiến tôi rất trăn trở. Tổng dân số toàn tỉnh chỉ trên 620.000 người, mật độ dân số khoảng 117 người/km, chưa đáp ứng cho quá trình phát triển (trong khi mật độ dân số của cả nước là 290 người/km). Do vậy, ngoài chính sách dân số của tỉnh, để tăng tổng dân số, cần có chính sách thu hút dân cư có chất lượng ở các địa phương khác về Quảng Trị. Dân số đông, có chất lượng là nguồn lực quan trọng trong khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, phát triển các ngành nghề, dịch vụ, làm cho đời sống kinh tế, xã hội sôi động hơn. Đi đôi với vấn đề trên, cần nâng cao mức sống và chất lượng dân cư vùng miền núi để khai thác hiệu quả về tài nguyên, đất đai.

Thứ hai chính là các nguồn lực hình thành từ việc quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên như đất đai, vùng mặt nước biển, các khoáng sản, vật liệu xây dựng... Tuy nhiên trong những năm qua, việc quản lý và khai thác các loại tài nguyên còn nhiều bất cập, chưa tạo thành nguồn lực cho phát triển. Ví dụ như trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mỏ, khu khoáng sản và điểm quặng chủ yếu thuộc các loại khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng. Nhưng do những hạn chế và bất cập trong công tác quản lý nên việc khai thác trái phép vẫn còn xảy ra.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn chưa chú trọng đầu tư về vốn, kỹ thuật, công nghệ để khai thác chế biến ra sản phẩm có giá trị cao mà chủ yếu vẫn còn tập trung khai thác để xuất khẩu nguyên liệu thô. Điều này làm thất thoát tài nguyên, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Một số loại hình tài nguyên khác còn bị xem nhẹ như đất sét và cao lanh, than bùn, đất đai các loại.

Thứ ba, để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển thì các nguồn lực tạo nên từ việc đầu tư và khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, cảng biển, các khu, cụm công nghiệp và kinh tế cửa khẩu đóng vai trò rất quan trọng. Về giao thông, đối với tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh cần có chính sách đầu tư các hệ thống kho bãi, hậu cần, các dịch vụ để tạo điểm dừng chân và trung chuyển. Đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường bộ và cao tốc Đông Hà - Lao Bảo, Đông Hà - La Lay nhằm khai thác tốt kinh tế cửa khẩu và Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đối với hệ thống cảng biển của tỉnh, tôi cho rằng vẫn còn rất hạn chế. Cần có chủ trương xin Chính phủ đầu tư một phần cảng Mỹ Thủy như Chính phủ từng đầu tư tại các cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình)... Nâng cấp cảng Cửa Việt, đánh giá lại bãi tắm Cửa Tùng để chọn giữa 2 xu thế đầu tư: Bãi tắm và dịch vụ biển, đảo hay cảng trung chuyển... Về đường sắt và nhà ga cũng như kho bãi hàng hóa ở Quảng Trị có lẽ kém nhất so với các tỉnh trong khu vực. Tỉnh cần đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường sắt để nâng cấp nhà ga và hệ thống hậu cần đi kèm.

Trên đây là ý kiến của tôi để trả lời cho câu hỏi “Làm gì để Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững”. Tôi cho rằng với chủ đề này vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng được quan tâm và đưa ra bàn bạc.

Trúc Phương (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=167433&title=can-tao-dong-luc-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te--xa-hoi