Mở cơ hội thúc đẩy liên kết vùng

Liên kết vùng là câu chuyện mà các cơ quan chức năng, chuyên gia nhiều lần đề cập với mục tiêu tận dụng các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của từng địa phương để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

 Cảng Chân Mây là cơ sở quan trọng để tạo ra sự liên kết vùng. Ảnh: Ngọc Hiếu

Cảng Chân Mây là cơ sở quan trọng để tạo ra sự liên kết vùng. Ảnh: Ngọc Hiếu

Thực tế, qua nhiều hội nghị, hội thảo, với mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế, nhiều câu chuyện được đặt ra, như: xác định thương hiệu “Con đường di sản miền Trung, “Thiên đường du lịch biển – đảo”, “Miền di sản diệu kỳ”… Nhưng, sự liên kết để tạo nên những thương hiệu này thực sự đã tốt hay chưa?

Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 4 diễn ra tại TP. Huế hồi tháng 5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ những hạn chế trong liên kết vùng. Đó là việc phát triển kinh tế biển chưa có tính đột phá, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế hạ tầng các khu kinh tế, hệ thống các sân bay, cảng biển; chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành; liên kết trong việc thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển, đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng... vẫn còn chưa hiệu quả; kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, kết nối ngang Đông – Tây còn thiếu và yếu; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế….

 Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các tiến độ các dự án tại Cảng Chân Mây

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các tiến độ các dự án tại Cảng Chân Mây

Theo ông Dũng, khó khăn về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: Giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… là các vấn đề đặt ra cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Trước những khó khăn thực tại, Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch vùng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo ra cơ sở trong việc liên kết vùng, đặc biệt là nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Ngay sau khi công bố Quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các tỉnh trong vùng đẩy mạnh liên kết vùng trên cơ sở xây dựng thể chế liên kết và phát triển vùng; lấy quy hoạch vùng làm cơ sở để điều phối các hoạt động; xây dựng bộ máy điều phối vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối trong việc giải quyết các vấn đề liên vùng cũng như giữa các địa phương trong vùng; xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng, phân công giữa các địa phương; tăng cường năng lực quản trị, tổ chức thực hiện của địa phương, tạo mối quan hệ hài hòa lợi ích của từng địa phương và của vùng.

Thừa Thiên Huế thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trong tiến trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển vùng và liên kết phát triển vùng có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng.

Bây giờ ngoài nền tảng là Quy hoạch Vùng, kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh cũng đang được Thừa Thiên Huế trình Trung ương phê duyệt.

Từ quy hoạch tỉnh, có thể nhận diện, Huế có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để kết nối vùng. Từ hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay đến hạ tầng các khu kinh tế, công nghiệp đều hướng đến việc liên kết.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) đã xác định rõ về tính liên kết vùng, sự tác động, ảnh hưởng khi đặt trong mối quan hệ với các tỉnh thành lân cận, đặc biệt là TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, Huế đang nằm ở vị trí của chuỗi văn hóa di sản thế giới và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Chính vì vậy, Huế cần tạo dựng vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm. Liên kết với các tỉnh thành khác để tạo ra tính bổ sung, tương trợ và cùng phát triển.

Thực tế cho thấy, Quy hoạch tỉnh đã chỉ rõ, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng động lực miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực.

Trong đó, phát huy vai trò động lực quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng. Xây dựng cảng Chân Mây trở thành cảng container, cảng du lịch, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; gắn với cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và hệ thống đấu nối giao thông quốc gia với các đường bộ trở thành trung tâm logistics xanh của vùng và quốc gia; cung cấp và sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở hình thành đô thị Chân Mây và các khu chức năng trong Khu kinh tế.

Quy hoạch tuyến đường sắt đô thị kết nối các địa phương, đặc biệt tuyến Huế - Đà Nẵng kết nối hai thành phố, là cơ sở để phát triển các hoạt động kinh tế: Du lịch, dịch vụ, giải trí, thương mại, công nghiệp, logictics. Phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao sau năm 2030 từ Huế đến Đà Nẵng và có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế. Nâng cấp cửa khẩu chính Hồng Vân và cửa khẩu chính A Đớt thành cửa khẩu quốc tế; nâng cấp lối mở Hồng Thái thành cửa khẩu phụ. Hình thành các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu với khu cụm công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản…

Trong một lần trao đổi về liên kết vùng, TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ngoài Đà Nẵng, Huế cũng đóng vai trò đô thị trung tâm. Vì vậy, việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ rất phù hợp với đặc điểm của miền Trung. “Không nên so sánh giữa Đà Nẵng và Huế, mà tùy theo nhu cầu hai đô thị này đóng vai trò khác nhau. Với Huế, việc phát triển cảng Chân Mây hay sân bay Phú Bài sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy kinh tế của cả khu vực miền Trung. Để tạo được tính liên kết vùng chặt chẽ, Huế cần nhiều hơn sự hỗ trợ, để không chỉ kết nối các tỉnh, thành ven biển mà kết nối với các địa phương vùng núi, Tây Nguyên”, ông Sơn nói.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/mo-co-hoi-thuc-day-lien-ket-vung-142691.html