Cần tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động liên quan đến tài chính tiêu dùng

Với nhu cầu tiếp cận vốn của một bộ phận lớn ở phân khúc dưới chuẩn, sự phát triển của hoạt động tài chính tiêu dùng đang trở nên thiết yếu và tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên để phát triển, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong đó có các vấn đề liên quan đến pháp lý.

Chưa khai thác hết thị trường

Với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng. Cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19 thì mức tiêu dùng cũng như nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân ngày càng tăng.

Tuy nhiên trong số đó, có nhiều người không có khả năng tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng với các quy định, điều kiện khắt khe. Đặc biệt là với những khoản vay nhỏ, vay nóng nhưng không có đủ khả năng chứng minh tài chính hay có tài sản thế chấp. Chính vì vậy, hoạt động của các công ty tài chính, công ty cho vay cầm cố tài sản đang đáp ứng cho nhóm phân khúc khách hàng dưới chuẩn, giúp họ tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng hơn.

Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng cho đối tượng chủ yếu là những người yếu thế, thu nhập không ổn định, khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt.

 Số liệu thị phần của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam tính đến quý II/2022 (Ảnh: VNDIRECT Research)

Số liệu thị phần của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam tính đến quý II/2022 (Ảnh: VNDIRECT Research)

Trong đó còn có một số công ty chưa hoạt động thực sự hiệu quả trong việc cho vay tiêu dùng. Chưa đáp ứng được hết cho nhu cầu của những người thuộc nhóm dưới chuẩn. Điều đó được thể hiện bằng việc thị phần của thị trường này phần lớn đang nằm trong tay một vài công ty.

Với số lượng hạn chế như vậy, tính đến ngày 31/12/2022 tổng dư nợ 16 công ty tài chính này chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1,87% (trên 220 nghìn tỷ) so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế và dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống song đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.

Đánh giá về sự phát triển của thị trường, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, thị trường tiêu dùng cho người yếu thế, dưới chuẩn là thị trường phát triển rất lớn. Tuy nhiên hiện nay thị trường vốn lại không đáp ứng được bởi ngân hàng thì không cho vay, tổ chức tín dụng chưa phát triển nhiều, có một số công ty tài chính cho vay nhưng điều kiện rất khắt khe, vì vậy nó trở thành nhu cầu rất lớn.

 GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Chúng ta có 100 triệu người, trong số đó người có thể đáp ứng điều kiện vay ngân hàng không nhiều lắm. Trong khi đó có nhiều người lao động ở các khu công nghiệp, lao động tự do, nông dân, công chức họ cũng có nhu cầu. Chính phủ cũng có chủ trương mở rộng thị trường vay tiêu dùng cho những người không có điều kiện vay vốn chính thức.

Vì vậy những tập đoàn nước ngoài mà họ đầu tư vào mảng này là rất đáng khuyến khích. Họ vào không chỉ để thỏa mãn cho nhu cầu vay của phân khúc dưới chuẩn mà hơn nữa là còn kích thích cạnh tranh. Nhiều chuyên gia đã đánh giá, nếu có chính sách phát triển tốt, khả năng tăng trưởng của thị trường sẽ không dưới 2 con số”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nhận định.

Công ty cầm đồ hoạt động thế nào?

Cũng từ những phân tích nói trên cho thấy, ngoài những công ty tài chính được cấp phép, các công ty cầm đồ với sự đầu tư từ các nguồn vốn nước ngoài đang hoạt động trong thị trường cho vay tiêu dùng cũng đang hỗ trợ, cung cấp dịch vụ để đáp ứng nguồn vốn cho hàng triệu khách hàng trên cả nước, trong đó đa phần là nhóm yếu thế, có thu nhập thấp như sinh viên và người lao động.

Cùng với nhu cầu của thị trường tăng cao, sự phát triển của các công ty tài chính và các công ty cầm đồ cũng là tất yếu. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển “nóng” bám đuổi nhu cầu của thị trường thì ngày càng nhiều có vấn đề bộc lộ, đặc biệt là các vấn đề pháp lý hoạt động liên quan đến các công ty cầm đồ thường được nhiều chuyên gia đặt ra.

 Hoạt động cho vay cầm đồ ngày một phổ biến nhưng vẫn còn thiếu hành lang pháp lý (Ảnh minh họa)

Hoạt động cho vay cầm đồ ngày một phổ biến nhưng vẫn còn thiếu hành lang pháp lý (Ảnh minh họa)

Xét về mặt pháp lý, văn bản được xem là khá đầy đủ và sơ khai để quản lý và quy định về dịch vụ cho vay cầm đồ là Thông tư liên bộ (Bộ Thương mại – Ngân hàng) ban hành năm 1995, nhưng sau đó được thay thế bởi nhiều Nghị định khác.

Hiện hoạt động cầm đồ được nhắc đến trong Nghị định 96/2016/NĐ-CP như là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng chủ yếu về thân nhân của người chủ tiệm. Các giao dịch về cầm đồ thì được bảo vệ theo Luật Dân sự (quy định lãi suất không quá 20%/năm) và Luật hình sự (tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự).

Mặc dù pháp luật quy định vẫn còn khá sơ sài, nhưng thị trường cho vay cầm đồ ngày một phát triển với danh mục cho vay cầm cố ngày càng mở rộng. Nhiều công ty cho vay cầm đồ hiện nay đã có doanh thu lên tới nghìn tỷ đồng.

Có một điều khác biệt, đó là tại Việt Nam, hoạt động cầm đồ được phân loại là nhóm vay tiêu dùng phi chính thức. Trong khi đó, ở các quốc gia khác xem dịch vụ cầm đồ là lĩnh vực phổ thông, chuẩn hóa hoạt động và niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là một mô hình khá phổ biến ở nhiều quốc gia với hoạt động được chuẩn hóa, chuyên nghiệp và được quy định rất rõ ràng. Thậm chí một số chuỗi cầm đồ còn có sở hữu cổ phần của chính phủ hoặc chính quyền địa phương.

Tuy nhiên về bản chất, cầm đồ cũng là hoạt động tín dụng, nên để thị trường phát triển và bền vững trong tương lai thì cần phải có quy định chặt chẽ hơn và kiểm soát tốt hơn.

Các nút thắt về pháp lý

Nói về định hướng và sự thay đổi để hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và hoạt động cho vay cầm đồ nói riêng được phát triển theo đúng nhu cầu của thị trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là làm sao có thể phát triển cho vay tài chính toàn diện, cho vay dưới các hình thức doanh nghiệp, tài chính vi mô là mong muốn hướng đến khi nhu cầu và khả năng phát triển của thị trường rất lớn.

Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng, câu hỏi về việc cần phải làm như thế nào để phát triển là một vấn đề không đơn giản bởi hiện nay Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng nhà nước quản lý, vì vậy định hướng đang là phát triển những hình thức mà đỡ ảnh hưởng nhất tới thu nhập và tiêu dùng của người dân. Đó là những cái mà hoạt động cho vay tiêu dùng cũng đang phải hướng đến.

 PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã đặt vấn đề về việc phát triển ngành tài chính tiêu dùng toàn diện.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã đặt vấn đề về việc phát triển ngành tài chính tiêu dùng toàn diện.

Phát triển kinh tế thị trường có nhiều thứ và vô cùng đa dạng, trong đó có cho vay cầm đồ. Tuy nhiên khả năng mà nó biến tướng thành tín dụng đen cũng lớn, vì thế đây cũng là một vấn đề cần xem xét cho phù hợp và quản lý cho thỏa đáng. Thực tế mà nói, trong thời gian vừa qua cho vay cầm đồ cũng có sự phát triển và đáp ứng được một bộ phận nhu cầu của người dân, vì thế chúng ta cũng có sự cho phép để có sự quản lý phù hợp hơn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Còn theo luật sư Nguyễn Trinh Đức – thành viên sáng lập Công ty luật IPIC thì cho rằng hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ hiện nay đang khá hạn hẹp, cơ bản chỉ xoay quanh các quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định 96/2016/NĐ-CP và Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

“Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác liên quan đến cầm đồ vẫn còn cần có sự thay đổi, đơn cử như việc cho mượn lại tài sản cầm cố. Khoản 3 Điều 314 Bộ luật dân sự 2015 quy định Bên nhận cầm cố được quyền cho Bên cầm cố cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng hoa lợi, lợi tức trên tài sản cầm cố nếu như các bên có thỏa thuận.

 Luật sư Nguyễn Trinh Đức

Luật sư Nguyễn Trinh Đức

Tuy nhiên các quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP và Nghị định 144/2021/NĐ-CP (văn bản dưới luật) đều chưa có hướng dẫn một cách cụ thể về trường hợp cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng như Điều 314 Bộ luật Dân sự 2015. Điều này khiến cả cơ quan áp dụng pháp luật và doanh nghiệp, cá nhân tuân thủ gặp nhiều vướng mắc”, luật sư Đức cho biết.

Ngoài ra, cũng theo luật sư này, hoạt động của công ty cầm đồ còn gặp khó như trần lãi suất, thuế phí hay các vấn đề dân sự như giấy biên nhận tham gia giao thông… Do vậy, luật sư Đức cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần điều chỉnh lại nhằm bổ sung, thống nhất các quy định pháp luật có liên quan và/hoặc ban hành các hướng dẫn chi tiết hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ để dịch vụ này sớm trở thành một kênh chính thức, rõ ràng, minh bạch nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-tao-hanh-lang-phap-ly-cho-cac-hoat-dong-lien-quan-den-tai-chinh-tieu-dung-post247353.html