Cần tạo lực để ngành công nghiệp dược phát triển
Bình Dương có hệ thống, mạng lưới ngành dược phát triển phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ, nhân viên quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dược mỏng nên việc tuân thủ niêm yết giá thuốc, bán theo giá niêm yết còn nhiều hạn chế.
Cần có quy hoạch riêng
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.988 cơ sở y tế hành nghề dược, trong đó có 29 nhà máy sản xuất dược phẩm với 25 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp này đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận GMP-WHO cho 44 dây chuyền. Hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về sản xuất lưu hành thuốc, sản xuất đúng với quy trình đăng ký thuốc, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất dược phẩm chủ yếu tập trung vào các thuốc generic, chưa chú trọng đến các thuốc hiếm, chuyển giao công nghệ, nguyên liệu làm thuốc; chưa có quy hoạch riêng để phát triển công nghiệp dược liệu, chưa phát triển nguồn dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn dược liệu có sẵn trong nước.
Cũng theo thống kê, toàn tỉnh có 30 cơ sở bán thuốc, 2.929 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó nhà thuốc tư nhân là 1.254 và 1.398 cơ sở bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; còn lại là nhà thuốc bệnh viện, quầy thuốc, tủ thuốc. Những năm qua, tỉnh đã phát triển các chuỗi nhà thuốc, tuân thủ các quy định chuyên môn, tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, các chuỗi nhà thuốc chỉ tập trung ở những vùng đô thị, đông dân cư.
Với vai trò là đơn vị đảm nhận công tác quản lý chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường. Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh luôn triển khai công tác quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trung tâm cũng chưa phát hiện vụ việc nhập khẩu dược liệu lậu, chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hay xuất khẩu dược liệu thuộc danh mục quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát.
Quản lý tốt lĩnh vực dược
Để quản lý tốt giá thuốc, Bình Dương thành lập Tổ chuyên gia về giá thuốc theo quyết định của UBND tỉnh, gồm Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Công thương. Quá trình rà soát giá thuốc, các đơn vị bảo đảm nguyên tắc: Không cao hơn giá bán thuốc tại các nước ASEAN; tính chính xác của các yếu tố chi phí cấu thành giá; sự phù hợp với biến động của các yếu tố hình thành giá (nguyên, nhiên liệu, tỷ giá, tiền lương, các chi phí khác).
Theo đánh giá của tổ, hầu hết các cơ sở kinh doanh thuốc đều thực hiện niêm yết giá thuốc, niêm yết thuốc. Đây là một trong những tiêu chí trong quá trình đánh giá cơ sở đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ, nhân viên mỏng, vì vậy công tác tổ chức thanh, kiểm tra còn quá ít nên việc tuân thủ niêm yết giá thuốc, bán theo giá niêm yết còn nhiều vi phạm. Hiện tại, nhân sự thanh tra chuyên ngành y tế chỉ có 4 biên chế, không có thanh tra chuyên ngành tuyến huyện, thị, thành phố. Trong khi đó, lĩnh vực dược lâm sàng chỉ có 1 dược sĩ chuyên khoa I, các dược sĩ đều phải kiêm nhiệm, tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn nên hiệu quả chưa cao.
Qua quá trình thanh, kiểm tra về kinh doanh dược, Tổ chuyên gia phát hiện các vi phạm chủ yếu là: Không có biện pháp cách ly hoặc để ở khu vực riêng đối với thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ (không xuất trình được hóa đơn mua thuốc); không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; không sử dụng máy tính, công nghệ để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc.
Để bảo đảm đủ thuốc phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh, ngành y tế tỉnh tổ chức đấu thầu thuốc tập trung. UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập đơn vị mua thuốc tập trung, thành viên bao gồm Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc sở, đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh. Gói thầu cung ứng thuốc phục vụ công tác điều trị là gói thầu phức tạp, danh mục thuốc có trên 1.000 mặt hàng, để bảo đảm chính xác, minh bạch, chất lượng cần rất nhiều thông tin (tên thuốc, thành phần hoạt chất, hàm lượng, nồng độ, dạng bào chế, đường dùng, dạng dùng, đơn vị tính, nhóm thuốc, dãy giá) nên cần nhiều thời gian cho việc lập danh mục thuốc đấu thầu.
Tuy nhiên, nhân sự tham gia đấu thầu đều là các bác sĩ, dược sĩ kiêm nhiệm chỉ được đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ đấu thầu (3 ngày) nên việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu mất nhiều thời gian, nhân lực, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kể cả tâm lý e dè, ngại trách nhiệm.
Để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, ông Quách Trung Nguyên, Phó Giám đốc Sở Y tế đề xuất các giải pháp: Tăng biên chế cho Sở Y tế; các cơ quan chức năng cần lưu ý đến tính khả thi khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm có thể tổ chức thực hiện được, tránh tình trạng vừa ban hành đã tiến hành sửa đổi, bổ sung.