Cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để 'tiếp sức' cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Để phát huy hết nguồn lực và trí lực vào sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế thì các cơ quan Nhà nước, bộ, ngành cần xem lại thể chế, chính sách để có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Kinh tế tư nhân đang gặp một số khó khăn từ bên ngoài và nội tại
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội (ngày 19/9), với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Đây là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu, học giả đánh giá cao, nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như người lao động. Diễn đàn đã đem đến cái nhìn toàn cảnh về những thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; phân tích kỹ nguyên nhân và đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi cho các vấn đề lớn, hướng đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
Chia sẻ với báo chí bên lề Diễn đàn, đối với việc phát huy sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Đất nước, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: “Khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động; đóng góp khoảng gần 50% GDP. Trong kinh tế tư nhân có 2 bộ phận là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và khu vực kinh tế theo dạng hộ sản xuất kinh doanh. Hiện nay, kinh tế tư nhân đang gặp một số khó khăn từ bên ngoài và nội tại”.
Theo vị chuyên gia kinh tế, khó khăn từ bên ngoài có mức độ và năng lực hội nhập khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế. Đầu tư của kinh tế tư nhân ra nước ngoài còn thấp. Gần như công nghiệp chế biến, chế tạo là do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện, bởi doanh nghiệp trong nước còn chưa chế tạo được nhiều nên không tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung chỉ ra rằng: Về mặt chính sách, tuy chúng ta có nhiều cải cách nhưng hiện nay, doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận được nguồn lực, huy động nguồn vốn cho nên họ khó thể phát triển được để dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân còn cảm thấy lo ngại, chưa yên tâm trong sản xuất kinh doanh hoặc họ sợ làm sai khi những quy định trong các luật, nghị quyết, thông tư còn chồng chéo, chưa thống nhất với nhau...
Doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay
TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 là “Tăng cường năng lực nội sinh, tạo động lực tăng trưởng”. Bởi theo ông, sự phát triển kinh tế phải dựa vào nội lực doanh nghiệp tư nhân và con người của mỗi quốc gia.
Khu vực kinh tế tư nhân là khu vực không thể thiếu để thúc đẩy kinh tế, xã hội. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. Do đó, nhiều doanh nghiệp đều phải thắt chặt chi tiêu, chi phí để có được lợi nhuận cho sự tồn tại. Trong số những doanh nghiệp không thể tồn tại được đã rút khỏi thị trường thì cũng có những doanh nghiệp được mua lại hoặc sáp nhập với doanh nghiệp khác.
“Với những trường hợp như này, chính sách của chúng ta phải ứng xử với họ như thế nào là vấn đề cần quan tâm. Theo tôi, cần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp như miễn giảm lãi suất, phí, thuế để cùng với họ cắt giảm chi phí để tồn tại… Cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhằm phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển. Ngoài ra, chúng ta cần tạo ra một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để doanh nghiệp tiên liệu được trong hoạt động của mình”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
Vị chuyên gia kinh tế khẳng định: “Nguồn lực không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực “chết”. Nhân tài, trí tuệ không được sử dụng vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực “chết”. Để phát huy hết nguồn lực và trí lực vào sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế thì các cơ quan Nhà nước, bộ, ngành cần xem lại thể chế, chính sách để có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp với thực tế”.
Thay đổi về thể chế, chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Nêu ra những kỳ vọng của Đại biểu Quốc hội sau khi kết thúc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho biết: Về lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia đã chỉ ra tương đối rõ ràng những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, rất muốn có hệ thống pháp luật thống nhất, phù hợp để phục vụ cho thay đổi chính sách pháp luật một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, những giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn, đơn hàng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động cũng là những đề xuất rất đáng trân trọng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan, đối với lĩnh vực xã hội, qua Diễn đàn, những giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội, vấn đề lao động di cư, việc làm, thu nhập cho người lao động, chính sách về bảo hiểm y tế, nhà ở, đào tạo nghề cũng là những nội dung được các cơ quan lập của Quốc hội quan tâm trong việc tiếp thu ý kiến để nghiên cứu về những thay đổi chính sách pháp luật.
“Tôi kỳ vọng, sau Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, với sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những mục tiêu đã đặt ra, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp tại Diễn đàn. Việc làm này nhằm để có những thay đổi về thể chế, chính sách cũng như đưa ra cơ chế, nguồn lực, thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống an sinh, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan nói.
Phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ
Trong phát biểu kết thúc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Tuy nhiên, từ Quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 là khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, thậm chí đều gặp “trục trặc”, giảm tốc.Diễn đàn đều thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.