Cần thận trọng, cảnh giác trước những thông tin không chính xác liên quan Nghị định 168
Tham gia hoạt động trên môi trường mạng những tháng đầu năm 2025, dễ dàng nhận thấy nhiều thông tin thể hiện quan điểm đa chiều về quá trình triển khai, thực hiện Nghị định số 168 của Chính phủ. Bên cạnh những ý kiến cho rằng Nghị định góp phần giữ vững xã hội kỷ cương, xây dựng văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân cũng xuất hiện một số thông tin không chính xác, sai sự thật mà mỗi người dân cần phải thận trọng, cảnh giác.
Theo thông tin từ Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 số vụ tai nạn giao thông toàn quốc giảm 258 vụ với gần 37%, số người bị thương giảm 232 người với hơn 38% và đặc biệt là số người tử vong do tai nạn giao thông giảm 126 người với gần 38% so với cùng kỳ 2024.
Ngoài ra, con số thống kê cũng chỉ ra hiệu quả tích cực của Nghị định là từ ngày 01 - 15/01/2025 số vụ tai nạn giao thông trên cả nước giảm sâu hơn 34%, số người tử vong giảm hơn 11% và số người bị thương giảm hơn 34% so với cùng kỳ năm 2024, nhất là ở các đô thị lớn.
![Chấp hành quy định pháp luật là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn cho mỗi cá nhân khi tham gia giao thông. Ảnh: Vietnamnet.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_606_51420524/016631cb0885e1dbb894.jpg)
Chấp hành quy định pháp luật là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn cho mỗi cá nhân khi tham gia giao thông. Ảnh: Vietnamnet.
Tuy nhiên, một số thông tin không chính xác, tiêu cực, thậm chí là giả mạo, sai sự thật nhằm vu cáo, xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước như: (1) Lợi dụng mức xử phạt cao, có tính răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức tham gia giao thông để xuyên tạc, cho rằng xử phạt cao nhằm “thu tiền từ người dân”, “trích, thưởng tiền cho lực lượng CSGT khi xử phạt”, “tận thu ngân sách, làm lợi cho Công an”, “cản trở việc vận chuyển hàng hóa, hành khách”; (2) xuyên tạc việc xây dựng, ban hành Nghị định theo thủ tục rút gọn là không phù hợp, không lấy ý kiến rộng rãi người dân; (3) lợi dụng các quy định về trách nhiệm của người tham gia giao thông để đổ lỗi, vu cáo, cho rằng việc thực hiện Nghị định 168 gây ra tình trạng “kẹt xe, ách tắt giao thông nghiêm trọng”, “ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; (4) xuyên tạc việc kiểm soát an toàn giao thông qua hệ thống và “phạt nguội” là quá cứng nhắc, “soi mói nhằm vạch lá tìm sâu”… để xử phạt người dân, nhất là các phương tiện trọng tải lớn; (5) lợi dụng các trường hợp lỗi đèn tín hiệu giao thông do kỹ thuật để vu cáo lực lượng CSGT “cố ý giăng bẫy” để “phạt tiền” người tham gia giao thông.
![Những thông tin giả mạo, sai sự thật đều bị xử lý theo quy định. Mọi người dân cần chú ý, cảnh giác. Ảnh: Tổng hợp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_606_51420524/3a040fa936e7dfb986f6.jpg)
Những thông tin giả mạo, sai sự thật đều bị xử lý theo quy định. Mọi người dân cần chú ý, cảnh giác. Ảnh: Tổng hợp.
Những thông tin nêu trên đều là những thông tin không chính xác; nhiều nội dung sai sự thật đã được các đối tượng xấu tạo dựng nhằm xuyên tạc, gây tâm lý hoang mang, tạo dư luận trái chiều để lôi kéo người dân tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự. Chính vì vậy, khi tiếp nhận những thông tin liên quan quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 168, mỗi người dân cần chú ý:
(1) Thật tỉnh táo, thận trọng trước mọi thông tin ban đầu, chưa được kiểm chứng và chưa có kết luận chính xác từ cơ quan chức năng; không để bị lợi dụng.
(2) Không tham gia đăng tải, bình luận, chia sẻm cung cấp thông tin có dấu hiệu sai sự thật hoặc chưa được kiểm chứng liên quan Nghị định số 168; nhất là các nội dung nhằm lôi kéo, kích động, chống phá… gây mất an ninh trật tự.
(3) Tuyên truyền cho người thân, bạn bè nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các thông tin giả mạo, sai sự thật liên quan việc thực hiện Nghị định 168.
(4) Nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên không gian mạng và mạng xã hội, từng bước xây dựng không gian mạng lành mạnh.
Các hành vi chia sẻ, đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật liên quan quá trình triển khai, thực hiện Nghị định 168 có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP). Thậm chí, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Ngoài ra, người dân cần chú ý, không thực hiện hành vi “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức , cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” để đăng tải nhằm thông báo về các hoạt động của các chốt chặn, kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông trên mạng xã hội vì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP).
Có thể nói, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực đến nay, bước đầu đã có sự thay đổi mang tính bước ngoặt, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, văn minh, thượng tôn pháp luật, nhất là các đô thị lớn, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông trên phạm vi toàn quốc.
Mọi người dân đều có quyền giám sát và tham gia đóng góp ý kiến và sẽ được tiếp nhận một cách đầy đủ, phù hợp và đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc đăng tải, chia sẻ, tán phát những thông tin giả mạo, sai sự thật đều sẽ bị nghiêm trị theo quy định pháp luật.