Cần thận trọng trước những 'cơn sốt' đất

Thời gian qua, sau khi thông tin quy hoạch sân bay, thông tin một số huyện ở một số tỉnh, thành phố phấn đấu phát triển thành quận thì giá đất tại các địa phương như: Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bình Phước… không ngừng 'nhảy múa'.

Theo đó nhiều dự án “thoi thóp” nhiều năm ở một số tỉnh như Hòa Bình, Vĩnh Phúc… đất cũng bỗng dưng tăng giá mạnh.

Tại Hà Nội, sau khi có thông tin các huyện như: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm… sẽ trở thành các quận trong một vài năm tới thì giá đất đã tăng rất cao. Nhiều người đầu tư, nhiều người dân đã tìm đến mua đất khiến thị trường bất động sản tại các khu vực này “nóng” lên từng ngày, giá tăng phi mã đến 30% - 40% chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng "sốt đất" xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền.

Trước tình trạng trên, nhiều địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị… đã đưa ra cảnh báo để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất sốt ảo hiện nay.

Tình trạng “sốt đất” được các địa phương chỉ ra thực chất là chiêu trò của nhóm đầu tư, tạo lên cơn sốt ảo từ đó đẩy giá đất lên rất cao nhằm thu lợi. Hay như việc mỗi khi có công bố quy hoạch, khu vực dự kiến làm sân bay hay lấy ý kiến để nghiên cứu, quy hoạch thì lập tức đất tại các khu vực gần sân bay lại tăng giá rất cao. Nhiều người tìm đến các khu vực này tranh thủ mua, gom rồi mua đi bán lại, lướt sóng để kiếm lợi nhuận.

Cơn sốt đất ở TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang những năm trước đã từng khiến nhiều người khóc dở, mếu dở… nhiều người thậm chí còn mua đất “chỉ”, chỉ tới đâu mua tới đó mà không cần rà soát quy hoạch, thông tin pháp lý.

Mới đây, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thừa nhận có hiện tượng giới đầu cơ lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị...gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính. Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn đặc biệt là về hệ thống đường giao thông,…) để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Vẫn biết bất động sản là một trong những thị trường truyền thống, một trong những kênh đầu tư mà nhiều người hướng tới, nhưng trước những “cơn sốt” đất, người dân cần thận trọng xem xét, tìm hiểu kỹ thông tin, tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Tạ Tuấn

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/goc-nhin-cong-ly/can-than-trong-truoc-nhung-con-sot-dat-77197.html