Cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn
Chính phủ cần sớm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với vốn điều lệ lớn, để khi nhiều doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ được quỹ này bảo lãnh.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Câu chuyện tăng trưởng tín dụng đang là vấn đề được đề cập nhiều trong năm nay. Tăng trưởng tín dụng không cao, là do doanh nghiệp còn khó tiếp cận nguồn vốn, trong đó có hai loại doanh nghiệp. Một là doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhưng không đủ tài sản bảo đảm, không đáp ứng điều kiện kinh doanh có lãi.
Đây là những tiêu chí thông thường để ngân hàng cho vay từ trước đến nay, nhưng các doanh nghiệp không đạt được và luôn mong muốn ngân hàng giảm điều kiện cho vay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quy định không thể cho vay dưới chuẩn, khiến phía ngân hàng cũng gặp khó trong việc muốn giải ngân.
Loại thứ hai là những doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất nhưng không có đơn đặt hàng, khó tiêu thụ sản phẩm. Dù ngân hàng sẵn sàng cho vay, nhưng nếu doanh nghiệp không bán được hàng và không có nguồn trả nợ thì cũng gây ra vấn đề nợ xấu và phải gánh chi phí lãi vay cao tại thời điểm này. Do đó, có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh để tránh làm ăn thua lỗ.
Về việc tái cấu trúc nợ, đối với những doanh nghiệp có thể vay vốn, nếu ngân hàng giảm lãi suất từ 1-2% là điều rất đáng mừng, nhưng còn những doanh nghiệp không vay vốn được dù có giảm lãi suất thêm nữa cũng không có ý nghĩa gì. Giảm lãi suất là một công cụ rất hữu hiệu khi nhu cầu vay cao, còn khi nhu cầu vay thấp thì công cụ này chỉ có tác động ở một khu vực nào đó và tác động không quá lớn.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 4 lần giúp giảm lãi suất trên cả thị trường hai và thị trường một, tuy nhiên khi lãi suất huy động giảm từ 3-5% nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm 1-2% là mức giảm không tương ứng, các doanh nghiệp có thể vay vốn vẫn phải chịu gánh nặng lãi vay.
Từ những khó khăn đó, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi đã nhiều lần đề xuất Việt Nam cần thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với vốn điều lệ lớn, khi nhiều doanh nghiệp không vay vốn được ngân hàng sẽ được quỹ này bảo lãnh giống như một quỹ bảo hiểm.
Những biện pháp như vậy nên được xem xét thực hiện sớm trong năm 2024, khi đó chúng ta mới mong rằng tình hình có thể được cải thiện, giúp người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung phục hồi mạnh mẽ.
Giảm thiểu dần vai trò của ngân hàng
Trên thị trường hiện nay các kênh dẫn vốn khác đều gặp khó khăn và biến động lớn, từ cổ phiếu đến trái phiếu doanh nghiệp... chỉ kênh tiền gửi ngân hàng vẫn đang được xem là an toàn nhất mặc dù lãi suất giảm sâu.
Do đó, chúng ta cần phải kích thích nhu cầu của người dân hơn nữa bằng cách tạo niềm tin thông qua những quy định được điều chỉnh, sửa đổi gồm Luật Chứng khoán, pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp...
Riêng về trái phiếu doanh nghiệp là kênh mà trước đây người dân đổ tiền rất nhiều, nhưng qua những vụ án như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã khiến thị trường bị đóng băng. Bắt đầu từ năm 2024, Việt Nam sẽ áp dụng xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, hy vọng quy định này có thể hỗ trợ tích cực những nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích tín dụng, đọc hiểu báo cáo tài chính hay kế hoạch kinh doanh của các nhà phát hành để đưa ra kết luận có nên mua trái phiếu hay không.
Thêm một điểm nữa và cũng là khúc mắc được nhiều người quan tâm đó là từ ngày 1/10/2023, theo quy định của NHNN, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được hạ xuống từ 34% còn 30%. Điều này cho thấy khả năng số tiền ngân hàng có thể cho vay trung - dài hạn, đặc biệt cho vay với các dự án bất động sản ngày càng bị thu hẹp. Nhiều nhà kinh doanh bất động sản, Hiệp hội bất động sản cũng đề xuất với NHNN dời hiệu lực quy định đến sang năm, giúp các doanh nghiệp có nhiều vốn để vay hơn.
Theo quan điểm cá nhân tôi là không nên dời lại, mặc dù rất hiểu tình hình của các doanh nghiệp đang cần vốn. Số chênh lệch 4% giảm từ 34% về 30% là một số tiền lớn nếu tính trong cả nền kinh tế, vốn huy động ngắn hạn lên đến 10 triệu tỷ đồng thì 4% sẽ là 400 tỷ đồng. Đây là lộ trình mà NHNN đã đưa ra từ rất lâu và đang đi đúng, chứ không phải quyết định tại thời điểm này, để bảo đảm tính thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng.
Nếu các ngân hàng dùng tiền ngắn hạn cho vay trung dài hạn quá nhiều, tiền đó bị chôn vào các dự án, đến khi khách hàng gửi tiết kiệm muốn rút tiền mà các ngân hàng không có đủ tiền chi trả sẽ lại phải tăng lãi suất huy động, lấy vốn mới trả vốn cũ dẫn đến sự nguy hiểm về thanh khoản. Vì vậy, chúng ta phải tìm những cách tháo gỡ khác cho các doanh nghiệp, mà một trong những cách tháo gỡ như tôi đã đề nghị là xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng dành cho doanh nghiệp.
Chúng ta đều biết vốn tín dụng từ ngân hàng hiện đang là nguồn tài chính chủ yếu của Việt Nam. Theo đó, vốn tín dụng/GDP của Việt Nam lên tới 124%, được đánh giá là mức rất cao. Chính vì thế, cần phải giảm thiểu vai trò của ngân hàng trong việc cho vay và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm những kênh khác vay vốn.
Nói thì dễ nhưng làm rất khó, vì các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các quỹ đầu tư hiện tại cũng đang trong tình thế khó khăn. Vì vậy cần có biện pháp mang tính tổng thể, để có sự cải thiện toàn hệ thống chứ không thể nhìn vào một kênh, hay một thành phần nào đó trong nền kinh tế có thể giúp cải thiện việc sử dụng vốn.
Kinh tế sẽ khởi sắc từ quý 2/2024
Có thể thấy, nếu khó khăn của các doanh nghiệp vẫn lớn thì tác động lên nền kinh tế cũng còn lớn. Dự báo của các tổ chức tài chính thế giới như IMF, WB hay ADB đều cho rằng, GDP của Việt Nam năm nay sẽ không đạt được mức như chúng ta mong muốn là 6 - 6,5%, mà có thể ở mức khoảng 5,6 - 5,8% dựa trên các yếu tố thừa vốn của ngân hàng, các doanh nghiệp gặp khó và cầu nội địa thấp...
Trong 3 tháng cuối năm, kỳ vọng tình hình cải thiện hơn giúp GDP trong quý 4/2023 có thể cao nhất trong năm, nhưng một quý không thể bù lại cho sự khó khăn của ba quý trước đó. Để các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn, nhu cầu tín dụng trở nên sôi động hơn thì cho đến cuối năm nay vẫn chưa thấy dấu hiệu này.
Có một điểm sáng là trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp luôn luôn cố gắng sản xuất kinh doanh để đạt mục tiêu và các doanh nghiệp cũng sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, tiêu dùng của người dân cũng gia tăng hơn.
Tôi hy vọng những khó khăn của nền kinh tế chỉ kéo dài đến cuối năm nay và sang quý 1/2024, từ quý 2 trở đi, các biện pháp kích cầu của NHNN, của Chính phủ, vấn đề giảm lãi suất ngấm vào thị trường và khu vực xuất khẩu trở lại quỹ đạo cũ sẽ là động lực giúp Việt Nam thoát khỏi khó khăn.
Riêng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, mà năm 2024 Mỹ bước vào năm tranh cử, tôi tin rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo ra sự hưng phấn cho nền kinh tế Mỹ, từ đó có lợi cho Việt Nam.
Đồng thời khu vực châu Âu có thể cũng sẽ theo Mỹ trong xu hướng nới lỏng chính sách. Từ việc ngoại thương của chúng ta ấm lên thì tình hình tiêu dùng nội địa cũng có khả năng được cải thiện. Tuy nhiên phải chờ sớm nhất là từ quý 2, hoặc muộn hơn là giữa năm 2024 trở đi.