Cần thay đổi phong tục trả sính lễ trong hôn nhân truyền thống người S'tiêng

Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh

Bài 2:
SÍNH LỄ TRONG
HÔN NHÂN TRUYỀN THỐNG

Xã hội phụ hệ và mẫu hệ

Hiện nay, không ít người vẫn chưa hiểu đặc điểm xã hội phụ hệ và mẫu hệ. Theo Từ điển tiếng Việt, xã hội phụ hệ là xã hội “Chế độ gia đình thời đại thị tộc nguyên thủy, trong đó quyền thừa kế của cải và tên họ thuộc dòng của người cha (Hoàng Phê và các tác giả, 2004, tr.789) và “phụ quyền là hình thái xã hội thị tộc nguyên thủy trong đó quan hệ huyết thống và quan hệ thừa kế tính theo dòng họ của người cha” (tr.790). Tuy nhiên, trong một hình thái xã hội, mỗi quốc gia lại có những kiểu khác nhau về phụ hệ. Xã hội Nho giáo của Trung Hoa là một xã hội phụ hệ và chế độ phụ quyền điển hình. Trong quan hệ "ngũ thường" tức 5 quan hệ gồm: quân thần (vua và dân), phụ tử (cha và con), phu phụ (vợ và chồng), huynh đệ (anh và em) và bằng hữu (bạn bè), thì 2 quan hệ “quân thần” và “bằng hữu” là quan hệ xã hội, 3 quan hệ (phu phụ, phụ tử và huynh đệ) là quan hệ gia đình. Trong 3 quan hệ gia đình thì có 2 quan hệ (phụ tử và huynh đệ) là quan hệ huyết thống, quan hệ huyết thống này là huyết thống nam (cha và con trai; anh trai và em trai). Vì vậy, chế độ xã hội phụ hệ Trung Hoa mang tính huyết thống nam, thiên về vai trò của nam giới. Quan niệm này ảnh hưởng khá sâu sắc đến xã hội truyền thống Việt Nam.

Đối với xã hội mẫu hệ, theo Từ điển tiếng Việt: “Chế độ mẫu hệ là chế độ gia đình thời đại thị tộc nguyên thủy, trong đó quyền thừa kế của cải và tên họ thuộc dòng của người mẹ. Mẫu quyền là: hình thái xã hội thị tộc nguyên thủy, trong đó quan hệ huyết thống và quan hệ thừa kế tính theo dòng của người mẹ” (Hoàng Phê và các tác giả, 2004, tr.624). Nghiên cứu về chế độ xã hội mẫu hệ của người Jrai, tác giả Jacques Dournes nhận xét: “Đàn bà - xã hội Jrai là xã hội mẫu hệ, ba chữ m: (matrilineáire) theo dòng mẹ, (matronymique) con cái mang họ mẹ, (matrilocal) (vợ, chồng) cư trú phía nhà mẹ (vợ)" (Rừng, Đàn bà, Điên loạn, 1950, Nguyên Ngọc dịch 2018, tr.10).

Những ché cổ quý hiếm và cồng chiêng của già làng Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng. Đây là những lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người S’tiêng

Những ché cổ quý hiếm và cồng chiêng của già làng Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng. Đây là những lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người S’tiêng

Trong xã hội mẫu hệ, phụ nữ đóng vai trò quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các thành viên trong gia đình và cộng đồng, chi phối các mặt trong đời sống kinh tế, văn hóa, các quan hệ xã hội, đời sống tinh thần của cộng đồng. Trên thế giới, xã hội mẫu hệ của các tộc người có những đặc điểm không giống nhau, nhưng có các điểm chung là: người phụ nữ đi cưới chồng, người chồng cư trú phía nhà vợ, con cái lấy họ mẹ, phụ nữ thừa kế, quản lý tài sản. Điều này chúng tôi cũng thấy rõ khi đi nghiên cứu phong tục hôn nhân của một số tộc người tại tỉnh Lâm Đồng (tháng 3-2020). Nhưng đặc điểm mẫu hệ của người S’tiêng khác với tộc người mẫu hệ của Êđê, Jrai, Chăm. Điểm giống nhau là sau lễ cưới, người đàn ông cư trú bên vợ, con cái mang dòng họ bên mẹ, phụ nữ thừa kế tài sản, người đàn ông không được lấy nhiều vợ. Tuy nhiên, phụ nữ S’tiêng mẫu hệ không đi cưới chồng như người Êđê, Jrai, Chăm.

Giá trị của sính lễ

Người S’tiêng vừa mang đặc điểm xã hội phụ hệ vừa mang đặc điểm xã hội mẫu hệ (song hệ), nên sính lễ trong hôn nhân giữa người S’tiêng phụ hệ và mẫu hệ có khác nhau. Sính lễ ở người S’tiêng mẫu hệ ít tốn kém hơn. Đối với người S’tiêng phụ hệ, việc trả sính lễ trong hôn nhân là một gánh nặng đối với gia đình nhà trai. Hôn nhân của người S'tiêng phụ hệ có nhiều hình thức khác nhau như: hôn nhân tự nguyện, do cha mẹ sắp đặt, do nhà gái gả bán cho nhà trai, theo tục nối dây, cướp vợ, lấy nô lệ, lấy vợ lẽ, hứa hôn, lấy vợ của người khác... nên sính lễ trong hôn nhân rất phức tạp, tốn kém so với người S’tiêng mẫu hệ.

Trong các hôn nhân nêu trên, hôn nhân theo hình thức cướp vợ là tốn kém sính lễ nhất, nhà gái có quyền đưa ra số lượng sính lễ, quyết định thời gian giao sính lễ và những yêu cầu khác cho người thân, làng của cô gái. Chỉ có hôn nhân do nam, nữ yêu nhau và bị bắt quả tang xảy ra trong làng chàng trai, nhất là tại nhà chàng trai thì gia đình nhà gái không có quyền đòi sính lễ. Người S’tiêng ví hiện tượng này như “d’ur ic klau, tmau ic tam” tức là con gái thích (đi tìm) con trai, như cục đá dưới nước đi tìm con cua, một hiện tượng trái ngược đối với tự nhiên và xã hội. Đặc biệt là hôn nhân theo hình thức gả bán, nhà gái không có quyền đòi hỏi sính lễ cao. Vì vậy, trong xã hội truyền thống, người S’tiêng luôn dạy bảo con gái phải cần cù lao động… để được nhà trai cưới hỏi tử tế, nâng phẩm giá của mình và danh dự cho gia đình, dòng họ nhà gái, tránh yêu đương bị bắt quả tang, bị gả bán.

Giá trị sính lễ (S’tiêng phụ hệ) trong hôn nhân truyền thống phụ thuộc vào hôn nhân người mẹ cô gái và đức tính của cô gái. Người S’tiêng quan niệm rằng, việc con gái về nhà chồng là một thiệt thòi lớn cho cha mẹ, dòng họ bên nhà gái. Điều này cũng giống như những gia đình nhà trai thuộc dân tộc mẫu hệ (khi con trai về bên nhà vợ). Theo phong tục, mẹ cô dâu được cưới bao nhiêu sính lễ thì cô dâu được cưới bấy nhiêu sính lễ và cứ thế nối tiếp. Nguyên tắc này mang tính tiền lệ, không có sự mặc cả (trả giá) trong hôn nhân. Tác giả Cửu Long Giang và Toan Ánh (Cao Nguyên Miền Thượng, 1974), mô tả: “Nhà trai phải nộp cho nhà gái nhiều lễ vật như: một người đầy tớ (nô lệ: dic, tương đương 2 Srung); 1 ghè rượu quý loại Srung hay Djri; 1 con dao hoặc 1 thanh lao cổ; 1 cái chiêng; 7 cái vò rượu nhỏ; 1 cái tô đồng; 10 cái tô lớn; 20 cái tô nhỏ; 1 cái vòng bằng đồng thau; 1 chuỗi vòng bằng hạt cườm lớn; 1 chuỗi vòng bằng hạt cườm nhỏ; 1 cái sà rông dài 2 thước bằng lụa; 1 cuộn chỉ". Ngoài ra, nhà trai còn phải làm: “cúng 1 con heo cho thần rừng; cúng 1 con heo thần làng; biếu 1 con heo cho người làm chứng; làm 1 con trâu cho cả làng ăn uống; rượu trong khi làm lễ, bắt buộc phải để trong ghè rượu quý "Srung"” (tr.382).

Nếu nhìn vào giá trị sính lễ, chắc chắn ai cũng suy nghĩ và lo lắng về những khoản sính lễ ấy, nhất là đối với gia đình nghèo. Hiện nay, nếu quy ra tiền thì những giá trị sính lễ này lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí có những cổ vật (Srung, chiêng cổ, cồng cổ, lao cổ, vòng bằng đồng thau) có tiền cũng không thể mua được. Nếu phân tích dưới góc nhìn giá trị văn hóa, công lao chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình nhà gái để có một cô gái trưởng thành, giỏi giang thì việc nhà gái nhận sính lễ ấy cũng xứng đáng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: “sính lễ như một giá trị đền bù" về những sự mất mát của phía gia đình nhà gái (Võ Tấn Tú, Hôn nhân và gia đình của người Chu Ru, 2016, tr.14). Qua khảo sát tại Lâm Đồng, một số dân tộc mẫu hệ (cô gái cưới chồng) việc tính sính lễ còn phụ thuộc vào trình độ của chàng trai.

Người S’tiêng quan niệm: sính lễ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự bền vững của hôn nhân. Có lẽ vì vậy mà trong xã hội truyền thống, người S’tiêng ít khi ly hôn, đặc biệt là người phụ nữ khi có chồng không ngoại tình, không chủ động đề nghị ly hôn. Người S’tiêng còn quan niệm giá trị của hôn nhân không chỉ được thể hiện bởi nhà trai trả nhiều của cải cho nhà gái, giết mổ nhiều con vật, uống nhiều ché rượu, lễ cưới được tổ chức nhiều ngày... mà giá trị còn được tính bởi tình cảm của gia đình nhà trai dành cho nhà gái, cách thức giao sính lễ, sự tham gia của cộng đồng trong ngày lễ cưới, việc chia thịt cưới cho cộng đồng.

Chia thịt (ta ton pai) trong lễ cưới (pai ta ruôt) cho cộng đồng là một biểu hiện của tính cộng đồng của người S’tiêng. Nếu không chia thịt cưới cho cộng đồng coi như đó là một sự ích kỷ, tham lam và khi gia đình có ốm đau, tang ma hay làm nhà, phát rừng, lao động, sản xuất sẽ không có người đến chia buồn, hỗ trợ. Người S’tiêng quan niệm, tham lam, ích kỷ dẫn đến mất đoàn kết, vì vậy dù 1 con vật nhỏ cũng phải cắt chia ("pai dông heq ta siêt"), dù 1 miếng thịt nhỏ cũng phải chia ("pai kiêt ta ton"). Về phần thịt, ngoài chia cho 2 gia đình, những người làm chứng, người tham gia giết mổ thì phần còn lại phải chia cho cộng đồng. Người đại diện mỗi bên dòng họ, đại diện cho các làng có trách nhiệm đếm số hộ (năk) của làng mình để thông báo cho người chia biết số lượng cần chia. Đây là giá trị văn hóa độc đáo của người S’tiêng.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/139572/can-thay-doi-phong-tuc-tra-sinh-le-trong-hon-nhan-truyen-thong-nguoi-s-tieng