Cần thay đổi tư duy về kiểm định xe mới và thời hạn đăng kiểm ô tô tại Việt Nam
Là chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xe hơi ở Đức, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng đưa ra đề xuất thay đổi quy định về kiểm định xe ô tô mới và khí thải xe...
Thời gian gần đây Việt Nam xáo trộn việc làm của ngành đăng kiểm, cũng như thể thức hoạt động của ngành này và những điều kiện kiểm tra xe do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện.
Là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ xe hơi, đã từng thiết kế, kiểm định trực tiếp những hệ thống trong xe hơi, đặc biệt là về khí thải của một đơn vị sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu. Và đã từng làm việc với ba đời Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam về vấn đề khí thải và quy trình kiểm định.
Tôi muốn đưa ra quan điểm, nhận xe của tôi để nhiều người hiểu thêm sự khác biệt đăng kiểm xe hơi tại Việt Nam và trên thế giới.
Công nghệ xe hơi là công nghệ cơ khí chính xác, không thua gì ngành chế tạo máy bay. Có một doanh số bán ra cao hơn nhiều so với doanh số máy bay. Chu trình kiểm tra chất lượng và kiểm định của một chiếc xe hơi ở châu Âu trước khi đưa ra sử dụng rất nghiêm ngặt từ nước sơn, độ an toàn cho người dùng cũng như người ngồi trong xe và người đi bộ trên đường.
Quan trọng của một chiếc xe ô tô là máy (động cơ) và khí thải. Nhiều bộ phận trong máy được thiết kế với dung sai 1/1.000 milimet. Tôi nói sơ về chu trình kiểm tra, thiết kế, chất lượng của từng tổ hợp quan trọng trong xe.
Thứ nhất là động cơ ô tô được thiết kế với độ chính xác rất cao. Từ buồng nổ, pistton, sau đó được kiểm tra với 200.000 km trong buồng kiểm tra và thử nghiệm thực tế trên mọi loại địa hình như lội nước, bùn. Có một đội ngũ nhân viên 24/24 chỉ chạy xe với nhiều vận tốc và địa hình khác nhau, sau đó kiểm tra sự hao mòn, phá vỡ rồi lại lắp ráp để chạy tiếp.
Thứ hai về khí thải, hệ thống xử lý khí thải ô tô để bảo vệ môi trường là bộ phận rất quan trọng trong xe hơi động cơ đốt trong.
Chính vì sự sản xuất chính xác và kiểm tra nghiêm ngặt của các đơn vị sản xuất xe hơi ở châu Âu và Nhật Bản, chúng ta không nên so sánh chất lượng, công nghệ ô tô của các nước này với xe hơi của Việt Nam thời xưa.
Tôi đã từng thiết kế và kiểm tra, kiểm nghiệm hệ thống xử lý khí thải cho nhiều mẫu xe tại CHLB Đức. Hệ thống xử lý khí thải là hệ thống phản ứng hóa học, xúc tác của bộ phận kim loại quý (Rhodium, Platium, Paladium, …) Bộ phận xử lý khí thải cũng được kiểm tra nghiêm ngặt như động cơ, cũng thử nghiệm 200.000 km với vận tốc tối đa trong nhiều môi trường ngập nước, nhiệt độ với bộ xúc tác lên đến 1.300 độ C để kiểm tra tuổi thọ của các bộ phận này.
Bên cạnh đó, bộ xúc tác còn được kiểm tra với nhiệt độ -20 độ C và nhiệt độ ở vùng sa mạc 50 độ C, núi cao 4.000 m (trên độ cao hàm lượng ôxy trong không khí thấp hơn). Ví dụ như ở mùa đông ở Nauy, Phần Lan, sa mạc Sahara và châu Mỹ, núi cao ở Nam Mỹ… Với những điều kiện này, bộ xúc tác đòi hỏi phải hoạt động theo đúng tiêu chuẩn khí thải.
Là chuyên gia trong ngành đã có hàng chục năm kinh nghiệm thiết kế, tôi khẳng định rằng với điều kiện giao thông ở Việt Nam, hệ thống khí thải theo tiêu chuẩn châu Âu sẽ không bao giờ bị lão hóa hay hư hao, trừ trường hợp chủ xe cố ý làm hỏng nó. Nếu hệ thống xử lý khí thải bị ngập nước hoặc đổ nhầm nhiên liệu cũng không bị ảnh hưởng, thay vào đó nó sẽ tự phục hồi trở lại sau thời gian ngắn.
Hệ thống phanh cũng được kiểm tra với vận tốc cao nhất ở Đức, với vận tốc trung bình ở trọng lượng cho phép trên ô tô. Từ đó, để biết được hệ thống phanh có khả năng bị cháy hay không. Khi tài xế đánh tay lái cần sử dụng phanh, hệ thống tay lái là bộ phận quan trọng, do đó hệ thống tay lái được kiểm tra hàng chục ngàn lần mà không bị ảnh hưởng dung sai. Độ an toàn cũng được thiết kế, sản xuất, kiểm nghiệm trong nhiều môi trường khác nhau rất kỹ trước khi cho ra thị trường.
Nhà sản xuất luôn phải chịu trách nhiệm về độ an toàn ngay cả khi hết thời hạn bảo hành. Sau thời gian bảo hành, nếu có lỗi về thiết kế, nhà sản xuất có trách nhiệm triệu hồi chỉnh sửa không thu phí với sản phẩm của mình.
Những thông tin và kinh nghiệm ở trên là những vấn đề để tôi đưa ra đề xuất. Cụ thể, những xe mới xuất xưởng không cần kiểm định mà chỉ đăng ký.
Về kỹ thuật: Khí thải xe mới không cần đo trong thời hạn 5 năm, sau đó 2 năm một lần và giữ tới suốt tuổi thọ xe. Ở Đức, họ thường di chuyển ở vận tốc cao, họ cũng chỉ 2 năm đo 1 lần, ở Mỹ 10 năm không đo khí thải.
Xe của tôi đã được đăng ký 15 năm (xe nhập khẩu, động cơ dầu) tại Việt Nam, nhưng đi kiểm định chỉ số khí thải vẫn nằm ở ngưỡng 30% cho phép. Hệ thống phanh, hệ thống lái chưa bao giờ có lỗi và các hạng mục khác cũng vậy ngoài việc bóng đèn bị cháy. Nhưng xe tôi phải đi kiểm định 6 tháng/lần sau 12 năm sử dụng là quy định “vô duyên”, việc này không phải vì lý do an toàn giao thông. Việc này làm mỏi mệt và tốn tiền cho xã hội.
Những quy định đăng kiểm trễ 1 ngày cũng bị phạt, chẳng lẽ chủ xe ngủ một đêm là ngày hôm sau xe mất an toàn. Đây cũng là quy định “vô duyên”!
Khi xe hết hạn kiểm định mà tham gia giao thông, chỉ nên phạt tiền khi chiếc xe thực sự có lỗi kiểm định hạng mục về an toàn như phanh, hệ thống lái. Nhiều khi tôi đi công tác nước ngoài 2 tháng, mà hết hạn kiểm định trong thời gian này thì tôi xử lý thế nào?
Trong kỹ thuật xe hơi, độ an toàn không mất đi ngay khi hết hạn kiểm định một ngày, một tuần hay một tháng. Nhưng phải đưa ra quy định để chủ xe được khuyến khích kiểm định đúng hạn. Cần phải thay đổi tư duy về chất lượng xe, an toàn xe lỗi thời. Chúng ta phải tiếp thu công nghệ mới, tuy duy mới để đem lại lợi ích, giảm chi phí xã hội.