Cần thay đổi tư duy xuất khẩu hàng hóa
Cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ Việt bứt phá
(HNM) - Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” và đang siết chặt thương mại tiểu ngạch với Việt Nam, hướng sang chính ngạch.
Tại hội nghị phát triển xuất khẩu nông - thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, đây là đòi hỏi tất yếu. Nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi nếu muốn phát triển bền vững, không chỉ với thị trường Trung Quốc, mà với các thị trường quốc tế khác.
Các xe container chở hàng hóa tập kết tại bãi xe ở cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục để qua biên giới. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)
Nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, có tới 60-70% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, khiến giá trị nông sản xuất khẩu thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, từ giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động, thực vật và chất lượng hàng hóa, thủy sản nhập khẩu.
Đó là thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội tốt cho cả doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Vì đây là xu thế tất yếu, không chỉ riêng Trung Quốc, mà nhiều thị trường khác cũng đặt ra các hàng rào liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu…
Trong khi đó, một trong những bất cập mà phía các nhà xuất khẩu Việt Nam chưa khắc phục được, đó là nông - thủy sản chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định. Vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa kịp thời cập nhật, hoặc đã biết thông tin nhưng chưa thay đổi cách thức tiếp cận phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc.
Vì vậy thiết nghĩ, các doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất theo quy hoạch, căn cứ theo nhu cầu thị trường, mùa vụ. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại thị trường Trung Quốc; từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, độ an toàn, mẫu mã sản phẩm; thay đổi tư duy xuất khẩu tiểu ngạch...
Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để kiểm soát dư lượng bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, để các sản phẩm nông - thủy sản Việt Nam bảo đảm an toàn, đáp ứng tốt quy định về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... Việc thay đổi tư duy xuất khẩu nông - thủy sản sẽ giúp những mặt hàng này không còn chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà sẽ chinh phục được nhiều thị trường khác.