Cần thêm chế độ, chính sách ưu tiên để giải 'bài toán' thiếu GV ở vùng khó khăn

Nhiều địa phương đang thiếu GV Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật nhất là tại vùng khó. Để khắc phục, các địa phương điều động, luân chuyển GV, cho HS ghép lớp.

Khó khăn lớn nhất nằm ở nguồn tuyển dụng

Chương trình giáo phổ thông 2018 đã được triển khai toàn diện ở tất cả các khối lớp từ 1 đến 12, với nhiều môn học và hoạt động giáo dục mới so với chương trình giáo dục phổ thông 2006. Điều này đòi hỏi phải nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên nhằm đảm bảo đáp ứng chương trình.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn đang trở thành “bài toán khó” cần tìm lời giải tại các địa phương, đặc biệt, đội ngũ giáo viên các môn học như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật ở vùng khó.

 Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.

Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết, hiện nay, thị xã Sa Pa thiếu 177 biên chế giáo viên so với định mức tỉnh giao.

Cụ thể, mầm non thiếu 48 giáo viên; tiểu học thiếu 66 giáo viên (trong đó, thiếu 10 giáo viên Tiếng Anh, 5 giáo viên Tin học, 4 giáo viên Âm nhạc và 3 giáo viên Mỹ thuật…); trung học cơ sở thiếu 63 giáo viên (trong đó, thiếu 8 giáo viên Tiếng Anh, 6 giáo viên Tin học, 4 giáo viên Âm nhạc, 3 giáo viên Mỹ thuật...). Hiện tại, đối với cấp mầm non, có 419 giáo viên/251 lớp (đạt 1,67 giáo viên/lớp); cấp tiểu học có 490 giáo viên/359 lớp (đạt 1,36 giáo viên/lớp); cấp trung học cơ sở có 316 giáo viên/184 lớp (đạt 1,7 giáo viên/lớp).

Theo thầy Chinh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên hiện nay là do thiếu nguồn tuyển cùng tình trạng giáo viên xin chuyển vùng và xin thôi việc.

“Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thị xã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tuyển dụng số lượng biên chế còn thiếu, nhưng do thiếu nguồn tuyển, nên không tuyển đủ số lượng yêu cầu. Chẳng hạn, năm học 2023-2024, nhu cầu tuyển dụng 185 chỉ tiêu giáo viên, nhưng chỉ tuyển dụng được 73 giáo viên. Năm học 2024-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình đăng ký nhu cầu tuyển dụng giáo viên, hiện nay đang chờ quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai”, thầy Chinh chia sẻ.

 Thầy Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Tương tự, thầy Hà Đình Phong - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) cũng cho hay, việc thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn huyện là do nguồn tuyển giáo viên khan hiếm.

“Do đặc thù là huyện miền núi, nên tại huyện Đồng Văn, việc tuyển dụng giáo viên là vô cùng khó khăn. Toàn huyện đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là ở bộ môn Tiếng Anh. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu cho đơn vị cấp trên và phối hợp với các trường học trên địa bàn để đưa ra những phương án khắc phục tình trạng này” - thầy Phong thông tin.

Điều động, luân chuyển giáo viên và cho học sinh ghép lớp

Bàn về vấn đề này, thầy Bùi Bằng Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiến Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) cho hay, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thiếu giáo viên cục bộ nằm ở khâu tuyển dụng và chế độ chính sách.

“Từ thực tế những năm qua, có thể thấy, tình trạng tuyển dụng giáo viên tại khu vực huyện Lương Sơn hiện đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù chế độ đãi ngộ cho giáo viên mới được cải thiện trong 1-2 năm trở lại đây, nhưng mức lương khởi điểm còn thấp, dẫn tới tình trạng giáo viên đi làm các công việc khác để đảm bảo cuộc sống”.

Thầy Nam cũng phân tích thêm: “Theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, dưới sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ, việc tinh giản biên chế đã được triển khai trong thời gian qua. Theo đó, nhiều đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế nằm trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên buộc phải thôi việc.

Trong khi đó, số lượng học sinh ngày càng tăng lên, nhu cầu về giáo viên cũng gia tăng nhưng lại không đáp ứng đủ do nguồn nhân lực bị cắt giảm. Việc thiếu giáo viên trong bối cảnh này là một hệ quả tất yếu”.

Theo thầy Bùi Bằng Nam, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ hiện là “bài toán khó” đối với các trường học, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh.

Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, đã nêu rõ: Số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, tại vùng 2 (các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi): bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

“Do thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiến Sơn phải thực hiện công tác dồn lớp học. Trong đó, nhiều lớp tiểu học có số lượng lên đến hơn 40 học sinh, vượt ngưỡng quy định so với trường học tại vùng 2 theo Thông tư số 20. Điều này không chỉ tác động trực tiếp tới công tác giảng dạy mà còn ảnh hưởng tới điều kiện học tập tới học sinh của nhà trường” - thầy Nam bày tỏ.

Vị Hiệu trưởng cũng cho biết thêm, nhà trường đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ và động viên đội ngũ giáo viên hiện có, cụ thể: “Nhà trường đã sắp xếp để giáo viên tăng giờ dạy và đảm nhận thêm các lớp học, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự.

Hiện tại, nhà trường đang đề xuất các cơ quan chức năng, đặc biệt là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Lương Sơn xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức bộ môn Tiếng Anh, nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Trong thời gian chờ đợi, nhà trường tiếp tục động viên đội ngũ giáo viên hiện có và xin ý kiến chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo về việc ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài.

Tuy nhiên, để thực hiện việc hợp đồng giáo viên, nhà trường cần sự hỗ trợ về ngân sách từ Ủy ban nhân dân huyện. Nguồn ngân sách này sẽ là cơ sở để nhà trường có thể thuê giáo viên hợp đồng từ các khu vực lân cận, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt và đảm bảo chất lượng giảng dạy”.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa chia sẻ, Phòng đã có những phương án cụ thể: “Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thị xã về việc điều động, luân chuyển giáo viên giữa các trường ngay từ đầu năm học, thông báo và tổ chức hợp đồng giáo viên cho đến hết năm học hoặc tuyển dụng đủ giáo viên (đến nay hợp đồng được hơn 30 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non), tổ chức biệt phái, giao nhiệm vụ kiêm nhiệm giảng dạy từ 2-3 trường cho giáo viên cùng khu vực.

Hiện nay, ngành giáo dục Sa Pa vẫn đang cố gắng đảm bảo đúng chương trình dạy học, học sinh được học tất cả các môn, nội dung theo đúng quy định. Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu với Ủy ban nhân dân thị xã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm có kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm học 2024-2025.

Ngoài ra, các năm 2023 và 2024, thị xã Sa Pa đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cử 6 sinh viên học hệ cử nhân ngành sư phạm (3 sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Anh, 3 sinh viên ngành Sư phạm Tin học)”.

Cần thêm chế độ, chính sách để giải “bài toán” thiếu giáo viên

Theo thầy Hà Đình Phong, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) hiện chưa có nhiều chính sách dành cho giáo viên. Tuy nhiên, ngoài giáo viên đã trong biên chế, giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện cũng đã nhận được hỗ trợ từ phía các nhà trường. Nhờ vậy, các thầy cô cũng yên tâm công tác phần nào và tính đến nay, tại địa phương chưa ghi nhận trường hợp giáo viên nào xin nghỉ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, thầy Phong cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn đã có những phương án cụ thể để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ: “Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện các phương án cụ thể và đã thành lập tại mỗi trường học đều có ít nhất một phòng học trực tuyến. Trong đó, Phòng phối hợp với các trường trên địa bàn chủ động bố trí giáo viên dạy học theo hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến. Đối với các lớp đông học sinh, có thể dồn lại để dạy trực tuyến môn Tiếng Anh. Việc này nhằm đảm bảo tất cả các học sinh đều được học tập đầy đủ”.

Theo thầy Phong, các biện pháp áp dụng hiện đã phát huy hiệu quả, khi tất cả các đối tượng học sinh trên địa bàn huyện đều được tiếp xúc và học môn Tiếng Anh.

Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy cũng phần nào bị ảnh hưởng do khả năng tương tác khi học trực tuyến bị giảm đáng kể, đặc biệt với môn học cần sự giao tiếp.

 Thầy Hà Đình Phong - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Ảnh: Mộc Trà.

Thầy Hà Đình Phong - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Ảnh: Mộc Trà.

Trong khi đó, về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ hiện nay, vị Trưởng phòng cho biết: “Hiện nay, giáo viên đã được sự quan tâm từ nhiều chính sách của Nhà nước, của địa phương; tuy nhiên để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên hiện nay và nâng cao chất lượng dạy học, ngành giáo dục thị xã Sa Pa có một số đề xuất, kiến nghị. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục có những chính sách đãi ngộ cho giáo viên, nhân viên trường học, đặc biệt là giáo viên tại các xã vừa hoàn thành nông thôn mới (xã vùng cao chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhưng thu nhập như ở các vùng thuận lợi).

Thứ hai, tỉnh cần có những chính sách thu hút giáo viên hơn nữa, đặc biệt là giáo viên tại địa phương; hiện nay, thị xã đang thiếu chủ yếu là giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ giáo viên an cư tại địa phương (tiếp tục xây nhà công vụ, bố trí quỹ đất hỗ trợ cho giáo viên).

Thứ ba, tỉnh cần có thêm những chính sách hỗ trợ giáo viên trong việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông 2018. Song song với đó, tiếp tục thực hiện chính sách liên kết đào tạo, đặt hàng (cử tuyển) đối với người học tại địa phương.

Thứ tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai sớm có kế hoạch, tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học cho các địa phương còn thiếu”.

Mạnh Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-them-che-do-chinh-sach-uu-tien-de-giai-bai-toan-thieu-gv-o-vung-kho-khan-post247744.gd