Trường đại học thành đại học: Chồng chéo, cồng kềnh và gây lãng phí
Việc các trường đại học được chuyển thành đại học khiến bộ máy quản lý ngày càng phình to, đẩy học phí tăng lên vì chi phí vận hành tăng.
Ban điều hành mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Luật – Đại học Huế vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018”.
Đáng chú ý trong đó, nhiều ý kiến thẳng thắn chia sẻ về những bất cập với mô hình đại học hiện nay.
Tránh nhập nhằng giữa các mô hình đại học
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc một công ty luật cho rằng hiện nay, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung đã định hướng cho các cơ sở giáo dục đại học được phát triển lớn mạnh, nhất là xuất hiện nhiều đại học mới. Điều này sẽ tạo điều kiện để phát triển nghiên cứu và đào tạo liên ngành, người học được học song bằng, tăng số lượng công bố quốc tế và xếp hạng…
Theo bà Phụng, các đại học có điểm tốt là hai cấp để cộng lực, phát triển. Tuy nhiên, phân cấp giữa đại học và trường thành viên chưa rõ ràng, có những trường thành viên không được tự chủ bằng các trường đại học khác.
Do đó, bà Phụng cho rằng khi sửa đổi luật cần quy định theo hướng tăng tự chủ cho các trường thành viên. Cấp đại học chỉ thực hiện nhiệm vụ quyền hạn do cấp trên phân cấp, quy định khung, tổ chức nguồn lực dùng chung hiệu quả chứ không phải từ các trường thành viên đưa lên.
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng hiện nay có nhiều bất cập về vị trí pháp lý giữa đại học quốc gia, đại học vùng và đại học về nhân sự, cơ cấu tổ chức, vị trí quản lý, bằng cấp/chứng chỉ.
Đơn cử như cấu trúc đại học quốc gia và đại học vùng đều có hai cấp hoàn chỉnh, còn đại học mà gồm các trường thì chưa phải đại học hai cấp hoàn chỉnh.
Hay như trong đại học quốc gia, đại học vùng, các trường thành viên có sự độc lập, tự chủ nhất định, có hệ thống quản lý, có mã tuyển sinh riêng, có con dấu riêng,... Chính vì vậy, trong cùng một đại học có rất nhiều bằng do hiệu trưởng ký. Trong khi các đại học mới thành lập, trường trực thuộc không có tư cách pháp nhân nên chỉ có một bằng đại học do giám đốc ký.
Từ đây, Tiến sĩ Tuyết Dung kiến nghị Luật Giáo dục đại học cần làm rõ quy chế pháp lý của từng loại hình đại học quốc gia, đại học, trường đại học. Điều này sẽ giúp đảm bảo “tính ổn định” trong hệ thống, để các trường đại học, các đại học bớt xáo trộn, tập trung phát triển giáo dục đại học bền vững.
Nên bỏ quy định "cho phép trường đại học được chuyển thành đại học"
Trình bày sâu về vấn đề này, đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS Mai Văn Thắng (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng Luật Giáo dục đại học hiện hành chỉ mới tập trung vào giải quyết vấn đề tự chủ đại học nên đã góp phần tạo ra hệ thống quản trị đại học cồng kềnh, đa tầng, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội.
Cụ thể, thứ nhất, quy định hiện nay cho phép chuyển các trường đại học thành đại học, liên kết các trường đại học thành đại học. Nhưng thực tế lại chủ yếu diễn ra theo xu hướng “chuyển các trường đại học thành đại học”, đặc biệt là khối công lập.
Đây là nhu cầu chính đáng, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, theo PGS.TS Mai Văn Thắng, chính thực trạng này đã dẫn đến hậu quả là bộ máy quản lý cồng kềnh, thêm tầng nấc (từ 3 cấp lên 4 cấp), từ cấp bộ môn, cấp khoa, ban giám hiệu, rồi hội đồng trường, ban giám đốc đại học, thêm Hội đồng đại học... Đội ngũ nhân sự quản lý từ đó cũng tăng thêm.
Quy mô đào tạo phải mở rộng, phải mở thêm nhiều ngành để thu hút người học khiến cơ sở đào tạo ngày càng phình lên.
“Khi bộ máy cồng kềnh thì chi phí hoạt động cũng phải tăng lên nhưng trong bối cảnh tự chủ, ngân sách nhà nước không chi trả thì xã hội phải chịu chi phí đó, đó chính là học phí tăng. Điều này sẽ gây ra bất bình đẳng vì học phí cao, nhiều học sinh sinh viên khó tiếp cận giáo dục đại học” - PGS.TS Mai Văn Thắng thẳng thắn.
Thứ hai, PGS.TS Thắng cho rằng mô hình quản trị đại học quốc gia và đại học vùng còn nhiều vấn đề pháp lý dẫn đến sự cồng kềnh trong quản lý, vận hành và lãng phí nguồn lực.
Vấn đề thứ ba theo PGS.TS Mai Văn Thắng là tình trạng mở rộng ngành đào tạo và hiện tượng các trường tự trở thành “đại học tổng hợp” trong bối cảnh được tự chủ.
Rất nhiều trường chuyên về kỹ thuật, công nghệ, không liên quan đến kinh tế hay luật nhưng vì để “sống sót” nên mở tất cả các ngành này dù đội ngũ giảng viên hạn chế. Điều này khiến nhiều sinh viên ra trường khó xin việc đúng chuyên môn, chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu xã hội.
Từ những thực tế này, PGS.TS Mai Văn Thắng đề xuất Luật Giáo dục đại học cần bỏ quy định cho phép các trường đại học được chuyển thành đại học đối với các cơ sở công lập. Song song đó là bỏ quy định cho phép liên kết các trường đại học thành đại học đối với các cơ sở giáo dục đại công lập, hoặc nếu vẫn giữ thì phải quy định chi tiết điều kiện tinh, gọn và sau khi liên kết phải thu gọn được ít nhất 1/3 hoặc ½ bộ máy.
Ngoài ra, luật cần xây dựng cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm chặt chẽ, đặc biệt là cơ chế công khai, giám sát xã hội đối với việc mở mới các chương trình đào tạo và chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.
Đồng thời, xem lại tính hiệu quả của mô hình đại học vùng và cần định vị rõ địa vị pháp lý, mô hình quản trị của đại học quốc gia để thực sự trở thành đại học xuất sắc, thực hiện được các sứ mệnh quốc gia.
Quy mô đào tạo đại học tại Việt Nam hiện nay
- 2 đại học quốc gia: Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP.HCM.
- 3 đại học vùng: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng
- 4 đại học: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Duy Tân.
- Gần 200 trường đại học, học viện (không phải là trường thành viên), trong đó có 26 trường thuộc các địa phương.
- 38 trường đại học thành viên của các đại học.
- 24 trường thuộc đại học.
- Khoảng 30 viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân.