Cần thêm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động yếu thế

Giải quyết việc làm cho nhóm người lao động yếu thế là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của các quốc gia.

Nhiều lao động chưa sẵn sàng

Theo cách nhìn nhận thông thường, nhóm lao động yếu thế được hiểu là lao động nghèo thuần túy, lao động di cư, lao động trẻ em, người khuyết tật, người tái hòa nhập cộng đồng… Đây là nhóm lao động dễ bị tổn thương hoặc có thể nhanh chóng rơi vào tổn thương khi đứng trước các biến động kinh tế - xã hội.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 10 năm gần đây, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và các văn bản chỉ đạo tập trung thực hiện giải pháp về việc hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động nói chung, lao động yếu thế nói riêng có kỹ năng nghề đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Cần hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động yếu thế. Ảnh: Minh Nguyễn

Cần hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động yếu thế. Ảnh: Minh Nguyễn

Có thể kể đến như: Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó có đối tượng là lao động nữ (phụ nữ là người khuyết tật, phụ nữ đơn thân...), lao động nông thôn, người khuyết tật; Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho 200.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện, trong đó có phụ nữ yếu thế; Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có lao động là phụ nữ yếu thế…

Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó phụ nữ yếu thế.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở đào tạo nghề chỉ tổ chức đào tạo khi xác định được nơi làm việc và thu nhập của người học, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở Luật Việc làm năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ tạo việc làm nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nữ, lao động sau đào tạo nghề (chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn; chính sách việc làm công; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho các nhóm lao động yếu thế; chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển tổ chức dịch vụ việc làm để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, phát triển hệ thống thông thị trường lao động; chính sách về bảo hiểm thất nghiệp...)…

Tuy nhiên trên thực tế, việc thúc đẩy việc làm cho các đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn thách thức cả về công tác đào tạo, môi trường lao động và bản thân nhận thức của người lao động...

Thực tế ngay tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam rất trăn trở khi hiện nay số doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận tuyển dụng lượng lao động thuộc đối tượng lao động đặc thù như lao động mãn hạn tù, nghiện ma túy, nhiễm HIV… còn ít. Bên cạnh đó, nhóm lao động này hầu hết chưa sẵn sàng làm việc, phần lớn là lao động phổ thông, thiếu kỹ năng lao động.

Ở không ít địa phương, việc dạy nghề cho nhóm đối tượng yếu thế còn khoảng cách khá lớn từ dạy nghề đến giải quyết việc làm, do hạn chế về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, khả năng hòa nhập với đời sống đô thị hoặc ở địa phương khác...

Có chính sách hỗ trợ cả người lao động và doanh nghiệp

Để tiếp tục giải quyết vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 9/2024.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, người dân để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về hỗ trợ tạo việc làm nói chung, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm nói riêng, hướng tới hỗ trợ đối tượng lao động có nhu cầu, nhất là lao động yếu thế.

Bàn về giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững cho nhóm lao động này hiện nay, nhiều ý kiến bày tỏ: Về cơ bản, cần phải nâng cao kiến thức, kỹ năng. Đây là hướng tốt nhất nhưng khó khăn nhất, vì đặc điểm hạn chế khá phổ biến của nhóm lao động yếu thế là thiếu chủ động, thiếu ý chí vươn lên, thiếu tinh thần tự cứu. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ, kỹ năng thông qua hệ thống giáo dục và đào tạo chính quy, đảm bảo trang bị những kiến thức, kỹ năng chung…

Dưới góc độ địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thời gian tới thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo việc làm trong nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, lao động đặc thù... ; đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các nhóm lao động yếu thế…

Đánh giá của giới chuyên gia, dù đã có sự cải thiện lớn song số lao động hiện nay ở Việt Nam nằm trong nhóm lao động yếu thế còn không ít. Nếu không tìm được giải pháp sinh kế bền vững, không giảm được số lượng này thì hệ lụy rõ ràng nhất là nền kinh tế và xã hội không bền vững, nếu không nói là dễ rơi vào tổn thương.

Trước thực tế đó, nhiều ý kiến có chung đề xuất: Cần khẩn thiết phải có quy định, chính sách để giải quyết, nhằm tạo cơ chế việc làm bền vững cho người lao động yếu thế. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và sử dụng lao động tại chỗ, nhằm tạo việc làm cho các đối tượng này.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các mô hình dạy nghề và tạo việc làm; kết nối đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến việc làm và phục hồi khả năng lao động cho người khuyết tật tại những cơ sở dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp…

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-them-chinh-sach-ho-tro-dao-tao-nghe-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong-yeu-the-341359.html