Cần thêm chính sách ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh
Kinh tế trên đà phục hồi trong quý 4/2023, DN tất bật đón sóng tiêu dùng dịp Tết với dự báo nhu cầu tăng 10 - 30%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ ở Hà Nội cũng đang diễn ra khá sôi động, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm...
Sản xuất xanh phát triển bền vững
Theo báo cáo mới nhất từ UOB ghi nhận, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng tốc mạnh hơn lên 5,33% so với cùng kỳ trong quý 3/2023. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ từ sự cải thiện trong hoạt động xuất nhập khẩu thương mại, sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Đến nay Hà Nội, đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Trong đó giao nhiệm vụ cho các DN sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thủ đô. Tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.
Ở phía DN, các bên cũng đang tất bật chuẩn bị hàng đón sóng mua sắm cuối năm. Khi, chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn năm 2024, trước tình hình hiện nay những mặt hàng thiết yếu được dự đoán sẽ được ưu tiên mua sắm trong mùa Tết.
Theo ghi nhận của hệ thống Wincommerce, các tháng cuối năm nhu cầu mua sắm thường tăng cao hơn các tháng khác trong năm (trung bình tăng 20%). Theo kinh nghiệm chung của ngành bán lẻ và kinh nghiệm triển khai các hoạt động trong năm ngoái, sức mua tăng đáng kể vào cuối năm. Cụ thể, doanh thu tăng 15 - 20% so với giai đoạn thường, và hàng hóa tăng 20 - 30% số lượng để phục vụ cung ứng.
Nhân dịp phục hồi kinh tế các DN Hà Nội tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực trong việc sản xuất các sản phẩm xanh, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, việc quyết liệt triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các DN trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chính sách thuế, phí cần dựa trên tình hình thực tế
Hiện Việt Nam có tình trạng có tiền không tiêu được, như đầu tư công có tiền mà không giải ngân được, hay như các ngân hàng hiện thừa thanh khoản nhưng không thể cho vay. Để giải quyết tình trạng này, cải cách thể chế là vô cùng quan trọng, thể chế tốt mới khơi thông được nguồn lực và giúp “tiền đẻ ra tiền” và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của toàn xã hội.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng: do yếu tố thời vụ, các đơn hàng xuất khẩu cũng được đẩy nhiều hơn vào dịp cuối năm; cầu tiêu dùng trong nước được kích hoạt dịp cận Tết Nguyên đán. Tất cả việc này sẽ là đóng góp cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024.
Vì vậy, việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn là rất cần thiết lúc này. Chính sách thuế, phí cần dựa trên tình hình thực tế. Cần cố gắng thực hiện tiếp các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho người dân và DN như hiện nay và không nên có động thái tăng hoặc bổ sung một số loại thuế, phí mới như một số Bộ, ngành đang chuẩn bị cho năm 2024.
Nhận định về thị trường các nước trong năm 2024 nhiều chuyên gia cho rằng: thế giới hiện nhiều quốc gia có xu hướng sử dụng các rào cản thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, tăng hàng rào kỹ thuật hạn chế hàng nhập khẩu. Song song đó, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững ngày càng phổ biến hơn, sản phẩm organic được khuyến khích nhiều hơn, kinh tế chia sẻ được vận dụng rộng rãi hơn nhờ sự phát triển của công nghệ.
Ông Dzũng Nguyễn, Giám đốc điều hành NielsenIQ cho rằng, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững, tuần hoàn sẽ là trọng tâm trong tương lai. Khách hàng chủ đạo hiện nay và những năm tới là thế hệ gen Y (những người sinh ra trong những năm 1980 - 1995) và gen Z (những người sinh ra sau 1995 - 2012).
Chính vì vậy, DN sản xuất, dịch vụ cần chú trọng giữ chân gen Y và làm thân với gen Z; tập trung cải tiến sản phẩm theo hướng tốt hơn cho sức khỏe, thân thiện hơn với môi trường và tiết kiệm hơn. Về phương thức bán hàng, thương mại điện tử, các hình thức bán hành online bắt đầu vượt qua offline và phổ biến xuyên biên giới. DN cần đa dạng hóa kênh bán hàng và có cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm khách hàng khác nhau để mang lại hiệu quả tối ưu.