Cần thêm cơ chế miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Gần đây đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ đã thu hút sự chú ý của nhiều đơn vị. Trong khi một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vui mừng vì những hỗ trợ kịp thời từ chính phủ thì một bộ phận doanh nghiệp khác cho rằng đề xuất giảm thuế lần này chưa lan tỏa đến họ.
Là đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm cho các trường học nên khi học sinh nghỉ học thì công ty Cổ phần XNK Nông Sản Thực phẩm Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Suốt một thời gian nghỉ dịch Covid-19, họ đã không có nguồn thu. Chia sẻ với PV, Bà Trần Thị Thu Hằng, TGĐ Công ty Cổ phần XNK Nông Sản Thực phẩm Việt Nam cho biết: “Gần 4 tháng nghỉ như vậy thì chắc là chúng tôi không có lợi nhuận của năm nay rồi và nếu đã không lợi nhuận thì sẽ không thể nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thể giãn nợ thuế trong 9 tháng đến 1 năm thì các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn cũng như là giúp cho cái dòng tiền lưu thông được tốt hơn.”
Một số doanh nghiệp muốn tăng thời gian nộp thuế TNDN lên 12 tháng. Ảnh minh họa
Được biết, đề xuất của Chính phủ là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Tuy nhiện, một số doanh nghiệp cho rằng nếu doanh thu trên 50 tỷ nhưng tính hết các chi phí mà không thu lại được lợi nhuận thì cũng nên xem xét được hồ trợ.
Đều đồng ý giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, song nhiều đại biểu QH cho rằng nếu chỉ căn cứ vào hai tiêu chí như trên thì chưa thực sự chính xác.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phân vân rằng, nếu xác định theo hai tiêu chí trên thì còn rất cào bằng. Để không cào bằng, theo đại biểu, ngoài xác định tiêu chí đặc thù cho một số ngành nghề cũng nên loại trừ những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít thì không nên hỗ trợ, nên lấy tỷ suất lợi nhuận để so sánh, đại biểu Tuyết đề nghị.
Khẳng định dù ngân sách khó khăn nhưng giảm thuế cho doanh nghiệp vẫn cần thiết, song đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) băn khoăn về đối tượng được hỗ trợ. Vì, nếu chỉ theo hai tiêu chí là doanh thu và lao động thì chưa thực sự khách quan và đảm bảo như mục tiêu được nêu tại dự thảo là hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ là các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế.
Nói về điều này, đại diện công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Hà Nội chia sẻ: “Hiện tại đơn vị của chúng tôi cũng như nhiều công ty khác doanh thu chưa chắc đã có lợi nhuận bởi vì các chi phí đầu vào giá thành nguyên liệu lên cao ấy chúng tôi sẽ không có lợi nhuận và lúc đó thì thuế thu nhập doanh nghiệp nó có giảm đi chăng nữa thì cũng không có ý nghĩa cho nên là nên chăng chính phủ bộ tài chính cứ vào cả các mức doanh thu là trên 50 tỉ vẫn được hưởng miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp”
Theo ý kiến một số chuyên gia, thay vì chỉ giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ một số thì họ cũng mong muốn làm sao các cơ quan chức năng giãn thời gian nộp các loại thuế lên thành 12 tháng. Bởi hiện nay nghị định 41 mới cho phép doanh nghiệp được giãn thuế trong vòng năm tháng.
Xét một cách tổng thể, các doanh nghiệp mà vừa mới hoạt động trở lại giờ mới bắt đầu cảm thấy muôn vàn khó khăn bởi vì thị trường chưa hồi phục sức mua chưa có như vậy nếu cứ giãn thế mà chỉ có 5-6 tháng từ nay đến cuối năm thì thực sự trung tâm của nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách.
Theo khảo sát của VCCI thì 50% doanh nghiệp lo lắng chỉ trụ được nửa năm trước những khó khăn vì dịch bệnh vì thế doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách đúng đắn, hành lang cơ chế từ những các Bộ, ban ngành liên quan để sớm phục hồi.