Cần thêm 'lực đẩy' cho HTX làm nông nghiệp tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn được coi là hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp, nhiều HTX đã thu được hiệu quả nhất định từ các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc và khó khăn trong phát triển và mở rộng mô hình này.
HTX gà vi sinh Thu Thoan (Hà Nội) đang chăn nuôi theo hướng tuần hoàn. Các thành viên sử dụng đệm lót sinh học làm từ nguồn phế phẩm chăn nuôi giúp gà ít bị bệnh, khu vực chuồng trại giảm thiểu mùi hôi. Sau đó, đệm lót sinh học được tận dụng cùng với nguồn chất thải để làm phân bón hữu cơ. Hằng năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 70-80 tấn phân bón hữu cơ vi sinh. Quy trình sản xuất của HTX được ngành nông nghiệp đánh giá cao vì đã được khép kín, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Chưa tận dụng được tiềm năng
Không riêng gì ở Hà Nội, hiện nay ở các tỉnh, thành đều có những HTX tiên phong sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ. Việc sản xuất, đầu tư theo quy trình này giúp mang lại đa giá trị cho HTX từ kinh tế, môi trường, thu nhập… Tiêu biểu như HTX nông nghiệp 19/5 (Sơn La), nhờ sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín khi tận dụng phế phụ phẩm để phục vụ quá trình trồng trọt đã giúp HTX tiết kiệm 500 triệu đồng/năm.
Nhận thức được vai trò của kinh tế tuần hoàn, vậy nhưng nhiều HTX đang khó mở rộng quy mô sản xuất theo hướng này hoặc nhiều HTX còn chưa dám đầu tư. Bởi theo nhiều HTX, nếu chỉ trồng trọt ở quy mô nhỏ, ứng dụng những công nghệ như vi sinh, ủ phân… thì HTX có thể đầu tư và thực hiện. Nhưng cũng có những mô hình, nhất là trong chăn nuôi, để tận dụng được chất thải, HTX phải đầu tư lớn hơn từ máy móc, công nghệ… thì mới có thể xử lý triệt để chất thải, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho một mô hình tuần hoàn như vậy là không hề nhỏ. Do đó, dù biết sản xuất tuần hoàn đem lại hiệu quả cao nhưng để đầu tư đồng bộ thì nhiều HTX vẫn còn khá e ngại.
Chẳng hạn như HTX nông nghiệp 19/5, hiện mới chỉ có một phần diện tích sản xuất của HTX được sản xuất theo quy trình tuần hoàn và được bao tiêu với các doanh nghiệp. Điều này là do kinh phí xử lý chất thải lớn, một phần do ý thức người dân tại địa phương vẫn chưa có ý thức cao trong việc tận dụng phế phụ phẩm, ứng dụng công nghệ trong sản xuất tuần hoàn.
Bà Đinh Thị Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Hà Anh (Bắc Kạn) cho biết việc đầu tư hầm biogas bạt nhằm xử lý phân thải trong chăn nuôi lợn thực chất cũng chỉ hạn chế mùi hôi từ quá trình chăn nuôi. Nhiều mô hình đầu tư hầm biogas nhưng năng lực xử lý còn hạn chế, không xử lý hết lượng chất thải từ vật nuôi vì theo thời gian lượng chất thải sẽ bị ứ đọng, trầm tích.
Những mô hình chăn nuôi thải 3-4 tấn phân và nước thải, chủ trang trại phải đầu tư 4-5 hầm biogas, chi phí cũng đến hàng trăm triệu đồng. Còn đầu tư máy ép phân cho quy mô 10.000 con lợn cũng phải đến 400-500 triệu đồng. Điều này không hề dễ dàng đối với các HTX.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn chưa cụ thể nên đa phần hộ nông dân, HTX muốn vay vốn mở rộng sản xuất, đáp ứng các tiêu chí sản xuất tuần hoàn vẫn còn hạn chế.
Chính vì vậy mà đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp. Các mô hình kinh tế tuần hoàn ứng dụng khoa học công nghệ cao ở khu vực kinh tế tập thể, HTX hầu hết còn chưa phổ biến, chỉ áp dụng hạn chế trong một số lĩnh vực, một số HTX.
Theo thống kê, ngành nông nghiệp mỗi năm tạo ra khoảng 157 triệu tấn phụ phẩm. Nhưng tỷ lệ thu gom phụ phẩm trong trồng trọt mới đạt 52%, ngành lâm nghiệp mới đạt 50%, ngành chăn nuôi là 75%.
Tháo rào cản
Là một mô hình sản xuất khép kín, sau khi nhận thấy lượng vỏ hàu, hà sau khi sơ chế, chế biến thải ra môi trường lớn, HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh (Quảng Ninh) đã đầu tư dây chuyền chế biến vỏ hàu thành thức ăn chăn nuôi và phân bón. Điều này không chỉ giảm áp lực từ loại rác thải vỏ hàu, hà không thể phân hủy ở môi trường tự nhiên mà còn tạo ra những sản phẩm phục vụ nông nghiệp hiệu quả, lâu dài.
Việc các HTX tận dụng phế phụ phẩm, rác thải chế biến thành thức ăn, phân hữu cơ đang góp phần không nhỏ vào quá trình sản xuất xanh, bền vững. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu các quy trình này phục vụ sản xuất trong nước có thể mang lại giá trị cao nhưng nếu phục vụ xuất khẩu sẽ gặp những khó khăn nhất định vì quy trình sản xuất bền vững ở nhiều nước trên thế giới được giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ từ chất lượng sản phẩm đến các thành phần thức ăn, phân bón phục vụ trong sản xuất.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định cụ thể cho việc tận dụng phế phụ phẩm để sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón. Chính vì vậy, người dân, HTX tận dụng chất thải từ quy trình này, phục vụ quy trình khác nhưng chỉ mang tính tương đối, ước lượng, làm theo kinh nghiệm. Nếu các đơn vị nhập hàng yêu cầu xuất trình giấy tờ, quy trình, định lượng các chất trong thức ăn, phân bón thì các HTX sẽ gặp khó khăn.
Theo các HTX, khi ngành nông nghiệp có quy trình chuẩn để sản xuất thức ăn, phân bón từ phế phụ phẩm, các HTX rất dễ áp dụng. Còn như hiện nay, các HTX phải tự nghiên cứu, học hỏi rồi tự xây dựng công thức phối trộn, sản xuất thức ăn, phân bón từ chất thải, phụ phẩm nên quy trình có thể không đồng nhất, dẫn tới chất dinh dưỡng, hàm lượng cũng sẽ khác nhau. HTX cũng phải tự bỏ tiền ra để đi kiểm tra nguồn phân bón, thức ăn tự sản xuất, nếu đạt chuẩn mới được phép sử dụng.
Chính vì vậy, mong muốn của không ít HTX đó chính là cần xây dựng ngay một công thức, quy chuẩn, quy trình chung cho việc chế biến thức ăn, phân bón từ phế phụ phẩm để giúp các HTX dễ dàng áp dụng và tiết kiệm chi phí.
Theo các chuyên gia, thực chất kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không mới với nông dân, thành viên HTX nhưng để áp dụng làm sao cho hiệu quả và được rộng rãi cần có một chính sách cụ thể để người dân, thành viên HTX có thể dễ dàng, thuận tiện áp dụng. Có như thế, mới đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn nguyên liệu có giá trị và đặc biệt là hướng đến mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp xanh và bền vững, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị bền vững.
Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết HTX có 180 thành viên, trong đó phần lớn là những nông dân trung tuổi hoặc đã già nên rất khó chuyển đổi hoặc không thể chuyển đổi sang ngành nghề, dịch vụ khác. Chính vì vậy, để tránh ứng dụng công nghệ, sản xuất tuần hoàn tự phát và không hiệu quả, cần có những hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể, các quy định liên quan đến nông nghiệp tuần hoàn một cách rõ ràng hơn.
Hiện nay, quy định về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn còn nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau. Một số vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan đến thu gom, vận chuyển và tái sử dụng, điều kiện cấp vốn hỗ trợ còn chưa được rõ ràng nên khó khăn cho HTX, người dân trong triển khai, thực hiện