Cần thêm xe buýt trợ giá cho học sinh, sinh viên
Với hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên (HSSV) đang học tập tại các trường từ tiểu học đến đại học trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng xe buýt trợ giá của đối tượng này là rất lớn. Tuy nhiên, do lượng xe buýt còn ít, tuyến đường chưa đa dạng nên phần đông HSSV không thể lựa chọn phương tiện này.
Nhiều phụ huynh phải bỏ việc làm hoặc “bớt xén” thời gian làm việc để đưa đón con. Những người không thể sắp xếp được thời gian thì đành cho con tự chạy xe đến trường trong tâm trạng thấp thỏm lo âu.
* Bất an khi để trẻ tự đến trường
Do không có thời gian đưa đón con mà trường học lại không có dịch vụ đưa đón trẻ, không có tuyến xe buýt đi ngang trường nên nhiều phụ huynh buộc phải lựa chọn để con tự đi học. Phương án này tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông (TNGT) bởi nhiều HS ở độ tuổi này chưa có ý thức cao trong việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn giao thông, kỹ năng xử lý tình huống còn yếu.
Đã có nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra khi HSSV tự điều khiển xe đến trường. Gần đây nhất, ngày 19-12, trên quốc lộ 20 đoạn qua TT.Định Quán (H.Định Quán) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe tải ben với 2 học sinh của một trường tiểu học tại TT.Định Quán khiến 2 em học sinh thương vong. Trước đó, chiều 28-9, một vụ TNGT ở xã Bình Minh (H.Trảng Bom) khiến em N.T.H. (16 tuổi, học sinh một trường THCS trên địa bàn huyện) tử vong trên đường đi học về…
Bà PHẠM THỊ NĂM, nhân viên văn phòng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi sử dụng phương tiện xe buýt để đi làm đã hơn 2 năm nay và cảm thấy rất hài lòng vì giá rẻ, an toàn, không phải lo mưa hay nắng… Tuy nhiên, để phụ huynh ưu tiên chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển con em họ thì các cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư nhiều hơn về chất lượng, bố trí luồng tuyến hợp lý, giá cả phù hợp…”.
Tại TP.Biên Hòa, nhiều phụ huynh đã chọn phương án đăng ký xe dịch vụ để đưa rước con em đi học. Nhiều xe dịch vụ hiện nay đã được đầu tư mới, giúp cho việc đưa đón HSSV đảm bảo. Tuy nhiên, chất lượng xe tốt cũng kèm theo phí dịch vụ tăng cao. Điều đó khiến cho nhiều phụ huynh trăn trở, đặc biệt đối với những gia đình có mức thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Chị Dư Thị Linh (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có 2 con trai đang học tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh và Trường THCS Tân Phong. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bươn chải mưu sinh, không có thời gian đưa đón con nên chị Linh chọn phương án cho con đi học bằng dịch vụ xe đưa rước. Biết hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, ban đầu chủ xe chỉ thu 500 ngàn đồng/2 suất/tháng. Tuy nhiên, kể từ đầu năm học 2022-2023, chủ xe đã tăng lên 800 ngàn đồng/2 suất, đây là giá vé đã giảm so với những học sinh khác nhưng vẫn là một gánh nặng đối với gia đình chị.
Chị Linh cho biết, nếu có tuyến xe buýt đi ngang qua trường hoặc có xe đưa rước học sinh do Nhà nước trợ giá thì chị sẽ không ngần ngại lựa chọn ngay để tiết kiệm chi phí.
Trên thực tế, TP.Biên Hòa đã có một số tuyến xe buýt trợ giá hướng đến đối tượng phục vụ là HSSV và đã được nhiều em lựa chọn làm phương tiện đi học. Điển hình là tuyến xe buýt trợ giá số 1 (Trường đại học Công nghệ Đồng Nai - ngã tư Vũng Tàu).
Em Nguyễn Phương Yến Linh (học sinh lớp 10, Trường tiển học THCS-THPT Bùi Thị Xuân) cho biết, 2 năm trở lại đây, em tự đến trường bằng xe buýt tuyến số 1. “Em rất hài lòng khi đi xe buýt trợ giá vì chất lượng xe tốt, giúp người đi cảm thấy thoải mái, an toàn và giảm thiểu nguy cơ TNGT so với đi xe cá nhân. Em mong muốn mạng lưới xe buýt được bao phủ rộng rãi, tiện lợi hơn để những bạn học sinh có nhà nằm sâu trong các con hẻm nhỏ có thể tiếp cận dịch vụ này” - Linh tâm sự.
* Phát triển mạng lưới xe buýt trợ giá
Phó trưởng phòng Vận tải phương tiện (Sở GT-VT) Phan Hồng Quang cho biết, trên địa bàn tỉnh có 20 tuyến xe buýt đang hoạt động; trong đó có 5 tuyến xe buýt trợ giá gồm: tuyến số 1 (Trường đại học Công nghệ Đồng Nai - ngã tư Vũng Tàu); tuyến số 2 (bến xe Biên Hòa - trạm xe Nhơn Trạch); tuyến số 3 (bến xe Hố Nai - trạm xe Hóa An); tuyến số 7 (bến xe Biên Hòa - bến xe Vĩnh Cửu) và tuyến số 8 (bến xe Vĩnh Cửu - trạm xe Big C).
Xe buýt trợ giá được đầu tư mới 100%, có máy lạnh, niêm yết thông tin điện tử, có loa thông báo trạm, một số tuyến có wifi miễn phí... HSSV đi loại dịch vụ này chỉ đóng 5 ngàn đồng/ lượt. Đặc biệt, HSSV đi thường xuyên và chọn mua vé tháng thì giá vé sẽ giảm khoảng 25% so với giá vé đi lượt. Ngoài ra, các tuyến xe buýt không trợ giá cũng có mức giá phù hợp cho HSSV, tùy theo cự ly ngắn hay dài mà có giá vé từ 5 ngàn đồng trở lên.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, 5 tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn tỉnh vận chuyển mỗi ngày trên 7,2 ngàn lượt khách; trong đó, đối tượng HSSV khoảng 1,4 ngàn lượt khách (chiếm 19,5%). Tuyến xe buýt số 1 có lượng HSSV đi nhiều với 430/1.040 lượt khách trên tuyến (chiếm 41,3%) và tuyến xe buýt số 2 với 550/2.825 lượt khách trên tuyến (chiếm 19,4%).
Thời gian qua, Sở GT-VT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường đảm bảo công tác an toàn trong việc đưa rước HSSV; trong đó chỉ đạo các đơn vị vận tải điều chỉnh biểu đồ để làm sao phù hợp với nhu cầu đi lại của đối tượng HSSV để thu hút đối tượng này đi lại bằng xe buýt.
Hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và tiết kiệm chi phí cho người dân. Tuy nhiên, thực tế loại hình này vẫn đang bộc lộ những hạn chế. Một trong những nguyên nhân là hệ thống xe buýt trong đô thị chưa đa dạng các tuyến xe buýt, thiếu các tuyến xe buýt kết nối trong các tuyến đường nội ô thành phố với các khu dân cư, các trường học… Chính vì vậy, nhiều HSSV vẫn chưa thể tiếp cận với loại hình dịch vụ giá rẻ này.
Về vấn đề này, ông Quang cho biết, thời gian tới, Sở GT-VT sẽ có kế hoạch rà soát lại các tuyến mà UBND tỉnh đã công bố để xem tuyến nào đủ các tiêu chí thực hiện xe buýt trợ giá. Qua đó, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (trực thuộc Sở GT-VT) tổ chức kêu gọi các đơn vị tham gia để tăng cường các tuyến xe buýt trợ giá.
“Sở GT-VT sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị tự khảo sát và đề xuất tuyến. Nếu việc đề xuất tuyến phù hợp thì Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bổ sung thêm để mạng lưới xe buýt của tỉnh càng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho những đối tượng có mức thu nhập thấp, đặc biệt là HSSV” - ông Quang cho hay.
Phó trưởng phòng Vận tải phương tiện (Sở GT-VT) PHAN HỒNG QUANG: Cần nhà đầu tư đủ mạnh về tài chính
Đồng Nai nằm ở vị trí rất thuận lợi để phát triển hệ thống vận tải công cộng về xe buýt. Tuy nhiên, việc quan trọng là cần phải chọn lựa những nhà đầu tư tâm huyết và đủ mạnh về tài chính để có thể làm hệ thống xe buýt được bài bản, chất lượng dịch vụ phải nâng cao để có thể thu hút nhiều người dân đi lại, bởi mức sống của người dân hiện đã tăng cao hơn nhiều.
Em LÊ ANH XUÂN (Lớp 10A3, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Biên Hòa):Mong có tuyến xe buýt phù hợp
Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên tuyến quốc lộ 51 với lưu lượng xe qua lại đông, tình hình giao thông khá phức tạp nên tiềm ẩn nhiều rủi ro TNGT. Nhà em ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa), cách trường khá xa nên cha mẹ đã đăng ký cho em đi xe đưa rước hợp đồng với mức đóng 600 ngàn đồng/tháng. Còn các bạn của em đa số tự đi xe máy, xe đạp điện; một số ít được phụ huynh đưa đón. Nếu có tuyến xe buýt phù hợp hơn cho học sinh đi ngang qua trường thì sẽ có rất đông phụ huynh và học sinh của trường vui vẻ lựa chọn.
An Nhân (ghi)