Cần thiết lập cơ chế phản hồi báo chí, doanh nghiệp mang tính xây dựng

Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Thiện khẳng định, báo chí, doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền địa phương góp phần xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh.

Tham luận tại diễn đàn “Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành phát triển địa phương và gắn kết vì cộng đồng bền vững” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Báo Quảng Trị tổ chức chiều 7/5, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Thiện cho biết, một môi trường đầu tư lành mạnh không tự nhiên mà có mà là thành quả của một quá trình đồng tâm hiệp lực giữa nhiều chủ thể trong xã hội.

Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò "kiến trúc sư trưởng" hoạch định chiến lược và dẫn dắt hành động; doanh nghiệp vừa là trọng tâm của động lực phát triển, vừa đối tượng quản lý của Nhà nước vừa là đối tác trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, nhà báo là cầu nối quan trọng giúp cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, minh bạch và nhân văn hơn.

Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Thiện phát biểu tại Diễn đàn.

Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Thiện phát biểu tại Diễn đàn.

“Báo chí cách mạng Việt Nam từ khi ra đời luôn là lực lượng tiên phong trong tuyên truyền, vận động, cổ vũ cho các phong trào phát triển sản xuất, đổi mới tư duy quản lý kinh tế. Từ thời kỳ Đổi mới đến nay, báo chí đã sát cánh cùng chính quyền và doanh nghiệp trên mọi mặt trận phát triển. Trong lĩnh vực đầu tư tại địa phương, báo chí đã và đang thể hiện rõ nét vai trò của mình trên nhiều phương diện. Báo chí đã trở thành một kênh quan trọng phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp, từ những khó khăn trong tiếp cận đất đai, tín dụng, đến vướng mắc về thủ tục hành chính. Những bài viết, phóng sự điều tra, phản biện chính sách kịp thời giúp lãnh đạo các cấp nhận diện đúng vấn đề và điều chỉnh chính sách, cách làm phù hợp. Các cơ quan báo chí trên địa bàn đã chủ động giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần tạo dựng hình ảnh một địa phương năng động, thân thiện với doanh nghiệp và nhà đầu tư” - ông Nguyễn Đức Thiện nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí tích cực giám sát việc thực thi chính sách, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất cập hoặc hành vi tiêu cực làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp. Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Thiện cho biết thêm, không chỉ đưa tin, báo chí còn góp phần tạo dư luận xã hội tích cực, thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

“Trong mối quan hệ Nhà nước – nhà báo – doanh nghiệp, không thể không nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp – chủ thể trực tiếp hiện thực hóa các chính sách đầu tư, chuyển đổi nguồn lực thành sản phẩm, tạo công ăn việc làm và nguồn thu ngân sách. Doanh nghiệp là nơi đầu tiên cảm nhận được tính chất của môi trường đầu tư. Họ là người tiếp cận với quy hoạch, xử lý các hồ sơ, thủ tục, gặp gỡ công chức, làm việc với cơ quan truyền thông. Chính vì vậy, môi trường đầu tư tại địa phương có lành mạnh hay không, chính là từ câu trả lời của doanh nghiệp mà ra. Khi Nhà nước cởi mở, báo chí minh bạch nhưng doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, không minh bạch trong vận hành thì môi trường đầu tư cũng khó mà lành mạnh. Ngược lại, khi doanh nghiệp hành xử có trách nhiệm, đầu tư bền vững, tuân thủ quy định, minh bạch tài chính, tôn trọng người lao động thì chính họ đã góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho địa phương. Báo chí sẽ lan tỏa điều đó và chính quyền sẽ có cơ sở để hoạch định chính sách hỗ trợ phù hợp” - ông Nguyễn Đức Thiện nói.

Quang cảnh Diễn đàn.

Quang cảnh Diễn đàn.

Thu hút đầu tư không chỉ là câu chuyện của chính sách ưu đãi, của đất đai, hạ tầng hay nguồn nhân lực, mà còn là câu chuyện về niềm tin vào sự minh bạch, vào tinh thần cải cách và sự đồng hành của cả hệ thống. Để tiếp tục phát huy vai trò của báo chí, doanh nghiệp trong thu hút đầu tư, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Thiện đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, báo chí cần thực hiện vai trò phản biện chính sách một cách sâu sắc. Đây là sứ mệnh cao quý nhưng cũng đòi hỏi bản lĩnh và trách nhiệm xã hội. Những “góc khuất” trong điều hành kinh tế, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách cần được nêu ra một cách khách quan, có căn cứ, để từ đó tạo áp lực lành mạnh nhằm thúc đẩy cải cách, hoàn thiện thể chế. Sự phản biện tích cực từ doanh nghiệp và báo chí là một phần không thể thiếu của quản trị Nhà nước hiện đại.

Thứ hai, cần tăng cường tiếp cận thông tin từ cơ sở – nơi phản ánh chân thực nhất những khó khăn và nỗ lực thầm lặng của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc lắng nghe, phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp không chỉ là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và báo chí mà còn là cách để chính sách đi vào cuộc sống một cách đúng hướng, kịp thời.

Thứ ba, trong lĩnh vực kinh tế – đầu tư cần tránh xa xu hướng giật gân, câu view mà thiếu chiều sâu phân tích. Một môi trường đầu tư lành mạnh không chỉ cần các chính sách tốt, mà còn cần sự đồng hành của truyền thông chính trực, có tầm nhìn dài hạn.

Thứ tư, cần thiết lập cơ chế phản hồi báo chí, doanh nghiệp mang tính xây dựng, tránh tình trạng “nghe nhưng không ghi”, “ghi nhưng không sửa” – vốn dễ dẫn đến tâm lý hoài nghi, mất niềm tin từ phía công chúng. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cần vận động một cách tích cực trong cung cấp thông tin đến báo chỉ để phản ánh đúng và trúng vấn đề. Qua đó, tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhìn lại, điều chỉnh và hoàn thiện chính mình.

Thứ năm, cần có sự ghi nhận xứng đáng cho những phóng viên, nhà báo và doanh nghiệp đã góp phần lan tỏa các hình ảnh đẹp, truyền cảm hứng tích cực, đồng thời tạo nên động lực cho xã hội phát triển bền vững.

Thứ sáu, các cơ quan Nhà nước cần tích cực phối hợp với báo chí thống nhất một số kênh thông tin chính thức, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, quy hoạch… Việc minh bạch hóa quy trình, thủ tục sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng “nhiễu thông tin”, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin đầy đủ và đúng hướng. Đó cũng chính là một trong những biểu hiện của một môi trường đầu tư lành mạnh.

Một môi trường đầu tư lành mạnh không thể được xây dựng chỉ bằng lời nói hay nghị quyết. Nó cần đến hành động thực chất, sự tham gia của toàn hệ thống chính trị – trong đó báo chí giữ vai trò tiên phong trên mặt trận truyền thông, phản biện, lan tỏa và tạo niềm tin.

Chính quyền kiến tạo cần báo chí đồng hành. Báo chí chuyên nghiệp cần sự phối hợp từ chính quyền. Doanh nghiệp cần cả hai lực lượng này như đất cần nước và ánh sáng để sinh sôi. Ba chủ thể: Nhà nước – nhà báo – doanh nghiệp, nếu đồng lòng, chắc chắn sẽ tạo nên một hệ sinh thái đầu tư lành mạnh, năng động và bền vững.

Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Thiện

Hoàng Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-thiet-lap-co-che-phan-hoi-bao-chi-doanh-nghiep-mang-tinh-xay-dung.696698.html