Để thu hút nhân tài cống hiến cho đất nước
Trong báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ Nội vụ cho biết, sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm gắn với kết quả đánh giá sản phẩm đầu ra. Đây được xem là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm tạo động lực, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nhiều năm trở lại đây, lương của cán bộ, công chức, viên chức được tính theo công thức chung là hệ số nhân mức lương cơ sở và việc xếp lương được tính theo bằng cấp (ví dụ, tốt nghiệp đại học có hệ số lương khởi điểm là 2,34). Có nhiều bậc lương khác nhau, công tác càng lâu năm, lương càng tăng… Cách thức trả lương hiện nay được cho là có tính chất “cào bằng”, không đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức; không tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài cũng như không khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…
Để khắc phục bất cập này, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tập trung cao độ để xây dựng các phương án cải cách tiền lương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Chính sách tiền lương mới sẽ gắn với vị trí việc làm và kết quả công việc, với cơ chế tham chiếu mức lương của khu vực tư nhân cho các vị trí tương đương. Mục tiêu là để công chức, viên chức yên tâm công tác, hạn chế tiêu cực, “chảy máu chất xám” và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút nhân tài.
Tại Nghị quyết số 27, Bộ Chính trị cũng cho rằng: “Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương”. Nghị quyết cũng nêu rõ, sẽ “Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành...”. Theo đó, mỗi ngành có một số vị trí việc làm; mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo tính chất phức tạp của công việc, không còn “cào bằng” giữa mọi ngành như hiện nay. Người dù mới được tuyển dụng hay bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được trả mức lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc… Cho thấy, tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.
Tìm hiểu về chính sách tiền lương ở một số nước có nền kinh tế phát triển được biết, các quốc gia xây dựng cơ cấu tiền lương cho công chức, gồm tiền lương, thưởng, phụ cấp (đi lại, cư trú, khu vực…) và không có phụ cấp chức vụ do trả lương theo vị trí việc làm. Đơn cử, ở Mỹ quy định về hệ thống trả lương theo hiệu suất và tiền thưởng khuyến khích, việc tăng lương phải dựa trên chất lượng thực hiện công việc hơn là thâm niên làm việc.
Nghị quyết số 27 đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp cụ thể, đồng thời thực tiễn cũng chứng minh, chính sách tiền lương ở nước ta không còn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Do đó, việc sớm triển khai chính sách trả lương theo vị trí việc làm gắn với kết quả đánh giá sản phẩm đầu ra là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay. Chỉ có như vậy mới đảm bảo đời sống và giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, phòng chống tham nhũng và “chảy máu chất xám”. Vấn đề đặt ra là, ngành nội vụ cần khẩn trương xây dựng chính sách tiền lương mới để cấp có thẩm quyền thông qua, sớm đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.