Cần thiết 'nới' trần giờ làm thêm để doanh nghiệp phục hồi

'Nới' trần giờ làm thêm được xem là giải pháp hỗ trợ tạm thời trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân: thiếu hụt lao kĩ thuật, chậm tiến độ đơn hàng, khó khăn về chi phí sản xuất, nhưng cần... đúng luật.

Vì để tăng tốc bù đắp các đơn hàng chậm trễ, các doanh nghiệp đang tổng lực tập trung nhân lực, nguồn lực nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết những “hậu quả” để lại của thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Nhiều nhà máy, xí nghiệp buộc phải đóng cửa, người lao động thất nghiệp gia tăng, nguồn nhân lực vững tay nghề nghỉ việc di chuyển theo làn sóng dịch chuyển về địa phương...

Doanh nghiệp và người lao động vẫn “ngóng” chính sách hỗ trợ

Riêng đối với doanh nghiệp các nhóm sản xuất hàng xuất khẩu, lại có yếu tố thời vụ thuộc các lĩnh vực: thu hoạch nông sản, thủy hải sản, dệt may, da giày… càng đặc biệt mong muốn chính sách “nới” trần giờ làm sớm được phê duyệt. Nguy cơ cắt giảm đơn hàng, mất hợp đồng, cắt giảm băng chuyền, trong khi dịch bệnh vẫn đang “ám ảnh” nguồn lao động còn trụ lại tại các đơn vị sản xuất, số lượng công nhân là F0, F1 trong các phân xưởng tăng 30% - 50%, thậm chí có nơi lên tới 70%...

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, cần thiết tăng giờ làm thêm, nhiều công ty vừa chống dịch, vừa sản xuất và phải chịu nhiều chi phí như xét nghiệm, ba tại chỗ.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, cần thiết tăng giờ làm thêm, nhiều công ty vừa chống dịch, vừa sản xuất và phải chịu nhiều chi phí như xét nghiệm, ba tại chỗ.

Trong 6 tháng qua, đề xuất “nới” giờ làm thêm vẫn đang được xem xét, doanh nghiệp một số lĩnh vực đặc thù rơi vào thế khó, thậm chí lỡ mất nhiều cơ hội phát triển thị trường sản phẩm. Đối với mặt hàng xuất khẩu càng chịu áp lực cao về năng lực cạnh tranh đơn hàng với đối tác trong nước, nước ngoài. Đồng thời phải thực hiện tính tuân thủ trong các hoạt động của doanh nghiệp dưới sự giám sát của đối tác mua hàng. Nếu có dấu hiệu vi phạm quy định, pháp luật, việc hợp tác sẽ buộc phải dừng lại.

Nhiều lao động sau thời gian dài nghỉ dịch, thu nhập giảm sút cũng mong muốn được tăng ca, tăng lương, có thêm thu nhập trang trải cuộc trong bối cảnh vật giá leo thang, dịch bệnh kéo dài. “Hiện tôi một mình nuôi con gái 8 tuổi, sống cùng ông bà ngoại. Nếu không làm thêm giờ, lương cơ bản của tôi chỉ được 5 triệu, không đủ chăm lo ăn uống hàng ngày và đóng học cho con, chưa kể lúc ốm đau cần thuốc men”, chị Phan Thị Tú (33 tuổi), công nhân một công ty giày da Khu công nghiệp Tân Đức, Long An cho biết.

Nếu giải pháp “nới trần” giờ làm thêm được phê duyệt đáp ứng thời điểm, cơ chế thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng quy định về mặt thời gian, sức khỏe, đãi ngộ xứng đáng... sẽ tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ giai đoạn phục hồi. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đà phát triển kinh tế chung của đất nước và tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Xác định các biện pháp mang tính lâu dài

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói rằng, việc điều chỉnh tăng giờ làm thêm trong tháng và trong năm sẽ giúp doanh nghiệp phần nào bù đắp được năng suất, sản lượng thiếu hụt trong thời gian dịch bệnh, kịp tiến độ đơn hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.

“Đề xuất điều chỉnh thời giờ làm thêm là một trong những giải pháp hết sức cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi này. Chúng tôi dự đoán, các ngành sẽ cần 1-2 năm để có thể dần hồi phục”, bà Lan Anh nhấn mạnh.

Dự kiến vào ngày 14/3/2022, trong phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động, do Chính phủ trình theo thủ tục rút gọn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu chậm đưa ra quyết định về điều chỉnh giờ làm thêm sẽ giảm hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tăng ca kíp, giờ làm chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt phù hợp với tình hình thực tế giai đoạn 2022 – 2023.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: "Các ngành chức năng, đặc biệt là người sử dụng lao động phải tính toán kỹ để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động, giúp họ gắn bó lâu dài với nơi làm việc".

Trong khi đó, tình trạng “lách luật”, “thỏa thuận ngầm” để người lao động làm thêm giờ trái quy định cũng vẫn tồn tại trong một số doanh nghiệp. “Lao động là một trong những lợi thế của Việt Nam, nên chính sách cần hướng đến mục tiêu để người lao động an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn là vắt kiệt sức mình trong một thời gian nào đó”, doanh nhân Phan Hải, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty Giày BQ nêu quan điểm.

Việc xây dựng chính sách khuyến khích người lao động cống hiến, trong đó tăng lương tối thiểu, tăng phúc lợi mới là trọng tâm phát triển nguồn lực lao động bền vững, doanh nghiệp chủ động được nhân sự chất lượng, có tay nghề, đồng thời giảm bớt các chi phí tuyển dụng.

Thực tế, nhiều công ty, xí nghiệp đã “vượt dịch” thành công, nhanh chóng ổn định sản xuất và tăng trưởng tốt nhờ áp dụng các giải pháp có tầm nhìn xa.

Nhà máy của công ty Sanaky Việt Nam ở Bình Dương với hơn 600 công nhân, thực hiện “3 tại chỗ” đạt kết quả ấn tượng, sản xuất an toàn, công nhân yên tâm làm việc, sản lượng tăng so với bình thường khoảng 15%.

Đầu tư đổi mới công nghệ chính là phương hướng các doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Gỗ Trường Thành, Đông Tâm… thực hiện nhằm giảm sự phụ thuộc vào lao động, tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân nòng cốt. Ngay trong đầu năm 2022, nhiều công ty đã hoạt động trở lại bình thường chỉ với 2/3 số lao động.

Trước khi Bộ luật Lao động hiện hành cho phép các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản được tăng giờ làm thêm lên 300 giờ/năm (luật cũ là 200 giờ/năm), các cơ quan chức năng cần cân nhắc kĩ các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát thực hiện. Tình hình Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực nhưng đồng thời cũng thúc đẩy sự cải cách toàn diện. Đổi mới linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, giải quyết tốt các chế độ cho người dân và doanh nghiệp... sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Tháng 9/2021, dịch bệnh căng thẳng làm tê liệt hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp ở một số tỉnh trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Thời điểm này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng số giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, nhưng không quá 300 giờ/năm, không giới hạn nhóm, ngành nghề, công việc.

Nguyễn Luận

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viec-lam/can-thiet-noi-tran-gio-lam-them-de-doanh-nghiep-phuc-hoi-1084153.html