Cần thiết phải làm rõ những ai góp tiền, đứng sau việc xã hội hóa thiết bị y tế trong các bệnh viện công

Các chuyên gia cho rằng, việc cán bộ, nhân viên y tế đầu tư máy móc thiết bị làm dịch vụ trong bệnh viện công đang bộc lộ ra nhiều bất cập, sai trái.

Trước thực trạng lãnh đạo, cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nhiều nơi góp tiền mua máy mọc thiết bị y tế để đặt tại các khoa phòng bệnh viện công để làm dịch vụ khám chữa bệnh khiến nhiều người lo lắng phát sinh tiêu cực.

Bàn về tình trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, đại biểu Quốc hội khóa 13 bà Bùi Thị An cho rằng để lãnh đạo, cán bộ, bác sĩ bệnh viên công góp tiền mua máy móc, thiết bị y tế làm dịch vụ trong bệnh viên là sai trái.

Hiện giờ cần thiết phải làm rõ những ai góp tiền, đứng đằng sau việc xã hội hóa thiết bị y tế trong các bệnh viện công.

Xã hội hóa y tế đang bộc lộ quá nhiều bất cập (ảnh minh họa - nguồn internet).

Những cán bộ trong bệnh viện tham gia góp bao nhiêu tiền cần thiết phải minh bạch để người bệnh biết, giám sát.

Xã hội hóa y tế là chủ trương tốt nhưng giám sát không tốt dễ lệch mục tiêu. Khi đi vào thực tiễn có những bệnh viện đã trở thành nơi cho một số cán bộ tham gia kinh doanh. Như vậy thì làm sao đội ngũ này còn đảm đương được trách nhiệm khám chữa bệnh cho nhân dân.

Hiện có hiện tượng người bệnh đi khám thì bệnh viên lại dùng chiêu trò tìm cách đẩy sang khám dịch vụ. Bản chất là do lãnh đạo bệnh viện tham gia hoặc có người nhà tham gia đóng góp tiền đầu tư thiết bị máy móc làm dịch vụ nên tìm cách lôi kéo bệnh nhân.

Việc cán bộ nhân viên bệnh viện tìm cách làm dịch vụ chữa bệnh cho bệnh nhân ngay chính tại bệnh viện công để lấy tiền chia nhau là quá bất cập.

“Theo tôi cần minh bạch từ đầu, nơi nào tồn tại tình trạng này thì tự giác công khai.

Đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ việc cán bộ, lãnh đạo, đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện có được tham gia đầu tư xã hội hóa trong bệnh viện mình công tác hay không và tham gia bằng hình thức nào.

Công ty trong bệnh viện mà là công ty sân sau của lãnh đạo bệnh viện thì rất có vấn đề, là vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Xã hội hóa để người dân được hưởng dịch vụ cao, giá dịch vụ phải chăng chứ lợi dụng xã hội hóa để đầu tư sinh lời mà không kiểm soát thì rất phức tạp”.

Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Đã là bệnh viện công thì dùng ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương để trang bị cho các bệnh viện.

Nếu bệnh viện công có tồn tại hình thức xã hội hóa để các bác sĩ góp vốn mua thiết bị y tế làm dịch vụ thì rất dễ xảy ra tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong điều trị.

Có những trường hợp người bệnh chưa đến mức phải chiếu chụp, xét nghiệm thì cũng bắt phải làm để tăng công suất sử dụng máy lên nhằm thu lợi. Như vậy thì bệnh viện công không còn là của công nữa mà đã trở thành bệnh viện tư”.

Ông Lê Như Tiến còn cho biết, khi các bác sĩ góp tiền với nhau để mua các thiết bị nên có bệnh nhân đến khám thì yêu cầu hết xét nghiệm này đến chiếu chụp khác.

Tất cả đều là giá cao. Do đó, hình thức này đã biến bệnh viện công lấy phục vụ người bệnh là nhiệm vụ chính trở thành thương mại hóa bệnh viện công.

Thậm chí, còn có những bác sĩ ngay bên ngoài bệnh viện là một loạt nhà thuốc thân tín, sân sau. Khi khám bệnh thì chỉ định nhiều loại thuốc không cần thiết, kê thêm nhiều chủng loại để bệnh nhân mua hoặc chỉ định thời gian uống kéo dài để bán được nhiều thuốc.

Trước thực trạng như vậy, ông Lê Như Tiến đề nghị ngành y tế phải rà soát và rung tiếng chuông cảnh báo. Nếu cần thì tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các bệnh viện để kiểm soát vấn nạn này.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-thiet-phai-lam-ro-nhung-ai-gop-tien-dung-sau-viec-xa-hoi-hoa-thiet-bi-y-te-trong-cac-benh-vien-cong-post101358.html