Cần thiết quy định đặc thù trong bảo đảm an toàn xã hội tại Hà Nội

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải (Đoàn tỉnh Đồng Nai) bày tỏ tán thành với biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội liên quan đến việc áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại Điều 33 trong Dự Luật.

Áp dụng đồng bộ, thống nhất các nội dung về chính quyền đô thị

Theo đại biểu Lê Hoàng Hải, là một công dân của Thủ đô, gắn bó sâu sắc với Thủ đô, đại biểu luôn mong muốn Hà Nội có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để bứt phá vươn lên. Không chỉ phát triển Thủ đô xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước mà còn vươn lên tầm khu vực, thế giới.

Theo đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn tỉnh Đồng Nai), là một công dân của Thủ đô, gắn bó sâu sắc với Thủ đô, đại biểu luôn mong muốn Hà Nội có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để bứt phá vươn lên

Theo đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn tỉnh Đồng Nai), là một công dân của Thủ đô, gắn bó sâu sắc với Thủ đô, đại biểu luôn mong muốn Hà Nội có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để bứt phá vươn lên

Đại biểu Lê Hoàng Hải tham gia đóng góp ý kiến về 2 nội dung, đó là về mô hình tổ chức chính quyền và biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Về mô hình tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội, đại biểu Lê Hoàng Hải cho biết tán thành với quy định về tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội như quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật. Mô hình này đã phát triển các quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 97 năm 2019 Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và đã có thực tiễn thi hành trên địa bàn.

Theo đó việc không tổ chức HĐND phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc TP Hà Nội sẽ góp phần khiến tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn. Tuy nhiên, mô hình này hiện cũng đang khác với mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu Lê Hoàng Hải, tại Kỳ họp thứ 6 vào ngày 24 và ngày 31/10/2023, Quốc hội đã cho ý kiến của Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ về sự phát triển ưu, nhược của các mô hình chưa thực sự rõ ràng. Đồng thời cũng chưa cho thấy sự khác biệt về tổ chức dẫn đến khác biệt về cách thức quản lý, vận hành các hoạt động của chính quyền đô thị, các cơ chế, chính sách được áp dụng.

Do đó, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc xây dựng Luật Chính quyền đô thị riêng để tạo cơ sở áp dụng đồng bộ, ổn định, thống nhất các nội dung về chính quyền đô thị.

ĐB Quốc hội cho rằng, cần thiết tạo thể chế mạnh mẽ trong bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Thái San

ĐB Quốc hội cho rằng, cần thiết tạo thể chế mạnh mẽ trong bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Thái San

Ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong trường hợp khẩn cấp

Về biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội liên quan đến việc áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại Điều 33 của dự thảo Luật, đại biểu Lê Hoàng Hải bày tỏ sự tán thành với quy định tại khoản 2 điều này; trong đó cho phép trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội thì Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Quy định tại Dự thảo Luật không coi biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà xác định đây là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội.

“Cách tiếp cận như vậy là phù hợp bởi sẽ không làm phát sinh các trình tự, thủ tục hành chính phức tạp và cũng giúp nâng cao khả năng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong trường hợp khẩn cấp” - đại biểu Lê Hoàng Hải nêu quan điểm.

Theo đại biểu, vừa qua, Hà Nội đã xảy ra một số vụ việc thương tâm liên quan đến các công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị cháy gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, nếu không đẩy mạnh và chú trọng giải quyết mạnh mẽ các sai phạm thì khó có thể kiểm soát được thiệt hại sẽ xảy ra.

Việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước chưa phải là biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhất, nhưng với các yêu cầu rất cao về trật tự, an toàn xã hội tại Thủ đô, đây là biện pháp cần thiết và ưu tiên áp dụng quy định của Dự thảo Luật về nội dung này thì tương đối thận trọng khi xác định đối tượng áp dụng của biện pháp này khác với đối tượng áp dụng của các biện pháp quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết.

“Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ nguyên tắc xác định về thẩm quyền áp dụng để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh lạm dụng. Đồng thời, yêu cầu thể hiện việc áp dụng biện pháp này trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước mà các bên ký kết để tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đây được xem như là bước dự phòng ban đầu, thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm an toàn, trật tự ở trên địa bàn TP” - đại biểu Lê Hoàng Hải nhấn mạnh.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 27/6/2024, tại đợt 2 của Kỳ họp.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-thiet-quy-dinh-dac-thu-trong-bao-dam-an-toan-xa-hoi-tai-ha-noi.html