Cần thiết xây dựng đường cất, hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng ngay đường cất, hạ cánh số 3 (thứ 2) của sân bay Long Thành sẽ tạo thuận lợi cho việc thi công cũng như nâng cao tính hiệu quả trong quá trình khai thác vận hành sau này.
Đường cất, hạ cánh số 3 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu khai thác giai đoạn 1
Tối 4/11, Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể lần thứ 20 thẩm tra tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hoàn thiện được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, giai đoạn 1 của Dự án Cảng HKQT Long Thành chỉ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh ở khu vực phía Bắc của cảng (đường cất hạ cánh số 1).
Trường hợp Cảng HKQT Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên đường cất, hạ cánh, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh cấu hình mở ở phía Nam của cảng (đường cất, hạ cánh số 2) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 50 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 đường cất, hạ cánh (đường cất, hạ cánh số 3 ở phía Bắc và số 4 ở phía Nam) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm.
Quá trình triển khai Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - nhà khai thác cảng sau này) nhận thấy việc xây dựng ngay đường cất, hạ cánh số 3 bên cạnh và cách đường cất, hạ cánh số 1 đang đầu tư 400m để đưa vào khai thác đồng bộ cùng giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và bảo đảm hiệu quả đầu tư.
"Việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của sân bay Long Thành khi 1 đường cất, hạ cánh xảy ra sự cố, không phải chuyển sang sân bay Tân Sơn Nhất. Việc bổ sung thêm đường cất hạ cánh còn đảm bảo sự khai thác liên tục của cảng.
Nếu sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 mới xây dựng đường cất, hạ cánh số 3, sẽ làm gián đoạn khai thác của cảng tại một số thời điểm. Cùng đó, việc khai thác cảng còn bị ảnh hưởng của bụi trong quá trình thi công xây dựng", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết.
Lý do lùi thời hạn thực hiện dự án giai đoạn 1
Trình bày về kiến nghị lùi thời gian thực hiện Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, vì tiến độ thực hiện đầu tư đường cất, hạ cánh số 3, dự kiến là 24 tháng, trong đó thời gian chuẩn bị là 12 tháng và hoàn thành vào 12 tháng.
Lý giải về những khó khăn trong thực hiện Dự án giai đoạn 1, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay, sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo lập trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1, triển khai thiết kế đấu thầu thi công hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác năm 2025.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp 1 số khó khăn bao gồm cả chủ quan và khách quan, dẫn tới phải điều chỉnh thời gian hoàn thành của Dự án giai đoạn 1.
Nêu nguyên nhân, ông Lê Anh Tuấn cho biết, trước hết là do thời gian thi tuyển kiến trúc chuẩn bị. Theo đó, khi lập chủ trương đầu tư và làm báo cáo tiền khả thi, luật có thay đổi nên phải thi tuyển kiến trúc.
Bên cạnh đó là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm chậm tiến độ, đặc biệt là trong việc huy động chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam.
Ngoài ra, ACV phải tiến hành mời thầu 2 lần mới chọn được nhà thầu để đảm bảo năng lực như hiện nay; Một số công trình như trụ sở các cơ quan cũng phải bố trí kế hoạch vốn.
Vì vậy, để hoàn thành giai đoạn 1 của dự án bao gồm cả đường cất hạ cánh số 3, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 đến cuối năm 2026.
Nhiều thuận lợi khi xây dựng ngay đường bay số 3
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết của việc xây dựng đường cất, hạ cánh số 3, cách đường cất, hạ cánh đường số 1 khoảng 400m; Đánh giá về tính khả thi và hợp lý của đề xuất điều chỉnh thực hiện giai đoạn 1 của Dự án đến hết 2026;
Đồng thời, đánh giá sự phù hợp của việc đề xuất cho phép Chính phủ không phải báo cáo Quốc hội thông qua trước khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế bày tỏ sự đồng tình với chủ trương điều chỉnh Dự án Cảng HKQT Long Thành. Ông cho rằng, hiện nay việc xây dựng ngay đường bay số 3 có rất nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai.
"Vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí, vì hiện nay đang có hệ thống máy móc, thiết bị tại công trường. Vị trí đường bay số 1 và số 3 tương đối gần nhau nên khi thi công tận dụng được nhân lực, nguồn lực", ông Hùng nói và cho biết, việc thực hiện ngay đường bay này còn nâng cao năng lực khai thác của Dự án Cảng HKQT Long Thành.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần làm rõ, việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư nếu triển khai tiếp đường cất, hạ cánh số 3 này như thế nào?
Thứ hai, ông Hùng đề nghị, làm rõ việc triển khai đường cất, hạ cánh số 3 có đảm bảo được tiến độ dự án như đã được phê duyệt hay không? Thứ ba là tính đồng bộ của các dự án.
Đại biểu Trần Văn Khải cũng đồng tình việc thực hiện đường bay thứ 3 của dự án sân bay Long Thành.
"Ngày xưa chưa có tiền, điều kiện khó thì chúng ta tính làm một đường băng. Nhưng bây giờ nếu vốn liếng đủ, sẵn sàng các điều kiện mặt bằng, các điều kiện khác thì nên làm", ông Khải nói.
Giải trình làm rõ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn khẳng định, nguồn vốn bố trí của dự án là khả thi vì đây là nguồn vốn của doanh nghiệp.
Ông Lê Anh Tuấn cho hay, mặc dù dự án triển khai theo Luật Đầu tư công do có sử dụng ngân sách Nhà nước cho giải phóng mặt bằng nhưng còn lại là nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước ngân hàng.
Hiện Bộ GTVT sẽ cố gắng hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Phát biểu kết luận phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, các đại biểu đều đồng tình sự cần thiết đầu tư đường bay số 3 của dự án Cảng HKQT Long Thành.
"Tuy nhiên, cũng có ý kiến cần làm rõ về nguồn vốn để các đại biểu Quốc hội an tâm, không ảnh hưởng đến tính đồng bộ của hạng mục trong dự án", ông Thanh nói.
Về tiến độ thực hiện dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu cần làm rõ mốc thời gian hoàn thành là 31/12/2026.